Trong một chuyến thăm bất ngờ tới căn cứ không quân Khmeimim ở miền tây Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo giành chiến thắng và ra lệnh rút lực lượng quân sự về nước.
Trở thành chỗ dựa vững chắc cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ khi đưa quân đến quốc gia Trung Đông vào tháng 9/2015, những gì mà Tổng thống Putin làm được trong thời gian qua đã trở thành một bệ phóng vững chắc cho ông trong cuộc bầu cử Nga vào năm 2018.
Đối với nhiều người ở Nga, phát biểu tự tin của ông chủ Điện Kremlin là một khởi đầu không gì tốt hơn cho chiến dịch tranh cử sắp tới, đồng thời làm lu mờ mọi ứng viên cạnh tranh trong nước.
Chỉ sáu ngày trước bài phát biểu của Syria, ông Putin chính thức xác nhận ông sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ tổng thống thứ tư trong cuộc bầu cử tháng 3/2018.
"Trước khi chiến dịch tranh cử, việc tuyên bố rút lực lượng Nga trở về nhà là một quyết định đúng đắn", Sergey Markov, một nhà phân tích chính trị ủng hộ điện Kremlin nói với Al Jazeera.
Không có đối thủ
Theo giới quan sát, chiến thắng giành cho ông Putin gần như là một điều chắc chắn.
Đối thủ cạnh tranh truyền thống của Tổng thống Nga từ năm 2000 bao gồm Gennady Zyuganov và chính khách theo chủ nghĩa dân tộc Vladimir Zhirinovsky là không đủ khả năng cản bước ông Putin bắt tay vào một nhiệm kỳ mới.
Họ được coi là phe đối lập hiếm hoi có sự hiện diện khiêm tốn trong Duma Quốc gia, mà hiếm khi đủ sức đứng lên chống lại đảng cầm quyền.
Nhà hoạt động chống tham nhũng Alexei Anatolyevich Navalny - lãnh đạo chủ chốt trong một loạt cuộc biểu tình chống đối chính phủ đang vướng vào những cáo buộc liên quan đến pháp luật.
Trong khi một số cái tên nữ như Kseniya Sobchak - con gái duy nhất của cố Thị trưởng St. Petersburg, Anatoly Sobchak – người từng là cố vấn chính trị đầu tiên của Tổng thống Vladimir Putin cũng không được đánh giá cao khi tham gia vận động tranh cử.
Tuy nhiên, chiến thắng của Moscow ở Syria vẫn là một trong những nền tảng mạnh mẽ nhất để thu hút cử tri trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế sâu sắc do lệnh trừng phạt của phương Tây.
Canh bạc Syria thu lợi tức
Sự tham gia của Nga trong cuộc chiến Syria là một bất ngờ thay đổi cuộc chơi. Nó đã đảo ngược toàn bộ cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông và giúp chính quyền Assad duy trì quyền lực.
Điều này cũng đặt chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama trong một tình huống bối rối khi các mục tiêu chống khủng bố và hậu thuẫn phe đối lập lật đổ Tổng thống Assad giờ đây bị Nga phá bĩnh.
Moscow đã triển khai hàng chục máy bay ném bom và máy bay chiến đấu cùng hàng ngàn quân nhân tới Syria.Trong vòng vài tuần, họ đang tiến hành lên đến 60 phi vụ không kích một ngày, mang đến sự hiệu quả trong các chiến dịch khủng bố mà phương Tây dù có mặt từ lâu nhưng không làm được.
Những thành công liên tiếp đã giúp gia tăng uy tín của Tổng thống Putin trên chính trường nước Nga, trong khi các khảo sát cho thấy 80% công chúng được hỏi hết lòng ủng hộ nhà lãnh đạo 65 tuổi.
Tham chiến ở Syria là chiến dịch quân sự lớn đầu tiên của Nga kể từ sau lần can thiệp của Liên Xô ở Afghanistan.
"Đối với Putin, đây là một cuộc chiến lý tưởng", Alexey Mukhin, Giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị, một cơ quan tư vấn độc lập ở Moscow, nói với Al Jazeera.
"Nó diễn ra đúng như những gì họ mong muốn và kết thúc đúng theo kế hoạch. Tổng thống Putin sẽ có được lợi ích to lớn cho chiến dịch tranh cử của mình", ông nói thêm.
Điện Kremlin cũng có bước đi khéo léo ở Syria để tránh rơi vào bãi lầy tương tự như cuộc chiến Afghanistan, nơi có ít nhất 15.000 binh sĩ Liên Xô thiệt mạng và hàng chục ngàn người bị thương.
"Chiến thắng ở Syria cho thấy Nga đã rút ra được những sai lầm của mình trong cuộc xung đột Afghanistan", Georgi Asatryan, chuyên gia tại trung tâm Trung Đông và Afghanistan, nói với Al Jazeera.
"Nga biết rằng chiến dịch quân sự hiện đại, bao gồm cả chiến dịch chống khủng bố nên được triển khai một cách tối thiểu, nhưng không thể thiếu lực lượng trên mặt đất", ông nói.
Dù các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây thực sự đã khiến nước Nga lao đao, nhưng một số người dân Nga cảm thấy cái giá mà họ phải trả vẫn hợp lý.
"Thành thực mà nói, tôi ủng hộ Putin vì sau tất cả ông duy trì được hòa bình", Viktor Yegorov, một cư dân đã về hưu ở trung tâm thành phố Tver, nói với Al Jazeera. "Chúng tôi có ít tiền hơn nhưng không có chiến tranh xảy ra".