Tháng 12 vừa rồi, nhân dịp kỉ niệm 40 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không, tôi đã có dịp được nghe câu chuyện của một nhân chứng đặc biệt của đêm B.52 Khâm Thiên. Tất cả những đau thương của cả một dân tộc không thể gói gọn trong một bài báo, cũng vậy, những cảm xúc của người phóng viên chiến trường năm nào vượt quá sức diễn đạt trong giới hạn ngôn từ của tôi. Chỉ biết rằng, tôi là người may mắn khi được chính ông, nhà báo Giang Quân kể cho nghe câu chuyện đó, không chỉ một mà đến hai lần.
"Ở chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ"
Trở về Việt Nam lần này (Bruce dùng từ "trở về", không phải "quay lại", và đây là lần trở về thứ 13), ông ấp ủ rất nhiều kế hoạch, một trong số đó là dự án âm nhạc cộng tác với nhạc sĩ đương đại Vũ Nhật Tân, viết về Khâm Thiên. Bruce chia sẻ, ông đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu từ cả hai phía và nhận thấy những con số dữ liệu không trùng khớp. Nhưng với ông, điều đó không quan trọng, điều quan trọng là cảm xúc của người trong cuộc.
Nhà báo Giang Quân niềm nở tiếp khách và bắt đầu kể câu chuyện của mình: "Đó là ngày thứ chín trong 12 ngày đêm, tôi ở trong chính ngôi nhà này (số nhà 207B Khâm Thiên), nhưng hồi đó chưa xây lên như bây giờ. Những đêm trước, cứ vào 8 giờ tối là có báo động nhưng đêm thứ 9 này, đến 10h đêm vẫn im ắng. 10 rưỡi mới bắt đầu có báo động, tôi chui vào chiếc hầm cá nhân ngay cạnh bàn uống nước đây. Ở trong đó khoảng 15 phút tôi nghe thấy tiếng ì ì phía trên đầu và những tiếng nổ kèm theo tiếng mọi thứ đổ vỡ, tro bụi bay xuống lỗ thông hơi của hầm trú ẩn. Trong giây phút đó, tôi nhớ tới một câu thơ của Phạm Tiến Duật".
Bruce liền nói: "Câu thơ nào, thưa ông? Phạm Tiến Duật là một người bạn của tôi". - "Đó là câu: Ở chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ", Giang Quân trả lời. - "Ồ, tôi biết bài thơ đó, ông thấy tiếng bom nhỏ thật sao?" - "Ở xa tiếng bom nghe to, còn ở nơi bom dội xuống, tiếng đổ vỡ nghe to hơn nhiều".
Nói rồi ông kể tiếp: "Nửa giờ sau, máy bay bay đi, còi báo động vang lên, tôi mở nắp hầm trú ẩn chui ra, nhìn xung quanh thấy mọi thứ trở thành một đống hỗn độn. Hiệu sách trước cửa nhà tôi đã bị đổ sập, sách vở tung tóe dưới đất còn cửa bị giật tung ra đường. Dãy nhà đối diện đã không còn, cả con phố bị sụp đổ thành từng đoạn. Tôi thấy mọi người bắt đầu từ hầm chui ra và bắt tay ngay vào việc cứu người. Trong chiến tranh, chúng tôi vẽ sơ đồ hầm trú ẩn nên chúng tôi bắt đầu tìm người dựa vào sơ đồ đó. Ngay bên cạnh nhà tôi, người ta đã tìm thấy xác của 8 thành viên trong cùng một gia đình, khi được đưa ra khỏi hầm, cơ thể họ vẫn còn ấm nhưng tất cả đều đã chết ngạt vì hơi bom. Người con dâu trong gia đình đó lại đang mang thai 6 tháng, tính ra là 9 mạng người".
Món quà bất ngờ nhà báo Giang Quân dành tặng Bruce
"Hồi đó, tôi đang là phóng viên của tờ Tin tức, tờ báo thuộc sở Văn Hóa Thông Tin Hà Nội, vì yêu cầu nghiệp vụ, tôi bắt đầu đi dọc phố để nắm bắt tình hình. Tôi thấy nhà cửa tang hoang, cây cối đổ sạp, phía trên những cành bàng còn dính những đoạn chân hoặc tay của người chết. Chứng kiến khung cảnh tang thương của cả con phố khiến người dân không còn biết sợ. Rất có thể máy bay Mỹ sẽ quay lại và thả tiếp một loạt bom khác nhưng chẳng ai sợ. Mọi người ra đường nhặt những bàn tay, những khúc xương của người thân, của những người trước đây đã từng hàng xóm mà giờ đây đã bị bom xé làm hai, ba mảnh, có những mảnh vắt trên cành cây bàng. Những mảnh xác người vương vãi khắp dọc hàng cây đầu ngõ. Cả khu phố trở thành một nghĩa địa đau thương", người cựu phóng viên chiến trường kể lại.
Ánh mắt, nụ cười và những cái bắt tay
"Chứng kiến cảnh tượng đó, ông thấy thế nào?", Bruce hỏi, "Tôi thấy đó là một tội ác ghê tởm đối với loài người", Giang Quân trả lời, ông nói tiếp: "Cảnh tượng đó khiến con người ta không còn biết sợ, bình thường, ai cũng sợ chết nhưng đứng trước nguy cơ của Tổ Quốc, người ta quên đi nỗi sợ. Có những người trước đó còn sợ cắt tiết một con gà nhưng lúc đó họ vẫn mạnh mẽ. Hoàn cảnh đó đã khiến những con người bình thường nhất trở thành anh hùng". Bruce ghi lại từng lời của Giang Quân một cách cẩn trọng, ghi xong Bruce ngẩng lên hỏi: "Nếu buộc phải chọn một chi tiết để nhớ, ông nhớ điều gì nhất?".
