Nhiều năm giảng dạy tại Học viện Hành chính Quốc gia, ông Võ Kim Sơn, giảng viên cao cấp khoa Quản lý Nhà nước và Nhân sự tỏ ra ngao ngán khi bàn về chuyện bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình, gây dư luận xấu trong thời gian vừa qua.
Lỗ hổng từ 16 chữ C
Ông Sơn đưa ra quan điểm: “Nếu bổ nhiệm không đúng quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn cần sửa quyết định bổ nhiệm hoặc huỷ quyết định bổ nhiệm đó. Việc bổ nhiệm cán bộ, tất cả phải theo đúng quy trình do pháp luật quy định”.
Bàn về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bổ nhiệm cán bộ sai quy định, ông Sơn cho rằng, có hàng tỷ nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là vì lợi ích cá nhân. Để minh hoạ cho lời mình nói, chuyên gia nhiều năm giảng dạy trong lĩnh vực quản lý Nhà nước và nhân sự lên án vấn nạn bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định bằng một câu gồm 16 chữ C rất hóm hỉnh: “Con cháu các cụ cả, các cô các chú chiếu cố (bổ nhiệm- PV) chút cho cháu cơ cấu”.
Theo ông Võ Kim Sơn, không ai lượng hoá được từ “chút”. “Chút” có thể là con voi (như vụ bổ nhiệm tại bộ Công Thương), hoặc bé tí như con kiến (như bầu trưởng, phó phòng ở tỉnh Hải Dương). “Các cụ cần phải làm gương, đừng bảo ai chiếu cố gì cho con cháu nhà mình. Sai là sai ở chỗ đấy”, ông Võ Kim Sơn nhấn mạnh về vấn đề gia đình trị trong việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay.
Thực tế cho thấy, nhiều con cháu cán bộ được cất nhắc, đưa vào diện cơ cấu, quy hoạch cán bộ từ rất sớm. Trong khi đó, trình độ chuyên môn của nhiều người chưa đạt tới tầm ngồi vào vị trí lãnh đạo đó.
Còn nhớ, cách đây mấy chục năm, cụ Tú Xương đã làm bài thơ: “Năm mới chúc nhau”, nhằm phê phán tệ mua quan, bán chức. Một câu hỏi được nhiều người quan tâm, liệu có còn chuyện “mua quan bán chức không?”. Theo ông Võ Kim Sơn, đây là chuyện tế nhị, khó có thể đoán biết có hay không chuyện mua bán, chạy chọt chức tước bằng tiền. Song, chuyện “chiếu cố” cho “con cháu các cụ” là có và thường không mất gì cả.
Công khai, minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ
Thông thường, việc bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao phải theo đúng quy trình, qua từng bước. Quy định là vậy, nhưng người ta vẫn không làm đúng, mà cứ đi tắt, đón đầu. Theo nhiều chuyên gia về quản lý nhân sự, đây là một dạng vi phạm về bổ nhiệm cán bộ, nhưng ở mức độ thấp hơn.
Ông Phạm Đức Minh - một chuyên gia về quản lý nhân sự phân tích: “Không khó khăn khi phát hiện việc bổ nhiệm cán bộ sai quy định. Vì sợ bị trù dập, người ta không dám đứng lên tố cáo vi phạm. Chỉ đến khi sai phạm bị phát hiện, những người trong cuộc mới đổ trách nhiệm cho nhau”.
Nhìn dưới góc độ nhà quản lý, ông Võ Kim Sơn đưa ý kiến: “Trong nhiều trường hợp, việc bổ nhiệm cán bộ sai xuất phát từ thủ trưởng cơ quan đó có nhận thức hạn chế về việc bổ nhiệm cán bộ. (Ví dụ như ở vụ bổ nhiệm cán bộ 9X “thần tốc” ở Cần Thơ không đúng quy trình. Đáng lẽ người ta phải họp, bổ nhiệm theo quy trình, nhưng lại bỏ qua các bước đó)”.
Ông Sơn cho rằng, để ngăn chặn vấn nạn bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, chúng ta phải quy định tiêu chuẩn cán bộ rõ ràng, cân đong, đo đếm được. Ngoài ra, thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan phải được trang bị kiến thức về quy trình bổ nhiệm cán bộ cấp dưới. Trước khi bổ nhiệm cán bộ phải họp, biết được quy trình bước 1, 2, 3... ý thức, đạo đức của người được bổ nhiệm. Cuối cùng, cần phải công khai, minh bạch việc bổ nhiệm cán bộ. “Người lãnh đạo phải làm gương, đừng bảo ai “chiếu cố” gì cả”, ông Sơn nói.
Thiên Long (t/h)