Cơ chế của Iran ở phía Nam
Theo chuyên gia Nawar Shaaban, Iran dựa vào vũ khí của mình ở miền nam Syria để tránh các cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Israel, đồng thời đây cũng là cái cớ để hiện diện ở khu vực này dưới sự trợ giúp của lực lượng an ninh quân sự Syria cũng như "Lữ đoàn 313".
Chuyên gia Shaaban giải thích, Iran đang sử dụng cơ chế rõ ràng trong bối cảnh đối đầu với Israel và cố gắng thiết lập sự hiện diện của nước này ở khu vực phía Nam.
Mặt khác, Tehran còn nắm giữ vai trò giám sát phía đông Badia của Daraa và trong trường hợp bất kỳ căng thẳng quân sự nào xảy ra ngoài tầm kiểm soát của Iran như việc các phần tử IS có thể xâm nhập từ khu vực này và đe dọa an ninh. Theo Shaaban, thỏa thuận an ninh này là một phần trong cơ chế của Tehran nhằm đối đầu với bất kỳ sự leo thang quân sự nào có thể xảy ra.
Dưới sự bùng nổ của các cuộc giao tranh trên biên giới bị chiếm đóng của Syria và Lebanon, các nhà phân tích chính trị và quân sự đã dự đoán một mùa hè tương tự như cuộc chiến tháng 7 năm 2006 giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon, bắt đầu bằng sự bắt giữ binh lính của cả hai bên.
Ông Shaaban tuyên bố sự lây lan của đại dịch coronavirus đã gây nhiều thử thách, ngăn cản mọi cuộc đối đầu quân sự trên toàn thế giới, đặc biệt là ở một khu vực đang gia tăng các bệnh nhiễm khuẩn như Syria. Bởi vậy, kịch bản chiến tranh năm 2006 khó có thể xảy ra một lần nữa.
Chuyên gia quân sự này cũng nói thêm tình trạng dịch bệnh trong khu vực sẽ ngăn cản mọi nỗ lực nhằm chiếm ưu thế ở biên giới phía nam Syria thông qua các cuộc đối đầu trực tiếp. Bởi lẽ các binh lính và các phần tử của các phe phái quân sự cũng như dân quân có thể phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, dẫn đến lan truyền vi rút trong dân thường.
Iran, Lebanon và chính quyền Syria đang phải hứng chịu các cuộc khủng hoảng kinh tế khiến họ không thể đối mặt với Israel.
Sức ép của Mỹ-Israel với Iran
Căng thẳng ở miền nam Syria và Lebanon có liên quan đến tình hình ở Iran, với sự bùng phát gần đây của một số vụ nổ và hỏa hoạn mà thủ phạm, là do Israel hay Washington kích động, vẫn chưa được xác định.
Iran tin rằng vụ nổ xảy ra tại cơ sở hạt nhân Natanz là một âm mưu phá hoại mà nhân tố đứng sau là Mỹ hoặc các nhóm theo chủ nghĩa đối lập, như Trưởng ban Tổ chức Phòng vệ Dân sự Iran.
Chuẩn tướng Gholamreza Jalali cho biết hôm 4/7, Tehran không loại trừ vụ nổ của nhà máy hạt nhân là một hành động phá hoại do “các nhóm đối lập phát động hoặc một cuộc tấn công mạng do chính quyền Mỹ đứng sau giống như những vụ việc tương tự xảy ra gần đây ở Iran”.
Sau tuyên bố của quan chức Iran, The New York Times dẫn lời một quan chức tình báo Trung Đông và một thành viên của IRGC cho biết, có một giả thuyết mới dựa trên khả năng một quả bom đã được gài bên trong cơ sở hạt nhân Natanz. Tuy nhiên, nguồn tin không loại trừ khả năng Israel phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công.
Theo tờ báo, tình báo Israel cảnh báo về khả năng nổ ra các cuộc tấn công vào các địa điểm nhạy cảm ở Iran. Vào năm 2018, các đặc vụ Israel đã ập vào một nhà kho ở Tehran, đánh cắp nửa tấn hồ sơ bí mật ghi lại dự án hạt nhân của Iran và sau đó tìm cách bán các tài liệu mật từ nước này.
Tuy nhiên, Israel đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công Natanz, theo tuyên bố của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz và Bộ trưởng Ngoại giao Gabi Ashkenazi.
