Theo Tellerreport, Giáo sư khoa học chính trị của Đức, Thomas Eger, trong một bài viết trên tạp chí Focus Online đã khẳng định rằng việc chuyển những bộ phận đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ là “chiến thắng lớn” với nhà lãnh Nga Putin.
Ông Thomas Eger thừa nhận rằng thương vụ bán S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể “làm xấu” mối quan hệ giữa Ankara và Washington.
Theo ông, Mỹ sẽ buộc phải áp đặt lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua thiết bị quân sự của Nga.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng đồng thời khẳng định rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có thể hoãn trừng phạt nhưng về mặt pháp lý, ông sẽ không thể từ bỏ hoàn toàn việc áp trừng phạt chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyên gia Eger nói thêm rằng nếu "Thổ Nhĩ Kỳ quyết định rời khỏi NATO, đây sẽ là một tổn thất lớn về mặt địa chính trị chiến lược cho liên minh".
Theo ông, phương án này không thể loại trừ, và kết quả của cuộc xung đột này sẽ phụ thuộc vào người mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhìn thấy sự bảo đảm cho tương lai chính trị của ông.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Eger, việc xuất hiện cuộc xung đột giữa Ankara và Washington đã là "một chiến thắng tuyệt vời cho Tổng thống Vladimir Putin". Ông lưu ý rằng thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn ở trong NATO, trong số các thành viên khác của liên minh quân sự này sẽ có sự ngờ vực lẫn nhau.
Ông cũng nhận định, nhờ thương vụ mua S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ, danh tiếng của Nga trên thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh chóng. Đồng thời, nhà phân tích chính trị Đức gọi việc tăng cường mối quan hệ giữa Moscow và Ankara là "tin nóng quốc tế".
Sáng nay, máy bay vận tải Nga đã chở lô linh kiện thứ 5 của hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ không quân Murted.
“Hoạt động chuyển giao các lô linh kiện của tên lửa S-400 vẫn đang diễn ra. Lô linh kiện thứ 5 đã có mặt tại căn cứ không quân Murted. Hoạt động tiếp đón thêm 2 máy bay vận tải Nga chở theo các linh kiện S-400 sẽ diễn ra vào cuối ngày hôm nay”, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Phản ứng ban đầu của Mỹ trước thông tin Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga được cho là khá khác thường. Sau khi Ankara hôm 12/7 tung ra những hình ảnh về S-400 vừa nhận được, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn im lặng kỳ lạ, khác với cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ "phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng" từ một số nghị sĩ Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel và nghị sĩ Đảng Cộng hòa Michael McCaul yêu cầu chính quyền Tổng thống Donald Trump chấm dứt việc Ankara tham gia chương trình chiến đấu cơ tàng hình F-35 và trừng phạt các cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ làm việc với ngành quốc phòng Nga như đòi hỏi của luật pháp (Mỹ). Theo Đạo luật chống các đối thủ Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) được phê chuẩn năm 2017, Washington phải phạt các quốc gia mua hệ thống vũ khí từ Moscow.
Tuy nhiên, lời kêu gọi trên dường như bị Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ bỏ ngoài tai. Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ xác nhận chủ đề S-400 được đề cập trong cuộc điện đàm dài 30 phút giữa quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hôm 12/7 nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Trước khi cuộc điện đàm diễn ra, ông Esper chỉ đưa ra tuyên bố nói rằng Lầu Năm Góc đã nắm thông tin về vụ việc và nhấn mạnh lập trường của họ liên quan đến F-35 vẫn không thay đổi.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cuộc điện đàm tập trung vào việc Ankara mua các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng thủ khu vực và tình hình Syria. Tuyên bố của bộ này cũng nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác trong chương trình phát triển F-35 và Ankara vẫn giữ nguyên đề xuất thành lập một nhóm làm việc chung, trong đó có thể gồm NATO - để đánh giá về khả năng tương tác giữa F-35 và S-400.
Xem thêm >> Nga tuyên bố bất ngờ về việc mở rộng thương vụ S-400 giữa “cơn thịnh nộ” của Mỹ