Tôi vinh dự có dịp được tiếp xúc và trò chuyện với Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Tụ, nguyên Phó giám đốc học viện Quân y. Ông và nhiều đồng đội cùng trang lứa được cấp trên cử đi làm nhiệm vụ đặc biệt vào thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra khốc liệt nhất, đó là vào những năm 1965-1968. Khi ấy, với đòi hỏi thực tế của chiến trường cần thiết phải thành lập một bệnh viện tuyến cuối tiền phương nhằm điều trị thương, bệnh binh cho các đơn vị chủ lực.
Người lính đa tài
Nhiệm vụ này cấp thiết nhằm bảo đảm quân lực trực tiếp cho các đơn vị trong và sau các chiến dịch. Bệnh viện 211 với bí danh B3 cắm trốt tại Tây Nguyên ra đời từ hoàn cảnh như vậy. Khi đó, đồng chí Nguyễn Tụ được bổ nhiệm giữ cương vị Tổ chức chỉ huy quân y của B3.
Ông bồi hồi nhớ lại: “Ngày nhận lệnh lên đường, ai cũng xúc động, vừa vinh dự tự hào song cũng không giấu được nỗi chơi vơi khi nhiệm vụ trước mắt thực khó khăn. Khi đó, vì tiền phương, đoàn công tác (gần 500 người), trang thiết bị y tế phục vụ cho việc thành lập B3 chất đầy trên 150 xe đã di chuyển vào địa điểm tập kết trước đó vài tháng. Đoàn cán bộ phần đông là các chuyên viên có trình độ được tuyển chọn từ các viện lớn như 103, 108… hành quân theo sau, trong đó gần 1 tháng phải đi bộ băng rừng để đến điểm hẹn”.
Ông Tụ kể tiếp: “Khi chúng tôi đến đó mới biết mình phải xây dựng mới tất cả. Lúc đầu, chúng tôi cứ nghĩ chỉ việc hành quân vào là triển khai khám chữa bệnh luôn. Thực ra B3 là chỉ thị thành lập của cấp trên, chúng tôi chỉ được đảm bảo có tọa độ, vùng đóng quân trên bản đồ quân sự chứ phải tự xây dựng bệnh viện trong điều kiện thực tế”.
Lúc ấy nhiệm vụ xây dựng B3 thực sự gặp vô vàn khó khăn. Nhân lực thì có nhưng vật lực thì trắng tay. Toàn bộ trang thiết bị chất trên 150 xe bị máy bay địch oanh tạc trên đường hành quân, tổn thất gần hết. Khi triển khai nhiệm vụ, phải cử từng chuyên viên phụ trách các mảng chuyên môn đến từng kho tập kết (đi đến mỗi điểm phải mất ít nhất nửa tháng) để nhặt nhạnh những linh kiện, phụ kiện, hóa chất mang về dùng.
Theo câu chuyện của vị tướng này, những năm tháng đầu tiên thành lập bệnh viện tiền phương B3 Tây Nguyên, vấn đề lớn nhất là đảm bảo quân nhu và trị sốt rét rừng.
Thời điểm đó, đường mòn Trường Sơn chưa trải rộng và đi sâu như những năm 71- 72, cả chiến trường Tây Nguyên rộng lớn chỉ có một điểm mút (điểm tập kết lớn) cách nơi đóng quân của y trạm cả tháng đi bộ. Nhiều khi anh em nuôi quân tải gạo từ điểm tập kết về tới trạm thì số gạo đó cũng chỉ đủ phục vụ chính bản thân người lính đó. Vì vậy, lãnh đạo cơ quan quán triệt anh em phải tự túc lương thực tại chỗ bằng nhiều cách: thành lập đội chuyên săn thú rừng, đội chuyên trồng lúa nương, rau xanh… để cải thiện đời sống cho cán bộ đơn vị cũng như thương bệnh binh đang điều trị tại viện.
Cuộc chiến với sốt rét rừng
Ông Tụ kể, trong công tác khám chữa bệnh cho thương, bệnh binh tại B3, có lẽ việc xử lý với sốt rét rừng là cam go nhất. Hơn một nửa chiến sĩ ở các đơn vị chiến đấu trên mặt trận này dính “sốt rét rừng”. Và đây cũng là nguyên nhân chính làm giảm sức chiến đấu của các đơn vị.
Gay go nhất không phải là thiếu thuốc, theo ông Tụ thì khi người lính bị sốt rét rừng cộng với thiếu lương thực, suy dinh dưỡng khiến phần lớn chuyển sang sốt ác tính. Không ít người lính mất ngay tại tăng võng bởi căn bệnh này.
Trong cái khó ló cái khôn, anh em cán bộ trong xưởng dược tại B3 đã thành công trong việc chế “cao đạm” giúp thương bệnh binh hồi phục nhanh sức lực.
Ông Tụ kể: “Nơi đơn vị chúng tôi đóng quân nằm cạnh dòng sông Cô Cô. Mỗi mùa mưa, dọc lưu vực sông run đất (địa long) trồi lên vô kể. Anh em xưởng dược chỉ việc mang xẻng xúc đầy gùi mang về thủy phân trở thành cao đạm. Liều thuốc này anh em đặt luôn tên B3 min. Khi gửi ra Bắc kiểm nghiệm, anh em trong đơn vị vô cùng vui mừng biết được các thành phần trong B3 min có hàm lượng Protein, Vitamin ngang với các thuốc của nước bạn đang chu cấp cho ta”.
"Có một sáng kiến nữa của anh em là chế “cao voi”. Nhiều khi phát hiện xác voi chết vì bom đạn, anh em thường đánh dấu vị trí của voi, sau vài tháng khi xác voi phân hủy hết, anh em trong đơn vị mang nồi đến vị trí ấy, lấy xương voi nấu thành cao. Xưởng dược từng nấu được 3 tạ cao voi, đem ngâm rượu. Anh em thương bệnh binh “khoái” món này lắm nên bình phục rất nhanh", ông Tụ cười nói.
Cũng trong gian khó, người lính quân y B3 đã có rất nhiều sáng kiến độc đáo trong điều trị bệnh cho anh em thương, bệnh binh. Từ việc tự nấu thủy tinh để làm ống kim tiêm đến dùng Lân Tơ Uyn (một loại cây leo rừng) thay thuốc kháng sinh, hay dùng búp lá chuối rừng non đắp lên các vết bỏng bom Napan giúp người lính đỡ đau sốc trong điều trị…
Tất cả những việc làm đó của người lính quân y B3 đã giúp đảm bảo quân lực chiến đấu cho các đơn vị. Trong tổng kết sau chiến tranh, từ năm 1965-1975, bệnh viện 211 (B3) đã điều trị cho hơn 4,5 vạn thương binh, 16 vạn bệnh binh, trả phục hồi chiến đấu về các đơn vị hơn 69% số thương, bệnh binh điều trị.
Vi Hậu