"Chiết khấu" phụ cấp thai sản: "Đánh" vào hộp sữa của trẻ sơ sinh?

"Chiết khấu" phụ cấp thai sản: "Đánh" vào hộp sữa của trẻ sơ sinh?

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Khoản tiền hưởng chế độ thai sản không được bao nhiêu nhưng các sản phụ đã phải "còng lưng" đóng thuế thu nhập cá nhân

Trong khi tranh cãi về mức khởi điểm đóng thuế thu nhập cá nhân vẫn đang trên "bàn nghị sự" khiến người dân thấp thỏm lo âu thì mới đây, Tổng cục Thuế vừa ban hành văn bản khẳng định khoản tiền lương hưởng chế độ thai sản do bảo hiểm xã hội chi trả thay lương phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Văn bản này không những làm khó các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của phụ nữ. Nhiều chuyên gia cho rằng, bất kỳ một chính sách, quy định nào sát sườn người dân cũng nên nhìn từ nồi cơm của người dân.

Bất động sản - 'Chiết khấu' phụ cấp thai sản: 'Đánh' vào hộp sữa của trẻ sơ sinh?

Phụ nữ khi nghỉ thai sản sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân - Ảnh minh họa

Văn bản trái luật

Thời gian qua, nhiều người lao động ở tỉnh Đồng Nai phản ánh với báo Người đưa tin rằng họ bức xúc vì khi hưởng trợ cấp thai sản, lương nghỉ thai sản phải đóng một khoản thuế thu nhập cá nhân. Khoản tiền này chị em nhận một lần trong thời kỳ nghỉ thai sản nên con số phải đóng thuế thu nhập cá nhân là không nhỏ.

Liên quan đến vấn đề này, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Công, phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai. Ông Công khẳng định, đúng là Cục thuế tỉnh Đồng Nai đã nhận được văn bản của Tổng cục thuế với nội dung khẳng định, khoản tiền lương hưởng chế độ thai sản do bảo hiểm xã hội chi trả thay lương phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, văn bản này của Tổng cục Thuế còn được gửi đến công ty TNHH điện tử Việt Tường (Đồng Nai). Bởi vì đơn vị này có những thắc mắc xung quanh việc nghỉ thu thuế đối với người hưởng lương theo chế độ thai sản. Dù không đồng thuận với văn bản này của cấp trên, nhưng ông Công không bình luận gì thêm.

Được biết, trong văn bản này Tổng cục Thuế đã viện dẫn Thông tư 84/2008/TT - BTC khẳng định, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi do cơ quan bảo hiểm chi trả thì không chịu thuế thu nhập cá nhân. Nhưng nếu tiền lương hưởng chế độ thai sản do bảo hiểm xã hội chi trả thay lương thì phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Ngay sau khi đưa ra, văn bản này đã nhận được nhiều luồng ý kiến của dư luận, đặc biệt phụ nữ. Đa phần trong số đó không chấp nhận văn bản này. Họ coi đó là sự lạm thu phi lý.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thuế, văn bản này của Tổng cục Thuế trái với công văn hướng dẫn trước đó của chính họ mà đã ban hành từ năm 2008. Lúc đó, công văn hướng dẫn đã khẳng định các khoản thu nhập mà cá nhân nhận được từ quỹ bảo hiểm xã hội theo chế độ trợ cấp thai sản bao gồm cả tiền trả thay lương khi nghỉ sinh con theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân. Bốn năm qua, quy định này thực hiện rất trơn tru, được nhiều người dân và doanh nghiệp đồng tình. Nhưng nay không hiểu vì lý do gì mà Tổng cục Thuế lại ban hành một văn bản hướng dẫn đi ngược lại với quy định trước đó.

Trao đổi với chúng tôi, một nguyên cán bộ tại Cục thuế Hà Nội cho rằng, đóng thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân, nhưng không phải vì thế mà lạm thuế. "Bây giờ người dân cũng đang chịu nhiều loại thuế, phí... nếu "chiết khấu" phần trăm số tiền mà thai sản được hưởng là thiếu tình người. Bà mẹ và trẻ em là đối tượng mà xã hội cần quan tâm nhất, làm sao lại có thể đi thu thuế thu nhập cá nhân của họ?", vị này bày tỏ.

Sau khi văn bản này được ban hành, không chỉ nhận được sự chỉ trích từ phía chị em phụ nữ về tính công bằng mà nhiều chuyên gia, luật sư phân tích văn bản từ khía cạnh pháp lý. Nhiều người trong số họ cho rằng, văn bản này có nhiều nội dung sai luật. Sau khi đối chiếu, phân tích Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Lao động và Luật Thu nhập cá nhân, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, trong văn bản này Tổng cục Thuế đã có sự nhầm lẫn về khái niệm "tiền lương". "Đối chiếu theo Luật Lao động thì tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho công cho lao động khi họ làm việc. Do đó, nếu nói khoản tiền mà người nghỉ thai sản nhận được từ bảo hiểm xã hội là tiền lương như văn bản Tổng cục Thuế ban hành là không đúng. Trong thời gian này, người lao động không đi làm nên không thể gọi đó là lương được", luật sư Huy An khẳng định. Luật sư này còn cho biết thêm, từ sự nhầm lẫn về khái niệm cho thấy đây là một văn bản trái luật.

