Theo AMN, thông tin từ Avia.pro cho thấy, một chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ được phát hiện có mặt ở phía đông Địa Trung Hải trong tuần này và được tiêm kích F-16 của lực lượng không quân Hy Lạp hộ tống. Chiếc B-52 bất ngờ lại gần căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở phía tây Syria.
“Cách đây vài giờ, ban đầu là ở phía nam Hy Lạp và sau đó lại gần đảo Síp, một máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bị phát hiện và ngạc nhiên hơn là chiếc máy bay này lại gần căn cứ Hmeymim của Nga ở Syria. Hành trình chính xác của oanh tạc cơ Mỹ hiện vẫn chưa thể nắm rõ, nhưng theo nhiều nguồn tin, máy bay B-52 đã bay lại gần biên giới Syria trước khi tiến về phía không phận của Jordan”, Avia.pro cho hay.
Cũng theo Avia.pro, mục đích máy bay ném bom B-52 lại gần căn cứ quân sự của Nga ở Syria vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, trước đó, B-52 đã thực hiện tấn công giả định nhằm vào các căn cứ quân sự của Nga trong khu vực do đó, theo giới chuyên gia, khả năng B-52 muốn "hù dọa" Nga.
“Điều đáng nói, một nguồn tin chưa được kiểm chứng cho hay, căn cứ không quân Hmeymim của Nga hiện không còn được hệ thống phòng không S-400 bảo vệ”, Avia.pro cho biết thêm.
Hồi tuần trước, một số tin đồn xuất hiện cho rằng, quân đội Nga đã không còn cho kích hoạt hệ thống S-400 ở Syria. Nếu là sự thật, đây sẽ là một trong những lý do khiến Mỹ quyết định điều máy bay ném bom B-52 tiến lại gần căn cứ của Nga ở Syria. Song Nga và Mỹ rất hiếm khi công khai bình luận về thông tin những chuyến bay như trên.
Mỹ quyết bám trụ mỏ dầu ở Syria
Tổng thống Donald Trump mới đây đã bất ngờ thông báo sẽ triển khai vài trăm quân cùng xe thiết giáp để bảo vệ các mỏ dầu ở đông bắc nước này.
Quyết định này trái ngược với lệnh rút hết quân mà ông Trump đưa ra trước đó, cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của nguồn tài nguyên dầu mỏ đối với tình hình khu vực. Một số người cho rằng động lực thúc đẩy ông Trump thay đổi quyết định là do nguồn lợi kinh tế từ các mỏ dầu ở Syria.
Tuy nhiên, các chuyên gia Roger Diwan và Daniel Yerginis của IHS Markit chỉ ra rằng giá trị kinh tế mà các mỏ dầu ở Syria mang lại cho Mỹ là không cao. Các giếng dầu ở Syria từng chiếm 25% tổng thu ngân sách của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad giai đoạn trước cuộc nội chiến, nhưng trên thị trường thế giới, nguồn dầu mỏ Syria gần như không đáng kể.
Dù vậy, Mỹ có một số lý do để duy trì lực lượng bám trụ tại các mỏ dầu nước này, trong đó điều quan trọng nhất được Washington nêu ra là sự hiện diện của lính Mỹ đảm bảo rằng các mỏ dầu này không rơi vào tay IS một lần nữa.
Dù thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt, IS vẫn còn hàng nghìn tay súng ở Iraq và Syria, cộng thêm một lượng lớn phiến quân đang bị giam trong các nhà tù do người Kurd kiểm soát. Kể cả khi IS không có khả năng "trở lại thời hoàng kim", các tay súng của tổ chức này vẫn có thể phá hoại các mỏ dầu, nguồn tài nguyên đáng giá nhất của Syria.
Lý do thứ hai là việc bám trụ ở các mỏ dầu này khiến Mỹ nắm trong tay một "quân bài mặc cả" với cả Nga lẫn chính quyền Assad trong quá trình đàm phán sau này.