'Chiêu độc' rút ruột ngân hàng hơn 20 tỷ đồng của một giám đốc

'Chiêu độc' rút ruột ngân hàng hơn 20 tỷ đồng của một giám đốc

Thứ 7, 06/07/2013 09:32

Với tham vọng làm "đại gia", Ngọc đã đầu tư và lén lút nhập lậu ô tô từ bên kia biên giới về Việt Nam để tiêu thụ.

Chiêu lừa tinh quái

 Chưa đầy 30 tuổi nhưng vì gia đình có điều kiện và được sự hậu thuẫn đắc lực từ bố mẹ và người thân, Nguyễn Chu Ngọc đã nhanh chóng thành lập công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Đại Dương tại Hà Tĩnh. Hoạt động chủ yếu của công ty là kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Là một người có năng lực và phong cách kinh doanh phù hợp với cơ chế thị trường, không mấy chốc, việc kinh doanh làm ăn của Ngọc đã cho thu nhập kếch xù.

 Vào những năm 2006 - 2007, Ngọc được biết đến là một đại gia mới nổi ở tỉnh Hà Tĩnh. Những năm này, Ngọc gây ấn tượng lớn với nghề kinh doanh nhà hàng, khách sạn và công ty Đại Dương của hắn trở thành một thương hiệu lớn. Chỉ một năm sau, Ngọc sang thành phố Vinh thành lập thêm công ty cổ phần Thái Bình Dương, tại đường Hồ Tùng Mậu.

Được biết, từ khi mở công ty và nhà hàng khách sạn, Ngọc trở thành một đại gia có tên tuổi với việc mua biệt thự đắt tiền, đi xế hộp bạc tỷ và "nướng" tiền không thương tiếc cho những cuộc vui. Với vỏ bọc hào nhoáng như vậy, Ngọc nhanh chóng trở thành đối tác quan trọng của Ngân hàng Eximbank - chi nhánh TP.Vinh. 

Với tham vọng làm giàu một cách nhanh nhất, Ngọc đã "ngầm" buôn bán xe ô tô nhập lậu từ nước ngoài về. Tuy nhiên, trong những chuyến hàng đầu tiên, y bị cơ quan chức năng bắt giữ và mất không hàng chục tỷ đồng. Sau phi vụ làm ăn bất thành trên, Ngọc may mắn không bị sa lưới pháp luật, nhưng với việc mất đi số tiền lớn, y phải chịu rất nhiều sức ép.

Để giải quyết những vấn đề trên, Ngọc đã tìm mọi thủ đoạn gian dối để lừa đảo, miễn sao chiếm được nhiều tiền lấp lỗ hổng từ số tiền thất thoát mà Ngọc đã đứng ra vay.

Pháp luật - 'Chiêu độc' rút ruột ngân hàng hơn 20 tỷ đồng của một giám đốc

Đối tượng Nguyễn Chu Ngọc trong vành móng ngựa.

Từ năm 2009 đến 2011, Ngọc đã chỉ đạo cho thuộc cấp của mình ở công ty lập hồ sơ vay ngân hàng Eximbank - Vinh 15,6 tỷ đồng. Theo đó, tài sản thế chấp là 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Hà Tĩnh. Trong số này, Ngọc đã làm giả 2 sổ đỏ để đi vay tiền ngân hàng.

Bất chấp 2 Công ty của mình đang có nguy cơ phá sản, đầu năm 2010, Ngọc quyết định thành lập thêm công ty Hoàng Phú An do Đặng Thị Huyền (vợ Ngọc) làm Giám đốc. Để nuôi sống công ty, Ngọc mượn hàng chục Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hàng chục hộ gia đình làm tài sản thế chấp vay vốn tại Eximbank - Vinh, trong đó có 6 giấy chứng nhận QSDĐ, lừa đảo, vay hàng chục tỷ đồng.

Đến tháng 6/2011, các công ty của Ngọc đứng trước nguy cơ phá sản do làm ăn thua lỗ triền miên. Không có cách nào để trả nợ, Ngọc nghĩ ra thủ đoạn hết sức tinh quái để tiếp tục vay vốn ngân hàng. Là khách hàng "vip", nên Ngọc đã đề nghị Eximbank - Vinh cho rút lại một số giấy chứng nhận QSDĐ đang thế chấp làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại công ty cổ phần Thái Bình Dương sang bổ sung làm tài sản thế chấp cho công ty Hoàng Phú An. Sau khi được Eximbank - Vinh đồng ý, Ngọc đã dùng phôi giấy chứng nhận QSDĐ của bố mẹ mình làm giả thêm một giấy chứng nhận QSDĐ khác.

