Chiêu bắt tội phạm truy nã độc nhất vô nhị

Thứ 6, 28/12/2012 00:02

Viết thư ngỏ kêu gọi các đối tượng bị truy nã ra đầu thú là biện pháp các cơ quan tư pháp tỉnh Hòa Bình vừa sử dụng trong việc bắt các đối tượng truy nã.

Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng kiên trì, kiên quyết bắt bằng được những tên tội phạm bị truy nã cứng đầu. Điều này đã gây hiệu ứng tâm lý, khiến nhiều tên tội phạm đang bị truy nã ra đầu thú.

Từ bắt nã như phim hành động

Một đối tượng cộm cán nằm trong hồ sơ truy nã là Phạm Văn Long (sinh năm 1985 ở Hào Lý, Đà Bắc (Hòa Bình). Sau hơn 4 năm lẩn trốn và ngụy trang dưới nhiều hình thức, tên Long vẫn thoát ẩn thoát hiện. Thiếu tá Nguyễn Trọng Trí - Đội trưởng Đội Truy nã (Phòng PC52) chia sẻ, tên Phạm Văn Long, một đối tượng truy nã nguy hiểm và có nhiều kinh nghiệm đối phó với cơ quan công an.

Bắt đối tượng phạm tội

Đầu năm 2007, do xích mích nhỏ với một người dân cùng xóm, với bản tính hung hăng, côn đồ, Phạm Văn Long đã sử dụng dao chém người, gây thương tích nặng. Ngay sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đà Bắc đã ra lệnh bắt khẩn cấp tên Long để điều tra, làm rõ. Sau khi được cơ quan điều tra cho phép tại ngoại, chờ ngày xét xử, Phạm Văn Long đã bỏ trốn khỏi địa phương. Viện kiểm sát nhân dân Đà Bắc ra quyết định truy nã số 03 ngày 10/5/2007.

Tên Long có mẹ đẻ là Nguyễn Thị L., làm nghề buôn bán ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, thường xuyên qua lại khu vực biên giới Việt - Trung. Sau khi bỏ trốn, đối tượng đã tìm tới mẹ để ẩn náu. Trong thời gian này, ngoài việc phụ giúp mẹ buôn bán, vận chuyển hàng hóa, đối tượng còn làm nghề xe ôm.

Để đối phó với cơ quan công an, đối tượng thường sử dụng tên, họ giả và cảnh giác cao với bất kỳ người lạ mặt nào. Ngoài ra, đối tượng thường sử dụng nhiều số SIM điện thoại để liên lạc, gây rất nhiều khó khăn trong quá trình xác minh, làm rõ. Ngoài ra, hắn luôn có vũ khí nóng trong người, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện.

Tiếp nhận hồ sơ truy nã tội phạm, Thượng tá Bùi Hải Đường - Trưởng phòng PC52 (Công an Hòa Bình) đã chỉ đạo các tổ công tác kiên trì xác minh, lần theo dấu vết của đối tượng. Tuy nhiên, những thông tin về đối tượng rất ít ỏi, không có bản ảnh nhận dạng.

Trong suốt 4 năm, các trinh sát vẫn miệt mài, theo dõi từng động thái của đối tượng. Hễ có bất kỳ thông tin liên quan tới đối tượng, các trinh sát lại có mặt để xác minh. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của các trinh sát đã thu được kết quả.

Đến ngày 1/8, qua nguồn tin báo của quần chúng, đối tượng đang có mặt tại địa bàn xã Hào Lý, Đà Bắc, đón vợ con sang Trung Quốc sinh sống. Nhận được thông tin, Ban chỉ huy phòng PC52 đã cử 7 trinh sát tinh nhuệ lên đường, phối hợp với Công an Đà Bắc và Công an xã Hào Lý tổ chức vây bắt đối tượng. Khi các tổ công tác có mặt tại địa bàn, đồng hồ đã chỉ 0h.

Vào lúc này, trời mưa tầm tã, đường xá đi lại lầy lội, việc di chuyển rất khó khăn. Để tránh động tĩnh, tổ công tác đã bỏ lại phương tiện đi lại, vượt khoảng 3km đường rừng để tiếp cận nhà của đối tượng. Lúc này, ai nấy đều tỏ ra mệt mỏi, chân tay tê cứng, đau buốt, song các đồng chí đều không nản chí. Ngay sau đó, tổ công tác chia thành nhiều hướng, phục kích bí mật tại các cửa ra vào. Đồng thời kêu gọi đối tượng ra đầu thú. Có tật giật mình, đối tượng lập tức vùng dậy bỏ chạy thì bị các mũi tấn công đã áp sát, khống chế trước sự bất lực của đối tượng.

Đến chiêu bắt nã "êm" như tiểu thuyết tình cảm

Tâm lý chung của tội phạm truy nã là sau khi gây án thường tìm mọi cách lẩn trốn ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, thậm trí trốn sang cả nước ngoài. Trong quá trình lẩn trốn, bọn chúng thường ngụy trang dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, thay đổi đặc điểm nhận dạng nhằm trốn tránh sự truy lùng của cơ quan công an. Do vậy, để truy bắt thành công đối tượng truy nã là vô cùng khó khăn, phức tạp.

