Chiến đấu trong long địch
Trong chuyến công tác tỉnh Bến Tre, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Mến (sống tại ấp Thành Hóa 1, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, em trai anh hùng đánh giặc bằng ong vò vẽ Nguyễn Văn Tư). Ông Mến đã kể cho chúng tôi tấm gương, sáng tạo trong cách đánh địch, tinh thần dũng cảm, vì nước quên thân của anh hùng Nguyễn Văn Tư.
Anh hùng Nguyễn Văn Tư (quê tại ấp Thành Hóa 1, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) xuất thân từ gia đình nông dân cần cù, yêu nước, bám đất giữ làng trong những năm chiến tranh ác liệt nhất. Tất cả mười một anh chị em ruột của ông đều tham gia cách mạng, 3 người đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Ông Nguyễn Văn Mến trò chuyện với PV.
Tham gia cách mạng từ tháng 1/1960, Nguyễn Văn Tư là người đầu tiên gia nhập du kích ấp Thành Hóa, một bộ phận của du kích xã Tân Thành Bình. Ông được giao nhiệm vụ đặc công, hoạt động trong vùng địch tạm chiếm, xung quanh nhan nhản những đồn bốt địch, lực lượng vũ trang của ta ít, thiếu thốn đủ đường. Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Văn Tư đã dũng cảm, mưu trí, phát huy cách đánh độc lập, nhỏ lẻ. Với vũ khí thô sơ, chủ yếu là chông, mìn, bẫy, lựu đạn... lúc thì bí mật phục bắt, diệt những tên lính, ác ôn đi lẻ, lúc thì bố trí bãi chông mìn chặn địch càn vào xã, nhiều lần ông đã bò vào bốt địch quấy rối, bắn tiêu hao dần lực lượng chúng.
Tháng 8/1962, nhiều toán lính thường rời chỗ đóng quân vào xóm dọa nạt dân nghèo, cướp bóc tài sản. Bí mật theo dõi một thời gian, nắm được quy luật hoạt động của địch, Nguyễn Văn Tư chỉ huy một tổ du kích bí mật vào nằm phục sát đồn địch, đợi lúc lực lượng địch rời khỏi đồn, liền tranh thủ cơ hội thuận tiện xông vào diệt tên đồn trưởng, thu vũ khí rồi trở về an toàn. Tháng 6/1963, lần đầu có lựu đạn, Nguyễn Văn Tư nghĩ ra cách đánh rất sáng tạo và mưu trí, bằng cách gài lựu đạn ở dưới, đặt mìn giả lên trên, rồi làm như sơ ý rải dây chưa cẩn thận để nhử địch. Sáng hôm sau, địch đi tuần tra phát hiện ra dấu vết, liền đào gỡ mìn mang về lĩnh thưởng, nhưng khi kéo quả mìn giả lên, lựu đạn ở dưới nổ tung khiến tên địch chết ngay tại trận và 3 tên khác bị thương nặng.
Ông Mến cho hay: "Là người thông minh nên ông Tư luôn sáng tạo ra cách đánh địch phù hợp, bất ngờ. Ở những con đường giặc hay đi hành quân, những cây cầu khỉ trên đường đi, ông cho cưa gần đứt đoạn ở giữa cầu, địch đi ngang cầu gãy và rớt xuống rạch sâu, do giặc mang giày nên lội vào bờ khá vất vả, làm chậm bước hành quân của địch. Đặc biệt, với sáng kiến nuôi ong vò vẽ đánh địch, ông Tư cùng đội du kích xã Tân Thành Bình đã lập nhiều chiến công, giết giặc, thu gom nhiều vũ khí của địch, chi viện cho bộ đội địa phương huyện Mỏ Cày. Lối đánh giặc rất hiệu quả bằng ong vò vẽ đã nhanh chóng được phổ biến nhân rộng trên khắp chiến trường miền Nam trong khoảng thời gian từ năm 1962".
Người “chỉ huy binh đoàn đặc biệt”
Nhớ lại những ngày sát cánh cùng anh trai trong các trận đánh, ông Mến cho biết: "Để có những tổ ong vò vẽ, ông Tư phải vào trong rừng lùng hàng tuần, chủ yếu ông bắt về những tổ ong còn nhỏ rồi tiến hành xây dựng trận địa. Hằng ngày ông cho ong ăn thịt trâu, thịt bò cho chúng mau lớn. Sau đó, ông chỉ huy binh đoàn đặc biệt này, kết hợp với trận địa chông, mìn đánh địch rất hiệu quả. Ông nối tổ ong với một sợi dây dài, khi địch lọt vào ổ phục kích, từ xa ông giật dây cho ong bay ra rượt bọn địch tới tấp, khiến chúng hoảng loạn đâm đầu chạy mà không biết xung quanh có trận địa chồng mìn đã gài sẵn. Giặc rớt xuống hầm chông, rơi vào chỗ gài lựu đạn khiến chúng chết loạn xạ. Nhiều cuộc đi càn của địch vì thế mà phải dừng lại, tránh cho quân cách mạng và người dân nhiều tổn thất. Tuy nhiên, mỗi cách đánh không thể áp dụng được nhiều lần vì mỗi lần bị đánh bất ngờ, giặc đều rút kinh nghiệm. Do vậy, ông phải sáng tạo ra nhiều cách đánh khác. Cứ thế, ông Tư cùng với đội quân cảm tử này lập rất nhiều chiến công".