 Lấy được giấy chứng nhận QSDĐ thật từ ngân hàng "ruột", Ngọc dùng làm tài sản thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bắc Nghệ An, vay 3,5 tỷ đồng. Còn giấy chứng nhận QSDĐ giả, Ngọc đem đến Eximbank - Vinh làm tài sản thế chấp vay hơn 1,8 tỷ đồng và một giấy chứng nhận QSDĐ mang tên Nguyễn Chu Cường, được Ngọc đem vào TP. Hồ Chí Minh làm giả, đổi thành tên Nguyễn Chu Ngọc. Sau khi làm được giấy chứng nhận QSDĐ giả, ngày 20/3/2010, Ngọc tiếp tục đến Eximbank - Vinh làm tài sản thế chấp vay tiếp 2 tỷ đồng. 

"Bịt mắt" cả cán bộ ngân hàng

Ngày 26/9/2011, cơ quan điều tra công an tỉnh Nghệ An quyết định bắt khẩn cấp Nguyễn Chu Ngọc khi y đang ở Hà Nội và có dấu hiệu trốn ra nước ngoài. Theo số liệu điều tra của công an Nghệ An, cho đến ngày bị bắt giữ, Ngọc thừa nhận, công ty cổ phần Hoàng Phú An vẫn còn nợ  Eximbank - Vinh số tiền trên 12 tỷ đồng.

Hiện, công ty Hoàng Phú An còn tài sản thế chấp tại Eximbank - Vinh 10 giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng trong đó có 6 giấy chứng nhận QSDĐ giả (4 giấy chứng nhận QSDĐ mang tên Nguyễn Chu Ngọc).

Tại cơ quan điều tra, Ngọc cũng thừa nhận, đã thuê làm giả con dấu, chữ ký của lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đóng lên 6 phôi giấy chứng nhận QSDĐ giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chính vì tin tưởng khách hàng và sự non yếu về nghiệp vụ của 2 cán bộ tín dụng Nguyễn Văn Hội, Nguyễn Quang Tuân đã tạo cơ hội cho Ngọc.  Bước đầu, cả 2 nhân viên này cũng  thực hiện nghiêm túc các quy định của ngân hàng về tín dụng. Nhưng về sau, do quá tin tưởng nên Hội và Tuân đã bỏ qua các khâu kiểm tra, thẩm định. Và đặc biệt, không thực hiện đúng quy trình tín dụng đối với tài sản thế chấp nên đã để cho Nguyễn Chu Ngọc dùng giấy chứng nhận QSDĐ giả qua mặt lừa đảo, chiếm đoạt hơn chục tỷ đồng.

Vạch trần thủ đoạn

Đặc biệt, khi Tuân nhận bàn giao hồ sơ từ Nguyễn Văn Hội chuyển sang cũng là thời điểm cả 3 công ty của Ngọc đến thời gian trả nợ cho ngân hàng. Vì không có tiền để trả, Nguyễn Chu Ngọc đã dùng thủ đoạn đảo khế các khoản vay nhằm kéo dài thời gian tồn tại, nhưng Tuân lại không phát hiện ra sự gian dối của Ngọc, dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa lượng tiền đã giải ngân cho Ngọc với tài sản thế chấp của các công ty của Ngọc.

Sau một thời gian củng cố hồ sơ, mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa xét xử Nguyễn Chu Ngọc về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau một ngày xét xử, nhận thấy hành vi của Ngọc tinh vi, phạm tội có ý đồ, gây tiền lệ xấu nên sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chu Ngọc (SN 1977) trú tại phường Hà Huy Tập, TP. Vinh (Nghệ An) 16 năm tù về tội danh trên. Bản án nghiêm khắc này nhận được sự đồng tình cao trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó đã bất chấp tất cả các thủ đoạn để "rút ruột" ngân hàng.

Hai bị cáo nguyên là cán bộ tín dụng Eximbank - Vinh lần lượt lĩnh 18 tháng và 36 tháng tù cho hưởng án treo. Đây cũng thực sự là bài học đắt giá cho những cán bộ ngân hàng vì quá tin vào những đối tác ruột nên đã bỏ qua những quy trình cần thiết gây hậu quả nghiêm trọng.                              

Hà Hằng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.