Công ty tên lửa của tỷ phú người Mỹ Jeff Bezos dự kiến thu 200.000-300.000 USD cho một chuyến bay vào vũ trụ, Reuters trích nguồn tin riêng cho hay.
Khách hàng tiềm năng và những nhân vật trong giới công nghiệp vũ trụ đang nóng lòng muốn biết giá vé mà Blue Origin đưa ra và công ty này có kiếm đủ khách để thực hiện chuyến du lịch đặc biệt này mà vẫn có lợi nhuận hay không.
Các nhân viên của Blue Origin, thuộc sở hữu của tỷ phú, nhà sáng lập hãng bán lẻ Amazon Jeff Bezos, nói tại một hội thảo kinh doanh hồi tháng trước, rằng họ đã lên kế hoạch bay thử với hành khách trên tàu New Shepard và sẽ bán vé vào đầu năm tới.
Công ty đã công bố thiết kế tàu vũ trụ New Shepard, bệ phóng và khoang hành khách có thể tách rời tàu mẹ. Tuy nhiên, họ vẫn giấu kín về tiến độ chế tạo và giá vé.
Một nhân viên của Blue Origin nói giá vé dự kiến là 200.000-300.000 USD. Một nhân viên khác thì cho hay giá vé là 200.000 USD. Cả hai đều không tiết lộ danh tính.
Tàu New Shepard được thiết kế để đưa 6 hành khách bay lên 100km vào không gian, đủ độ cao để khách có thể cảm nhận trong vài phút tình trạng không trọng lượng, ngắm nhìn đường cong của Trái đất trước khi con tàu hình nhộng được điều áp trở về Trái đất bằng dù.
Mặc dù là nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, ông chủ Amazon vẫn chỉ là “hậu bối” trong lĩnh vực du lịch vũ trụ. Trước Jeff Bezos, ông chủ hãng ô tô điện số một thế giới Tesla, tỷ phú công nghệ người Mỹ Elon Musk, đã thành lập công ty du hành không gian SpaceX hay Cty Virgin Galactic của tỷ phú người Anh Richard Branson.
Tuy nhiên, cách thức đưa người vào không gian của các công ty cũng khác nhau. Tỷ phú lập dị Richard Branson sử dụng một số máy bay đặc biệt, còn công ty Blue Origin sử dụng một loại tên lửa đẩy dài 18m mang theo tàu “con nhộng” đưa du khách vào quỹ đạo.
Theo SCMP, cả hai công ty Virgin Galactic và Blue Origin đều nói chuyến bay thương mại đầu tiên sẽ diễn ra trong vài tháng tới, mặc dù chưa đưa ra ngày giờ cụ thể.
Virgin Galactic và Blue Origin đang đua nhau kết thúc giai đoạn thử nghiệm, trong khi sử dụng công nghệ khác nhau.
Nhưng mặc dù cũng gọi là bay vào vũ trụ, dịch vụ của các công ty du lịch không gian mới chỉ dừng lại ở việc đưa người lên quỹ đạo của Trái đất, tình trạng không trọng lượng chỉ diễn ra trong vài phút. Nó khác xa một chuyến bay vào vũ trụ thực sự, vượt ra khỏi quỹ đạo của Trái đất: ví dụ, trong những năm đầu của thế kỷ 21, mỗi du khách muốn bay lên thăm Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) phải trả hàng chục triệu USD. Các chuyến bay của Virgin Galactic hay Blue Origin chỉ đạt độ cao 80-100km, trong khi trạm ISS cách Trái đất 400km.
Tuy nhiên, bay lên độ cao 100km, du khách sẽ thấy bầu trời tối đen và khối hình cầu của Trái đất hiện ra rất rõ ràng.
Trong mỗi chuyến bay của Virgin Galactic, hai phi công cùng 6 hành khách sẽ cùng nhau bay lên quỹ đạo Trái đất bằng phi cơ chuyên dụng SpaceShipTwo VSS Unity. Nó được gắn vào một máy bay không gian khác, chiếc WhiteKnightTwo. Khi cả hai đạt độ cao 15.000m, SpaceShipTwo VSS Unity, sẽ khởi động động cơ tên lửa của nó và hướng tới độ cao mong muốn. Khác với tàu con nhộng của Blue Origin, máy bay của Virgin Galactic có thể hạ cánh như máy bay bình thường và điểm đến là một “cảng phi thuyền” trong sa mạc New Mexico, Mỹ.
Toàn bộ chuyến bay chỉ kéo dài 90-120 phút. Trong cuộc thử nghiệm ngày 29/5 tại sa mạc Mojave, bang California, SpaceShipTwo VSS Unity đạt độ cao 34km.
Tháng 10/2014, tàu không gian của Virgin gặp trục trặc do lỗi phi công, một trong hai phi công thiệt mạng. Các cuộc thử nghiệm được nối lại với phi thuyền mới. Công ty cũng đã đạt thỏa thuận đặt một “cảng phi thuyền” tại sân bay Tarente-Grottaglie, phía nam nước Ý.
Theo Tiền Phong