"Khi tôi bắt đầu đi dọc tuyến phố thì thấy mọi người tụ tập trước một ngôi nhà đổ, người ta bảo dưới hầm có người còn sống nhưng cả ngôi nhà đã đè lên nấp hầm. Những thanh xà nhà, chiếc tủ lớn và gạch ngói đổ xuống che kín lối thoát duy nhất. Tôi nghe thấy tiếng gọi thất thanh của một bé gái: "Mẹ ơi! Bế con ra với! Mẹ ơi...". Người mẹ phía trên gào lên kêu gọi mọi người giúp đỡ. Quốc xẻng không có, mọi người dùng tay để đào bới, nhặt từng mẩu gạch ngói vứt ra ngoài đến toác máu. Giọng bé Hà lạc đi vì gọi mẹ khiến những người xung quanh không cầm được nước mắt.
Trước đó, để con được an toàn, chị đã đưa cháu cho bà thím bế để hai người trú trong căn hầm trong nhà, riêng chị trú ở căn hầm phía ngoài gần đường. Nhưng chị không ngờ, bom đã rơi trúng căn nhà khiến nó đổ sập. Người mẹ ở bên ngoài nghe tiếng con mà không thể làm gì được. Hai giờ sau người ta mới giải phóng được nấp hầm. Người dì vẫn gục đầu ôm lấy đứa bé trong tay nhưng cả hai đều đã chết. Tiếng gọi mẹ của đứa trẻ: "Mẹ ơi! Bế con ra với! Mẹ ơi... Bế con ra với!" cứ luẩn quẩn trong đầu óc tôi rất nhiều năm về sau", Giang Quân trả lời.
Bruce dừng ghi chép, đặt thêm một câu hỏi nữa: "Xin lỗi ông, tôi muốn biết làm thế nào ông có thể vượt qua được tình cảm cá nhân để tập trung vào tác nghiệp? Rất nhiều hàng xóm của ông đã chết hoặc đang cần sự cứu giúp?". Nhà báo Giang Quân chậm rãi trả lời: "Ông biết đấy, tôi là một phóng viên và nhiệm vụ của tôi là thu thập thông tin để tố cáo tội ác của địch cho tất cả người dân Việt Nam được biết. Đó là công việc và nghĩa vụ của tôi". Bruce tiếp lời: "Vâng, rất nhiều người cũng buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình, những người lính Mỹ cũng vậy, đó là nhiệm vụ phải làm chứ không phải điều chúng tôi muốn làm". Hai ánh mắt giao nhau, nhà báo Giang Quân gật đầu: "Tôi đồng ý", khuôn mặt của người cựu binh giãn ra thành một nụ cười: "Cảm ơn ông".
Với Giang Quân, Khâm Thiên là một con phố đặc biệt. Vì vậy ông đã dành nhiều năm tháng để viết cuốn sách dành riêng về nó với tựa đề "Khâm Thiên: Gương mặt cuộc đời". Giang Quân bảo Khâm Thiên là một con phố đi lên từ bùn lầy nước đọng, một con phố dưới đáy xã hội. Có những năm Khâm Thiên được mệnh danh là phố cô đầu, cả nửa phố ăn chơi đàn điếm. Đây cũng là nơi một thời có sòng bạc lớn nhất Hà Nội, đầu trâu mặt ngựa, bảo kê nghiện hút tập trung cả. Với Giang Quân, Khâm Thiên là con phố hội đủ cả hỉ, nộ, ai, lạc. Nói rồi ông lấy một cuốn sách mới và đề tặng người bạn mới quen: "Thân tặng ông Bruch Weigl nhân dịp đến thăm phố Khâm Thiên" (Giang Quân viết sai chính tả tên của Bruce).
Bruce đón nhận món quà và cho biết đây là một bất ngờ đặc biệt mà ông nhận được. Ông sẽ nhờ cô con gái nuôi người Việt dịch hộ sang tiếng Anh. Hai con người đặc biệt bắt tay nhau, tặng quà và trao cho nhau những nụ cười. Bruce nói với Giang Quân: "Tôi cũng đã từng trải qua thời chiến, tôi hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh nhưng không ai đánh bom tôi cả, vì thế, tôi xin chia sẻ với ông và tôi rất trân trọng những gì ông đã kể cho tôi". Vẫn nụ cười hiền từ, nhà báo Giang Quân đáp lời: "Tôi cảm ơn ông đã đến đây, cảm ơn ông đã trở thành một cầu nối giữa hai đất nước, tôi hi vọng những gì tôi kể cho ông có thể khiến người Mỹ hiểu hơn về Việt Nam". Bruce mỉm cười hứa: "Không ai có được thông tin như tôi đã có, không ai gặp được những người như tôi đã gặp, tôi nghĩ tôi không thể chỉ dừng ở dự án âm nhạc, có thể tôi sẽ viết một bài luận về sự kiện này. Lúc đó, tôi sẽ gửi tặng ông".
Trước khi chia tay, Bruce quay lại nói với tôi: "Cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội được gặp ông ấy, câu chuyện của ông ấy thật tuyệt vời. Tôi đã thu thập quá đủ, và bạn nữa, bạn cũng có thêm một bài báo nhỉ?", - "Ồ, cảm ơn ông, đó là một gợi ý hay", tôi trả lời.
Thanh Xuân