Theo BulgariMilitary, những ngày gần đây không quân Nga đã tiến hành một số cuộc tấn công vào phía tây bắc Syria và các máy bay chiến đấu nhắm mục tiêu tới vị trí của lực lượng Đảng Hồi giáo Turkestan (TIP) và nhóm Hurras Al-Deen.
Một nguồn tin thực địa tại tỉnh Hama cho biết, không quân Nga ồ ạt nã đạn xuống các vị trí của Đảng Hồi giáo Turkestan ở vùng nông thôn phía đông bắc Latakia.
Không quân Nga chủ yếu tập trung các cuộc tấn công vào thị trấn Kabani, nơi còn do các nhóm thánh chiến nước ngoài kiểm soát.
Sau các cuộc tấn công vào Latakia, không quân Nga đã mở rộng cuộc tấn công vào vùng nông thôn phía nam Idlib.
Nguồn tin cho biết, không quân Nga đã nhắm mục tiêu tập trung vào khu vực Jabal Al-Zawiya, nằm ở phía nam và miền trung của tỉnh Idlib.
Cuộc tấn công vào các vị trí của lực lượng thánh chiến gần chiến tuyến của quân đội Ả Rập Syria gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng phòng thủ của phiến quân.
Hồi tháng 2, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất ít nhất 62 binh sĩ tại Syria, gần 100 binh sĩ bị thương, hàng chục xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy và hơn mười máy bay không người lái bị bắn hạ ở mảnh đất Trung Đông. Washington đã nhiều lần cáo buộc Moscow liên quan đến cái chết của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tuy nhiên Nga bác bỏ những cáo buộc này.
Đầu tháng 3, Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Vladimir Putin và Recep Tayyip Erdogan, đã ký kết một thỏa thuận theo đó lệnh ngừng bắn có hiệu lực tại khu vực xuống thang Idlib.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau đó nói, nếu quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không rời khỏi đất nước, Damascus sẽ có thể sử dụng vũ lực.
Lý do triển khai các cuộc đàm phán Nga-Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm giải quyết sự gia tăng căng thẳng ở Idlib. Vào tháng 1, một cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Syria nhằm vào các vị trí của phe đối lập vũ trang và khủng bố bắt đầu.
Các lực lượng chính phủ Syria đã chiếm lại gần một nửa khu vực xuống thang ở Idlib và để lại một số trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, Ankara tăng mạnh đội ngũ quân sự trong khu vực và triển khai chiến dịch tấn công quân đội Syria.
Đòn tấn công mạnh vào Idlib của Syria
Cùng với hoạt động mạnh mẽ của Nga, hôm qua quân đội Ả Rập Syria (SAA) cũng tấn công vào các vị trí thánh chiến ở vùng nông thôn phía Nam của tỉnh Idlib sau khi theo dõi các phong trào nổi dậy của phiến quân ở vùng Jabal Al-Zawiya.
Theo một báo cáo thực địa từ mặt trận, quân đội Ả Rập Syria tập trung tấn công vào thị trấn Al-Baraa, nơi đã trở thành thành trì chính của lực lượng thánh chiến ở khu vực phía nam của Jabal Al-Zawiya.
Báo cáo cho biết cuộc tấn công của quân đội Syria đã buộc các chiến binh thánh chiến phải giải tán khỏi khu vực sau khi một lượng lớn tay súng của lực lượng này phải bỏ mạng nơi chiến trường.
Quân đội Ả Rập Syria, cùng với không quân Nga, đã nhắm mục tiêu vào vùng nông thôn phía nam Idlib và đồng bằng Al-Ghaab gần đó hàng ngày.
Các cuộc không kích của Syria và Nga gia tăng kể từ đầu tháng 6, sau khi nổ ra nhiều cuộc tấn công thánh chiến của phiến quân vào các vị trí của quân đội Ả Rập Syria tại đồng bằng Al-Ghaab.
Mỹ tiếp tục đẩy căng thẳng lên cao tại Syria
Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi những biện pháp trừng phạt được đánh giá là cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad vừa bị Mỹ áp đặt để siết chặt nguồn tài trợ cho Chính phủ quốc gia Trung Đông này. Qua đó, Washington muốn gia tăng sức ép buộc Syria quay trở lại bàn đàm phán hòa bình.
Các biện pháp trừng phạt dựa theo Đạo luật Bảo vệ công dân Syria - Đạo luật Caesar, được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hồi tháng 12/2019, có hiệu lực từ tháng 6/2020, nhằm vào "giới tinh hoa" gồm Tổng thống Syria và phu nhân cùng 37 cá nhân và thực thể khác có hoạt động kinh doanh với chính quyền nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 17/6 thông báo Tổng thống Assad và Đệ nhất phu nhân Asma al-Assad sẽ chịu lệnh trừng phạt. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa bà Asma al-Assad vào danh sách này.
Ông Maher al-Assad, em trai Tổng thống –chỉ huy Sư đoàn tinh nhuệ số 4 và lực lượng vệ binh Cộng hòa của Syria cùng chị gái ông là Bushra al-Assad hiện đang cư trú ở nước ngoài và các thành viên khác trong gia đình ông cũng nằm trong danh sách trừng phạt.
“Bất cứ ai giao dịch làm ăn với chính quyền ông Assad, bất kể họ ở nơi nào trên thế giới, đều có khả năng bị hạn chế đi lại và trừng phạt về tài chính”, Ngoại trưởng Pompeo nói.
Trước đó, Syria đã hứng chịu nhiều biện pháp gây sức ép của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Song, các lệnh trừng phạt mới đã mở rộng thêm nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng, trong đó nhắm trực tiếp vào những bên có lập trường ủng hộ và hậu thuẫn chính quyền Tổng thống B.Al-Assad.
Ngay khi những biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực, Bộ Ngoại giao Syria đã ra tuyên bố chỉ trích Đạo luật Caesar vi phạm tất cả quy chuẩn và luật lệ quốc tế cũng như quyền con người, đồng thời khẳng định quyết tâm của Chính phủ Tổng thống Assad trong việc kháng cự đến cùng trước sức ép từ Washington.
Những biện pháp mới được áp dụng chỉ là bước khởi đầu trong một chiến dịch gây áp lực kinh tế và chính trị trường kỳ chống lại Tổng thống Assad. Ngoại trưởng M.Pompeo đã nhấn mạnh như vậy, đồng thời để ngỏ khả năng sẽ có các lệnh trừng phạt bổ sung được công bố trong những tuần tới.
Cuộc xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 10 và các bên liên quan vẫn bế tắc trong việc thực hiện một lộ trình hiệu quả để giải quyết những mâu thuẫn đan xen. Một tương lai rõ nét cho người dân ở mảnh đất Trung Đông này hiện vẫn là điều chưa ai có thể đoán định.