Chiến lược "thu phục đối thủ" của ông Putin ở Trung Đông

Chiến lược "thu phục đối thủ" của ông Putin ở Trung Đông

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 5, 23/11/2017 13:37

Nếu Nga cho thấy mô hình ở Trung Đông mang đến thành công, nó sẽ có nhiều triển vọng cho việc Tổng thống Putin nhân rộng chiến lược này ở Đông Á.

Tiêu điểm - Chiến lược 'thu phục đối thủ' của ông Putin ở Trung Đông

Trung Đông đang trở thành "ngôi nhà mới" của nước Nga.

Trong khi các phương tiện truyền thông Mỹ tiếp tục tập trung vào “trận chiến Twitter” giữa Tổng thống Mỹ và cha đẻ của một cầu thủ bóng rổ vừa được Trung Quốc cho phép trở về nước sau sự can thiệp cá nhân của ông Trump, số phận địa chính trị ở khu vực Trung Đông đang được Tổng thống Nga Vladimir Putin định hình tại Sochi.

Cuộc chiến Syria đang đi vào thời điểm kết thúc dưới sự bảo hộ và dẫn dắt bởi trục Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ.

Khác với diễn biến cách đây chỉ một năm trước, tầm ảnh hưởng của Mỹ đã dần biến mất khỏi quốc gia Trung Đông, sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và cho thấy, ông không mặn mà với việc nối tiếp các chính sách của người tiền nhiệm.

Sự thay đổi của Mỹ

Mô hình can thiệp vào nước khác mà Mỹ áp dụng trong những năm gần đây luôn đi theo phong cách quen thuộc là sử dụng công nghệ, khả năng hậu cần và không quân áp đảo của mình để chiếm ưu thế trên mặt đất.

Ở Syria, Mỹ tìm đến hai đồng minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia để hỗ trợ và duy trì phe đối lập chống chính quyền Assad, đồng thời dựa vào lực lượng người Kurd trong khu vực để hình thành thế lực chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Tuy nhiên, cả ba giờ đây không còn tin tưởng vào những cam kết của Washington và đang tìm đến Moscow như một cường quốc bảo trợ, trung gian thay thế để gặt hái những lợi ích của riêng mình.

Theo cây bút Nikolas K. Gvosdev viết trên tờ National Interest, phản ứng của Mỹ trong thời gian qua trong vấn đề Syria luôn xoay quanh ba hướng tiếp cận: Cho phép Nga làm bất cứ điều gì họ muốn, ưu tiên các lợi ích riêng theo tinh thần “nước Mỹ là trên hết”; Dự đoán Nga sẽ thất bại vì không cáng đáng nổi lượng công việc to lớn và tập trung chỉ trích vấn đề đạo đức trong đó có cáo buộc vũ khí hóa học.

Ba phương pháp tiếp cận trên đều cho thấy một sự thừa nhận rằng, Mỹ không sẵn sàng đầu tư nghiêm túc vào giai đoạn cuối trong cuộc chơi ở Syria mà chỉ tìm kiếm những lợi ích bên lề.

Tiêu điểm - Chiến lược 'thu phục đối thủ' của ông Putin ở Trung Đông (Hình 2).

Tổng thống Trump ngay từ đầu cho thấy ông không muốn tiếp tục chính sách Syria giống người tiền nhiệm.

Nỗ lực của Nga trong việc đứng ra làm đạo diễn tất cả có thể thất bại – người Mỹ không sai khi nói rằng thách thức đối với Tổng thống Putin là rất lớn - nhưng ít ra Nga vẫn đang gặt hái thành công từ sự cố gắng của mình.

Quan trọng hơn, Hội nghị Thượng đỉnh Sochi là sự xác nhận về một liên kết mới được hình thành trong khu vực.

Thứ nhất, nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad vừa có chuyến thăm bất ngờ vào đầu tuần, cảm ơn ông Putin và nước Nga về sự giúp đỡ thời gian qua. Đồng thời nhân vật này cam kết sẽ tiếp tục tiến trình thiết lập các khu ngừng bắn và ủng hộ các chính sách hậu chiến mà Nga đề xuất.

Sau đó, ông Putin đã có cuộc điện đàm với vua Salman của Saudi Arabia để tóm tắt chương trình nghị sự và lắng nghe những nỗ lực của Riyadh trong việc thay đổi cơ cấu nhân sự phe đối lập Syria, tiến tới loại bỏ các tiếng nói chống đối chính quyền Assad.

Cuối cùng, Tổng thống Iran và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tới Sochi trong cuộc hội đàm ba bên Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về quá trình chuyển đổi Syria. Bên cạnh đó, ông chủ Điện Kremlin không quên gọi điện cho ông chủ Nhà Trắng để thông báo về tình hình.

“Thu phục” Thổ Nhĩ Kỳ

Có thể thấy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giờ đây tương tác với người đồng cấp Putin thường xuyên hơn cả các đồng minh của mình ở châu Âu và Mỹ.

Tiêu điểm - Chiến lược 'thu phục đối thủ' của ông Putin ở Trung Đông (Hình 3).

Liên kết với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là thử nghiệm quan trọng của Moscow.

Ông Erdogan đã thay đổi đáng kể lập trường của mình khi ông nhận ra việc thay mặt những người “bạn hờ” phương Tây chặn lại tầm ảnh hưởng của Nga ở Địa Trung Hải hay Trung Đông không hề mang lại lợi ích gì cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn đối với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, định dạng ba bên với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, bên cạnh sự xuất hiện của các hành lang vận tải Bắc-Nam, là điều kiện đảm bảo rằng Iran sẽ không bao giờ bị cô lập về chính trị và kinh tế.

Đối với Tổng thống Putin, quan hệ mới với hai cường quốc khu vực mà theo truyền thống vốn là các đối thủ địa chính trị của Nga là một thử nghiệm quan trọng.

Những gì Nga hy vọng thu về được từ bước đi táo bạo của mình không chỉ đơn giản là việc tìm kiếm tiếng tăm ngoại giao.

Lập luận của Nga gửi đến Ankara và Tehran là các vùng Biển Đen và Biển Caspian không cần sự hiện diện của Mỹ.

Nếu có thể thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ từ một đồng minh phương Tây trở nên trung tính ở đây, bước tiếp theo của Moscow là thử và xác định lại các quy tắc ở Trung Đông, trong đó đề cao vai trò của mình như một “trọng tài chính”.

Và nếu Nga cho thấy mô hình ở Trung Đông thành công, nó sẽ có nhiều triển vọng cho việc Tổng thống Putin nhân rộng chiến lược này ở Đông Á – khu vực mà Moscow đang tham gia vào nhiều hơn trong thời gian gần đây, cây bút Nikolas K. Gvosdev kết luận.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.