Ông Mến kể tiếp: "Để làm cho địch chậm bước hành quân, ông Tư cùng với anh em trong đội du kích ấp Thành Hóa 1 bí mật cho phá đường hay đắp ụ đất cao trên đường đi. Sau đó, bố trí các tổ ong vò vẽ và bãi chông mìn gài xung quanh. Khi địch đến sửa đường tiếp tục hành quân thì giật ổ ong là có thể làm tiêu hao lực lượng địch, làm giảm tính hung hăng của chúng trong những đợt càn quét vào khu dân cư. Những ngày đầu mới dùng ong vò vẽ đánh giặc, sau khi đánh xong thường bị mất luôn tổ ong, vì nếu lại thu ổ ong về sẽ bị chúng xông vào cắn.
Ông Tư lại nghĩ ra một cách có thể đưa những “chú lính” đặc biệt này về để phục vụ những trận đánh khác bằng cách hàng ngày ông treo quần áo của mình gần ổ ong, ong quen mùi nên không đốt ông Tư nữa. Có những lần ông cải trang gánh ong ra chợ đánh Mỹ ngụy giữa ban ngày trong lúc đông người. Kỳ lạ là ong không đốt dân, lý do vì sao thì lúc đó chỉ có ông Tư biết. Sau này, khi cách đánh này hiệu quả, ông Tư mới cho biết là ông thường xuyên đem quần áo đen trắng, khăn rằn, nón lá treo xung quanh các tổ ong nuôi trong vườn, ong tiếp xúc hàng ngày, quen hơi, quen màu sắc nên rất thân thiện Khi đem những quần áo, nón sắt của lính Mỹ, ngụy treo gần các tổ ong thì lập tức chúng bay đến đốt rất ác chiến vì đồ khác màu, khác mùi".
Ong “xung kích” cả những trận đánh lớn
Ong vò vẽ cũng được huấn luyện để tham gia những trận đánh lớn. Có lần địch đưa nhiều quân vào ấp Thạnh Hóa để dồn dân lập ấp, bắt bớ cán bộ cách mạng. Đoán biết kế hoạch của địch, Nguyễn Văn Tư cho cài sẵn ong vò vẽ ở nhiều ngả đường. Địch chủ quan hung hăng bằng nhiều mũi tiến quân. Khi địch lọt vào trận địa có ong vò vẽ phục kích, đàn ong hàng trăm con vù vù xung trận tràn khắp đội hình giặc, chặn đầu, xiên hông, khóa đuôi, đốt tơi bời bọn Mỹ, ngụy.
Trận chiến vô cùng ác liệt không tiếng súng, chỉ nghe tiếng chân chạy loạn xạ, tiếng nhào xuống những con kênh gần đó, tiếng khóc rống, tiếng kêu la thảm thiết của địch. Chỉ trong một thời gian ngắn, ong vò vẽ dưới sự chỉ huy của Nguyễn Văn Tư đã bẻ gãy hàng chục cuộc càn, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch. Không chỉ dùng ong vò vẽ đánh địch trong địa bàn, ông Tư còn hướng dẫn nhiều xã khác cách nuôi và đánh giặc bằng ong nên ông được cấp trên và người dân rất quý mến", ông Mến cho biết thêm.
Chỉ tiếc là người "chỉ huy" đội quân đặc biệt này không thể sống cùng với đội quân của mình đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Ngày 26/10/1964, khi lực lượng địch hành quân về ấp Thành Hóa 1, nơi ông và các đồng đội đang đóng quân. Lực lượng địch đông cùng với vũ khí hiện đại nên ông Tư cho ém quân, chờ thời cơ chứ không tổ chức đánh. Sau đó, địch rút êm và bí mật cài lại bốn tên. Không nắm được hết âm mưu của địch, ông Tư đã bị địch phục kích bắn chết tại chỗ, sau đó chúng nắm hai chân kéo ông bê bết trên lộ đá về đến bốt cầu Chợ Xép và chôn tại đó. Khi chôn xác ông, chúng còn cài hai quả lựu đạn bên cạnh để gia đình không thể đem xác về an táng. Sau ngày đất nước giải phóng, hài cốt ông được cải táng đưa về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Tên ông được ghi đầu tiên trong danh sách các anh hùng, liệt sĩ tại nhà bia liệt sĩ xã Tân Thành Bình.
Tấm gương anh hùng cho con cháu đời sau Anh hùng Nguyễn Văn Tư, bí danh Thành Ngọc (SN 1935, mất năm 1964, quê ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, tham gia du kích từ tháng 1 năm 1960. Khi hy sinh ông là tiểu đội phó du kích của xã, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã tham gia chiến đấu chống càn, bao vây quấy rối đồn bốt địch hơn 200 trận, diệt 46 tên địch, bắn bị thương 113 tên, bắt sống 1 ác ôn, phá 3 xe quân sự, thu và phá hủy nhiều súng, đạn, máy thông tin. Với những thành tích đó, ngày 5/5/1965, ông đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công Giải phóng hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tên ông được đặt tên trường THCS của địa phương là trường THCS Nguyễn Văn Tư, với mong muốn các thế hệ con cháu của địa phương sau này noi gương anh hùng liệt sĩ có nhiều sáng tạo mới đóng góp tài sức mình cho quê hương đất nước. |
Công Thư