Hiểu được vấn đề này, các cơ quan tư pháp ở Hòa Bình đã kết hợp cả biện pháp mạnh lẫn biện pháp mềm. Các cơ quan tư pháp tỉnh đã thống nhất sử dụng hình thức: Thư kêu gọi đầu thú. Khi nhận được Thư kêu gọi đầu thú, không ít những gia đình, người thân và bản thân người phạm tội đã đến cơ quan công an đầu thú.

Lên đường làm nhiệm vụ.

Qua thư kêu gọi đầu thú, chỉ trong một thời gian ngắn, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - Công an Hòa Bình đã vận động nhiều đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú. Trong đó có đối tượng Lê Quang Hải, sinh năm 1975 ở xóm Tân Hương 2, Thanh Hối, Tân Lạc (Hòa Bình) là đối tượng có lệnh truy nã theo quyết định số 03 của Cơ quan CSĐT- Công an huyện Tân Lạc về tội Cố ý gây thương tích.

Trước đó, vào ngày 23/10/2010, Hải có xích mích cá nhân với người dân ở cùng xóm. Với bản tính côn đồ, hung hãn, Hải đã sử dụng gậy tấn công khiến cho người này bị thương nặng, phải đi cấp cứu. Sau khi gây án, Hải vượt hàng ngày km, trốn chạy vào khu vực giáp biên giới Campuchia, thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Trong thời gian này, Hải tạo vỏ bọc cho mình bằng cách xin làm thuê cho nông trường café và luôn thận trọng, cảnh giác cao độ. Cuộc sống chui lủi, tủi nhục đã khiến cho Hải không thể chịu đựng thêm được nữa.

Đầu tháng 7/2011, gia đình Hải gọi điện thông báo, các cơ quan tư pháp tỉnh đã gửi thư kêu gọi đầu thú, yêu cầu Hải ra đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật. Nhận thấy đây là cơ hội để được giảm nhẹ tội và làm lại cuộc đời, Hải đã quyết định ra đầu thú. Ngày 17/7, sau khi vượt hàng ngàn km vào Di Linh (Lâm Đồng), gia đình đã đưa Hải tới Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm để đầu thú. Hiện nay, Hải trở nên thanh thản hơn, không còn lo nghĩ việc đối phó với cơ quan công an nữa. Cơ quan tố tụng cho phép Hải được tại ngoại, chờ ngày xét xử.

Cùng chung cảnh ngộ với Lê Quang Hải, Lê Văn Tú, sinh năm 1991 ở Vĩnh Tiến, Kim Bôi (Hòa Bình) bị truy nã về tội Cố ý gây thương tích. Tháng 12/2010, sau khi gây án, Tú trốn ở Hà Nội và bắt đầu cuộc trốn chạy tủi nhục.

Trong thời gian này, Tú thường lang thang, vật vờ tại khắp các con phố ở Hà Nội. Sau khi nhận được thư kêu gọi đầu thú, gia đình đã thông tin và vận động, thuyết phục con gia đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Ngày 26/7, Tú ra đầu thú tại phòng Cảnh sát truy nã tội phạm với tâm lý nhẹ nhàng, thanh thản.

Thiếu tá Lỗ Văn Tiến - Phó Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an Hòa Bình) cho biết: "Hiện nay, nhiều đối tượng phạm tội do nhận thức pháp luật hạn chế đã cho rằng, thư kêu gọi đầu thú là hành động câu nhử đối tượng ra để bắt chứ không đúng như nội dung lá thư. Do vậy, nhiều gia đình và đối tượng đã lấn cấn, do dự trong việc ra đầu thú. Chúng tôi khẳng định rằng, bức thư hoàn toàn đúng sự thật và được đảm bảo với những đối tượng biết ăn năn, hối cải, ra đầu thú sẽ được hưởng khoan hồng".

Từ ngày ra thư kêu gọi đầu thú đến nay, đã vận động đầu thú thành công hơn chục trường hợp. Qua đó, rút ra được rằng, mọi người đều có khuynh hướng thèm cuộc sống tự do, muốn quay trở về nẻo sáng của cuộc đời, chỉ vì chưa có cơ hội và thiếu hiểu biết về chính sách khoan hồng của pháp luật. Một số khác trốn truy nã chỉ vì sợ khi ở tù, không ai gánh vác cuộc sống cho người thân.

Để phát huy phương pháp truy nã trên, Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Hòa Bình đã thành công khi xây dựng một mô hình thư kêu gọi đầu thú. Theo đó, với những đối tượng truy nã đầu thú và có quá trình cải tạo tốt sẽ được hỗ trợ nhiều mặt để có điều kiện hoàn lương tốt nhất.

Như Hùng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.