Cũng theo vị luật sư này, đây không chỉ là một văn bản được ban hành sai luật mà nó còn ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của hàng triệu lao động và gia đình họ. Cần có sự xem xét nghiêm túc từ các cơ quan quản lý về văn bản này của Tổng cục Thuế. Luật Lao động đã tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng nhằm tạo điều kiện chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Nay lại "đòi" thu thuế thu nhập cá nhân ở phần hưởng trợ cấp là điều hoàn toàn không nên.

"Chả khác nào ăn chặn tiền của bé"

Đó là nhận xét của nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hoài Thu khi chúng tôi trao đổi với bà về những bức xúc của người dân khi có văn bản đòi "chiết khấu" của Tổng cục Thuế. Theo bà Hoài Thu, người lao động có trách nhiệm đóng các khoản bảo hiểm theo quy định. Do vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi họ được hưởng trợ cấp thai sản. Đó là quyền lợi bất khả xâm phạm của người lao động. "Phụ nữ có bầu được hưởng chế độ thai sản từ bảo hiểm xã hội chi trả là quyền lợi mà bất cứ người nào đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng. Đó là khoản dựa trên số tiền mà họ đã đóng trong suốt thời gian đi làm. Chúng ta phải hiểu được rằng, đây là tiền chế độ thai sản mà người lao động được hưởng trong thời gian nghỉ thai sản chứ không phải là tiền lương để rồi tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân", bà Thu phân tích.

Bà Hoài Thu còn cho rằng, nếu như ngay cả khoản tiền dành cho người được hưởng chế độ thai sản cũng bị "đè" ra tính thuế thu nhập cá nhân thì còn gì là đạo đức? Bởi thực chất, tiền thai sản là dành cho việc chăm sóc những đứa trẻ sơ sinh vừa mới chào đời. Tính thuế thu nhập cá nhân vào khoản tiền này thì người lao động lấy tiền đâu ra để chăm sóc đứa con trong thời gian nghỉ thai sản của họ. Trong bối cảnh giá cả không ngừng tăng cao, đồng tiền ngày một mất giá, khi sinh con người lao động phải tằn tiện lắm mới có tiền mua sữa cho bé. Nếu đánh thuế kiểu này chẳng khác gì "ăn chặn" cả tiền sữa của các cháu bé", bà Nguyễn Thị Hoài Thu không giấu nổi sự bức xúc.

Dù không phải chịu nhiều ảnh hưởng từ chính sách có một không hai này, nhưng ông Nguyễn Minh Tuân, giám đốc công ty Uvipviet (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng không giấu nổi sự bức xúc khi biết thông tin này. "Tôi không hiểu từ đâu lại có văn bản quy định bất thường như thế. Tuy nhiên, ai cũng có thể nhận ra đây là điều khó chấp nhận được. Công ty chúng tôi sử dụng lao động nữ, mỗi khi họ nghỉ thai sản đều cố gắng đảm bảo quyền lợi cao nhất cho họ. Bỗng nhiên, Tổng cục Thuế lại nỡ "đánh vào hộp sữa" của trẻ sơ sinh như vậy", anh Tuân cho biết.

Không thỏa đáng

Trao đổi với PV Người đưa tin, ĐBQH Nguyễn Thị Khá tỏ không đồng tình với việc Tổng cục Thuế tính thuế thu nhập cá nhân đối với tiền trợ cấp thai sản mà bảo hiểm xã hội trả cho người thai sản. Theo bà Khá, việc một người lao động bình thường có trách nhiệm đóng thuế để xây dựng đất nước là điều hiển nhiên. Bản thân những người phụ nữ lúc khỏe mạnh cũng đã thực hiện nhiệm vụ này rồi. Chính vì vậy, không nên bắt họ phải đóng thuế thu nhập cá nhân từ khoản tiền trợ cấp ít ỏi ấy nữa. "Theo tôi, Chính phủ nên tính thuế thu nhập cá nhân vào các khoản thu nhập ngoài lương để họ thực hiện nghĩa vụ với đất nước. Chính những khoản thu nhập ngoài lương thậm chí còn nhiều hơn khoản lương chính rất nhiều lần của một số cá nhân mới cần phải công khai, minh bạch. Còn khoản tiền do bảo hiểm xã hội chi trả cho người được hưởng chế độ thai sản nuôi con có đáng là bao mà còn đánh thuế?", bà Khá kiến nghị.

Hà Khê - Dương Dung


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.