Theo Middle East Monitor, kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến ở Syria năm 2011, giới lãnh đạo Nga đã sát cánh cùng chính quyền Tổng thống Syria, Assad, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố và lực lượng đối lập có vũ trang. Trong tất cả các tuyên bố của mình, Tổng thống Nga Putin đều nhấn mạnh rằng sứ mệnh của Nga ở Syria là chống khủng bố, những kẻ đe dọa an ninh của Moscow nếu thành công ở Trung Đông.
Nga không muốn ông Assad từ chức bởi nhà lãnh đạo này phù hợp với chính sách ngoại giao của Moscow và ông cũng là người bạn trung thành giống như cha ông Hafez với quan hệ tốt cùng Liên bang Xô Viết. Bởi vậy, Nga sẽ không để ông Assad phải thân cô thế cô. Ông Putin từng tuyên bố điều này trước truyền thông và thực thế đã được ghi nhận. Các nhóm binh sĩ Nga đã hỗ trợ quân đội Syria trong các hoạt động quân sự.
Một trong những nhân vật quan trọng nhất của Syria mà truyền thông Nga tự hào quảng bá là chuẩn Tướng Suheil Al-Hassan, chỉ huy lực lượng Hổ Syria tinh nhuệ của quân đội Syria. Theo thông tin từ phía Moscow, nhân vật này là anh hùng đã giúp đỡ Nga trong cuộc chiến chống khủng bố, từng được trao tặng huân chương Hữu Nghị Nga. Và theo nhiều nguồn tin, Tướng Suheil Al-Hassan được coi là người Syria lý tưởng mang tới lợi ích cho Nga.
Syria là khách hàng vũ khí lớn hàng đầu của Nga. Nếu quay lưng lại với Syria, Nga sẽ mất nhiều hợp đồng vũ khí béo bở. Ngoài ra, Tổng thống Vladimir Putin – người vốn luôn có lập trường cứng rắn đối với phương Tây. Ông Putin chắc chắn muốn thông qua việc bảo vệ Syria trước sức ép của phương Tây để thể hiện vị thế và ảnh hưởng của nước Nga trên trường quốc tế.
Giới lãnh đạo ở Moscow muốn cho phương Tây thấy họ không thể tiếp tục phớt lờ tiếng nói của nước Nga như trước đây và rằng phương Tây cũng không thể dễ dàng đánh đổ đồng minh của Nga.
Tình hình Syria sẽ diễn tiến ra sao nếu Nga vẫn còn tham gia nhiều vào công việc của quốc gia Trung Đông này? Dù Moscow khẳng định chỉ vào Syria để chiến đấu chống khủng bố nhưng thực tế Nga vẫn tác động tới hệ thống an ninh và tăng cường những nhân vật trung thành trong bộ máy quân sự Syria.
Có một thực tế rằng dù cho ông Assad có thể mang tới những thay đổi trong nền kinh tế và an ninh của Syria khi còn nắm quyền lãnh đạo nhưng vị Tổng thống đương nhiệm này tiếp tục nắm quyền sẽ khiến các quốc gia châu Âu từ chối các dự án tái thiết ở Syria.
Tuy nhiên, dù Nga, Mỹ và Israel khác nhau trong lập trường ở Syria nhưng họ vẫn hợp tác và không muốn ông Assad từ chức ngay với lý do chưa tìm được người có suy nghĩ đồng điệu với họ thay thế.
Họ e ngại rằng tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ tiếp tục hoành hành ở Syria và đe dọa đến tương lai của cả khu vực này. Bởi thế nên các quốc gia này chưa sẵn sàng từ bỏ ông Assad, người đang điều hành chiến đấu chống lại tổ chức Anh em Hồi giáo. Tuy nhiên, họ lại tức giận trước việc chính quyền ông Assad đang hợp tác với Iran.
Một trong những giải pháp cho tình hình Syria là thành lập một mặt trận quốc gia hoặc đảng chính trị đoàn kết người Syria lưu vong. Họ phải có tiếng nói và có thể đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi chính trị ở quốc gia này.
Nga khó lòng chống lại kế hoạch thay thế ông Assad ở Syria nhưng Moscow muốn giữ các căn cứ quân sự của mình ở quốc gia Trung Đông này cũng như hợp tác với Damascus. Đó là lý do tại sao Moscow vẫn ủng hộ chính quyền ông Assad.