Lợi ích và tham vọng
Một trong những điểm nhấn của cuộc gặp hồi đầu tháng 4 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại bang Florida (Mỹ) là thời khắc ông chủ Nhà Trắng thông báo với người đồng cấp Trung Quốc rằng, những quả tên lửa Tomahawk đã được phóng tới Syria.
Với những căng thẳng đang bùng lên trên bán đảo Triều Tiên, cùng nỗ lực của ông Trump yêu cầu Trung Quốc gây sức ép với Bình Nhưỡng, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng đợt phóng tên lửa vào Syria của Washington nhằm phô diễn sức mạnh quân sự. Đó cũng như một lời cảnh báo về quyết tâm của Mỹ về những hành động tương tự, nếu Bắc Kinh không hợp tác.
Tuy nhiên, giới học giả và báo chí Trung Quốc còn nhìn nhận những diễn biến trên từ quan điểm chiến lược của Bắc Kinh tại khu vực Trung Đông và hơn nữa là Địa Trung Hải rộng lớn.
Trong quá khứ, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Địa Trung Hải là tương đối mơ hồ. Một mặt, Bắc Kinh coi sự có mặt của Washington ở Trung Đông là tích cực, vì theo một cách nào đó, Mỹ sẽ “lơ là” việc xoay trục sang châu Á và bảo vệ những công ty Trung Quốc ở khu vực. Mặt khác, Mỹ đã bị chỉ trích nặng nề vì những can thiệp quân sự trong khu vực.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đang dần chú ý tới khu vực này bởi những đe dọa trực tiếp tới lợi ích của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng do hành động của Mỹ. Ông Liu Zhongmin, Giám đốc viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Quốc tế Thượng Hải nhận định rằng, khi sự hiện diện về kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực được mở rộng, Bắc Kinh cũng trở nên nhạy cảm hơn với những diễn biến trong chính sách của Mỹ ở đây.
Vì vậy, điều quan trọng là phải hiểu rõ sự hiện diện của Trung Quốc ở Trung Đông có mục đích gì ngoài những vấn đề liên quan tới năng lượng và liên minh với Nga tại khu vực.
Đầu tư kinh tế mạnh mẽ
Trước tiên, chúng ta phải thống nhất với nhau rằng khu vực Địa Trung Hải rộng lớn ở đây kéo dài từ Vịnh Ba Tư tới Vịnh Aden, qua biển Địa Trung Hải bằng kênh đào Suez. Khu vực này bao gồm nhiều quốc gia khác nhau, tạo nên một hệ sinh thái phức tạp với con người và hàng hóa được luân chuyển nhịp nhàng từ nơi này tới nơi khác thông qua con đường hàng hải.
Vì thế, lợi ích kinh tế, sau đó là chính trị của Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố đó. Kênh đào Suez rộng mở, những tiến bộ trong kỹ thuật đóng tàu và khả năng tiếp nhận của các bến cảng là những yếu tố khiến Địa Trung Hải trở nên càng quan trọng hơn đối với thương mại Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, sự đầu tư của Trung Quốc đối với những các bến cảng từ Abu Dhabi đến Suez và Hy Lạp, đã tăng lên đáng kể. Djibouti, một quốc gia ở Đông Phi, đang trở thành trung tâm thương mại, tài chính và quân sự mới của Trung Quốc trong khu vực.
Hơn nữa, Trung Quốc đã xây dựng được mối liên kết chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng đối với các quốc gia trong khu vực vùng Vịnh. Trong 1,5 thập kỷ qua, họ đã cung cấp cho Bắc Kinh khoảng 40% lượng nhập khẩu năng lượng hàng năm (tương đương với khoảng 10% lượng tiêu thụ mỗi năm của Trung Quốc). Trung Quốc trong nhiều năm liên tục là một trong những đối tác thương mại của tất cả các nước ở Nam Âu, Bắc Phi và Trung Đông.
Dù so với châu Âu và các nền kinh tế phát triển khác, hầu hết những quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đều chưa phải thị trường quan trọng với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đang hướng tới việc kết hợp những nước này vào chuỗi sản xuất toàn cầu của mình trong khuôn khổ sáng kiến Một vành đai – Một con đường (OBOR) và gây dựng những nhãn hiệu hàng hóa “made in China” mới hơn, hiện đại hơn và hiệu quả hơn.
Theo thống kê, số hợp đồng sản xuất ký với các công ty Trung Quốc tại khu vực tăng mạnh trong mấy năm trở lại đây. Cú sốc của cuộc khủng hoảng Lybia năm 2011 chỉ có ảnh hưởng mang tính chất tạm thời và không đáng kể.
Toan tính của các chiến lược gia Trung Quốc
Tuy nhiên, dù Trung Quốc có nhiều đối tác kinh tế, nhưng mối quan hệ chính trị với khu vực và các cường quốc khu vực này khá phức tạp và mong manh.
Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thường được các học giả Trung Quốc nhắc đến với vai trò quan trọng trong việc kiểm soát khu vực, đặc biệt là khi họ nghĩ tới việc mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Tuy nhiên, vì Iran có thể cân nhắc lại chiến lược kinh tế, ưu tiên những sản phẩm châu Âu, hoặc vì sự bất ổn ngày càng gia tăng do chủ nghĩa dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ, nên các chiến lược gia Trung Quốc tỏ ra khá thận trọng trong cách tiếp cận hai quốc gia này.
Các quốc gia châu Âu hầu như không được coi là những đối tác hữu ích với Trung Quốc bởi những hoạt động quân sự của họ tại Lybia khiến Bắc Kinh hiểu, đó là một động thái tiêu cực. Nếu có hợp tác với họ, Bắc Kinh cũng không muốn mình bị coi là một diễn viên thứ yếu, đặc biệt là ở châu Phi. Một học giả Trung Quốc gần đây vừa đưa ra lời khuyên rằng, Bắc Kinh nên hợp tác an ninh trực tiếp với những nước Bắc Phi và Trung Đông chứ không nên thông qua một bên nào khác.
Mặc dù được miêu tả là đồng minh của Nga tại khu vực đang cố gắng làm cản trở Mỹ nhưng Trung Quốc nhận thức rõ rằng mục tiêu của họ và Moscow là không hoàn toàn giống nhau. “Ngoại giao cơ hội” của Nga trong khu vực có thể gây ra những xáo động đối với Trung Quốc.
Đối mặt với khó khăn trong việc lựa chọn những đồng minh tin cậy, việc Trung Quốc ngày càng nhiệt tình hơn trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là một điều dễ hiểu. Không bất ngờ khi sau đó, Trung Quốc đặt mục tiêu đưa một trong những sĩ quan của mình vào vị trí lãnh đạo trong đơn vị gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Trong tương lai, không còn nghi ngờ về sự tham gia kinh tế tích cực của Trung Quốc với khu vực Địa Trung Hải dưới sáng kiến Một vành đai – Một con đường. Tuy nhiên, các chiến lược gia Trung Quốc cũng nhận thức rõ về sự cần thiết phải tránh bị cuốn quá sâu vào những vấn đề khu vực, đặc biệt là khi việc sử dụng quân sự là một phần của các cuộc tranh luận. Do đó, Trung Quốc có thể sẽ không hoàn toàn đứng về một phía nào trong số các đối tác nêu trên. Lợi ích của Mỹ và Trung Quốc ở Địa Trung Hải, sẽ là một bài toán cho cả hai bên.
Xem thêm: Lý do bà Merkel tới thăm ông Putin vào tháng 5
Danh Tuyên