Những năm gần đây, truyền hình Việt phát triển mạnh mẽ với sự bùng nổ của gameshow lẫn chương trình thực tế. Trong "vòng xoáy" cạnh tranh khốc liệt, các nhà sản xuất phải tìm cách thay đổi nội dung để níu chân khán giả. Một trong những cách 'làm mới' là thử thách lòng dũng cảm, gan dạ, thậm chí bắt người chơi đấu tranh để sinh tồn.
Những thử thách vận động, trò chơi mạo hiểm bước đầu đem lại một luồng gió mới cho khán giả. Mở phát súng đầu tiên cho thể loại này là Chinh phục đỉnh Everest. Chương trình được thực hiện nhằm tìm kiếm những người Việt Nam đầu tiên thực hiện hành trình chinh phục "nóc nhà thế giới". Tiếp nối theo đó, Cuộc đua kỳ thú, Tôi là người dẫn đầu ra đời, dần tạo được những điểm nhấn ấn tượng.
Theo dõi Cuộc đua kỳ thú, khán giả thấu hiểu sự vất vả của người chơi nhờ những cách khai thác hậu trường chặt chẽ. Những thử thách băng rừng, lội suối... đòi hỏi người chơi phải có thể lực rất khỏe và chịu lăn xả để hoàn thành nhiệm vụ. Họ phải vượt qua nỗi sợ hãi, hy sinh ngoại hình xinh đẹp để lăn lộn trong bùn đất hay ăn cá sống. Tôi là người dẫn đầu lại đưa thí sinh đến một hoang đảo thiếu thốn các điều kiện vật chất tối thiểu, buộc họ phải trở thành những “Robinson Việt Nam” và loại trừ nhau để ở lại.
Bên cạnh đó, cũng có những chương trình mang tính giải trí sử dụng yếu tố mạo hiểm như một “chiêu trò”. Tuân theo phiên bản gốc, VietNam’s Next Top Model là cuộc thi đào tạo người mẫu nhưng lại thu hút với hàng loạt thử thách khắc nghiệt. Mùa nào, các thí sinh cũng “dở khóc dở cười” khi phải chụp ảnh với nhiều loài động vật đáng sợ như trăn, nhện, chuột… Họ còn được đưa vào nhà băng lúc nửa đêm hay bay lộn trên không...
Gameshow Tôi dám hát cũng sử dụng những “đạo cụ” như rắn, ếch, gián, chuột… nhưng có tính chất nhẹ nhàng hơn để đánh vào tâm lý sợ hãi của người chơi. Từ đó, nhà sản xuất nhắn gửi thông điệp đơn giản: thử một lần sống chung với nỗi sợ hãi để biết giới hạn bản thân mình đến đâu.
Tuy nhiên, nhiều thử thách gây không ít khó khăn, thậm chí ảnh hưởng tính mạng của người chơi.Trong chuyến thám hiểm đỉnh Everest, các thành viên Việt Nam đã thực hiện cuộc trường chinh dài 60 ngày, đối mặt với khí hậu cực kỳ loãng, nhiệt độ thấp tới mức - 40 độ C cùng gió, mưa, bão tuyết và địa hình hiểm trở, có thể bỏ mạng tại đây bất cứ lúc nào.
Các thử thách của Cuộc đua kỳ thú cũng được đánh giá ở mức “báo động” về tính an toàn. Ở mùa đầu, các đội chơi từng phải di chuyển trên một thanh sắt nhỏ bắc ngang giữa hai chồng container cao chót vót trong thời tiết gió thổi mạnh. Bước sang mùa thứ hai, chương trình yêu cầu thí sinh phải vượt qua một thác nước hùng vĩ với chiều rộng 250m và độ cao tương đương một tòa nhà 10 tầng. Hay mới đây, các đội đua đóng vai ‘nhà thám hiểm’ chinh phục hang Sơn Đoòng với độ sâu hơn 70m để tìm mật thư. Đây là hang động mới được khám phá, cực kỳ hiểm trở và chưa mở cửa cho khách du lịch cũng như dân địa phương.
Trong khi đó, mức độ mạo hiểm của nhiều cuộc chơi lại bị đánh giá là “làm quá” và không cần thiết. Hoàng Thùy đã ngất xỉu khi bị treo mình trên một chiếc cần cẩu cao chới với trong mùa Next Top thứ 2 để có những bước ảnh đẹp phục vụ cho chương trình. Càng về sau, chương trình Tôi dám hát bị đánh giá là đang đi vào lối mòn với các thử thách lặp đi lặp lại trong lúc hát: rắn quấn quanh cổ và tay; bơm bong bong đến khi nổ, đứng trong một chiếc tủ đầy nước đá… khiến kịch tính có phần giảm đi.
Tính an toàn là điều người chơi quan tâm nhất, trong khi đó, tâm lý khán giả lại thích những yếu tố mới lạ, hấp dẫn. Vì vậy, các nhà sản xuất phải hài hòa các yếu tố này. Tôi dám hát không đặt ra những mục tiêu quá lớn lao nên thí sinh cũng chỉ bị trầy trụa do té ngã, khóc thét vì sợ chuột, rắn hay sặc bột mì… Đại diện nhà sản xuất chia sẻ: “Tất cả những gì có vẻ nguy hiểm như rắn, chuột, bột mì… thực ra rất an toàn, vì chúng tôi đã kiểm nghiệm kỹ và đảm bảo chúng không gây dị ứng da, hút sạch chất độc”.
Chia sẻ về tính an toàn trong các thử thách, một đại diện Vietnam ‘s Next Top cho biết, trước khi đưa ra một thử thách, họ đã tính toán yếu tố phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa và thể lực của thí sinh chứ không chỉ "bưng bê" y nguyên phiên bản gốc. Bản thân mỗi thí sinh đều được kiểm tra sức khỏe và có bài tập riêng để tăng cường thể lực. Nhà sản xuất cũng đảm bảo sự an toàn và có kế hoạch ứng biến cần thiết cho tình huống xấu. Theo đó, mục đích của những thử thách này không phải để “câu khách” mà là để thí sinh bộc lộ năng khiếu, trí thông minh cũng như lòng yêu nghề và khả năng xử lý tình huống.
Thực tế, nhiều chương trình chỉ duy trì được một mùa vì thử thách quá khó và không hợp với tâm lý thích giải trí của khán giả. Một thành viên Chinh phục đỉnh Everest xin rút lui vào phút cuối vì quá ám ảnh cảnh xác người nằm lại trên đường lên núi. Tôi là người dẫn đầu cũng chỉ phát sóng được một năm vì nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố format khô khan, hiếm "trai xinh gái đẹp"...
Hài hòa giữa tính mạo hiểm (của thử thách) và tính giải trí (xuất phát từ cá tính người chơi), Cuộc đua kỳ thú khá thành công sau 2 năm ra mắt. Rút kinh nghiệm từ mùa thứ nhất, ban tổ chức đã mời những người nổi tiếng tham gia và tạo ra sức hút từ họ, như đôi tình nhân Tiến Đạt và Hari. Tôi dám hát tuy nói là cuộc chơi cho khán giả trẻ nhưng đối tượng được quan tâm hơn cả vẫn là các sao teen như Ngô Kiến Huy - Khổng Tú Quỳnh, Đông Nhi - Ông Cao Thắng, Vân Trang...
Trang Phương (Ngôi sao)