Các vụ đánh bom ở Iran đã gia tăng trong tháng 7, trong đó gần đây nhất là vụ nổ xảy ra ở thành phố Daulatabad thuộc vùng Kermanshah, phía tây đất nước, vào ngày 28/7.
Khi đó, Cơ quan Thông tấn Sinh viên Iran (ISNA) đã công bố trên Twitter một đoạn video cho thấy 6 xe tải chở nhiên liệu bị đốt cháy trong một hầm đậu xe.
Căng thẳng ở Iran lên đến đỉnh điểm khi các máy bay chiến đấu của Iran tung hoành trên không phận Syria. Vào ngày 23/7, các máy bay phản lực F-15 của Mỹ đã chặn một máy bay của Iran ở tỉnh Homs do liên quân quốc tế kiểm soát, khiến Iran gửi đơn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Chiến lược của Israel-Mỹ nhằm đối mặt với Iran
Điều duy nhất quan trọng đối với Mỹ ở Trung Đông là an ninh của Israel, vì Mỹ từng coi các quốc gia vùng Vịnh là một đồng minh thiết yếu.
“Mỹ và các nước phương Tây hoàn toàn có thể quản lý mà không cần đến dầu của vùng Vịnh, khi sản lượng dầu của Mỹ đạt đến đỉnh điểm. Theo số liệu thống kê được công bố vào tháng 7 năm ngoái, Mỹ sản xuất hơn 11 triệu thùng mỗi ngày, bên cạnh nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên và khai thác khí chuyên sâu từ đá phiến ”, chuyên gia Al-Yousef cho biết.
Vì vậy, khi một kẻ thù, chẳng hạn như Hezbollah hoặc các bên khác, tuyên bố ý định loại bỏ Israel và cố gắng thể hiện nỗ lực đó trên thực địa, Mỹ sẽ tìm cách bảo vệ bằng cách loại bỏ Iran khỏi các biên giới lân cận.
Nga là người chiến thắng lớn nhất
Nga đảm nhận nhiệm vụ giám sát các động thái của Israel, Iran và chính quyền Syria ở biên giới phía Nam Syria. Ngay từ đầu, vì một số lý do, Nga đã hướng sự chú ý vào vấn đề an ninh của Israel, ông Al-Yousef cho biết.
Chuyên gia quân sự này nói rằng 20% công dân Israel có nguồn gốc Nga và có quốc tịch Nga. Đặc biệt, trong đó sự hiện diện của những người thân tín với nhà lãnh đạo Nga Putin, Arkady và Boris Rotenberg, những người được coi là doanh nhân có ảnh hưởng nhất.
Về chính sách của Nga ở Syria, ông Putin đã xem chính cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này như một lá bài để thương thảo với phương Tây. Do đó, khi người Israel yêu cầu Nga giúp đỡ nhằm đẩy người Iran ra khỏi khu vực, Israel đã lập tức nhận được phản ứng tích cực, theo ông Al-Yousef. “Chúng tôi đã nhìn thấy máy bay Israel bay lượn trong không gian Syria, tấn công bất cứ nơi nào họ muốn mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của Nga ”, chuyên gia cho biết
Nhà nghiên cứu khẳng định rằng sự im lặng của Nga đối với vụ ném bom của Israel là minh chứng rõ ràng cho thấy sự chấp thuận của nước này với ranh giới đã được lập ra này. Nếu không có sự chấp thuận của Nga, người Israel sẽ không thể tấn công các địa điểm đó hoặc tiến thêm dù chỉ một cm vào lãnh thổ Syria.
Mặt khác, người Nga cũng không lấy làm phiền lòng với bất kỳ sự leo thang quân sự nào giữa Israel và Iran bởi điều này có thể sẽ thúc đẩy vai trò giám sát của Moscow, theo ông Al-Yousef.
Điều này có nghĩa khi Iran bị Israel đe dọa, nước này lập tức yêu cầu người Nga giúp đỡ để giảm mức độ nghiêm trọng của cuộc tấn công. Tương tự, Israel cũng sẽ cần sự chấp thuận của Nga để thực hiện mọi cuộc tấn công.
Sự leo thang căng thẳng này sẽ trao cho Nga vai trò của một “cảnh sát” có nhiệm vụ giải quyết những xung đột giữa hai bên. Ảnh hưởng của Iran ở Syria càng yếu thì Nga càng trở nên mạnh mẽ hơn. Theo hướng này, chuyên đó Al-Yousef thấy rằng người Nga không cần người Iran ở lại Syria nữa.