Những “siêu xe” bị vô thừa nhận
Từ đầu năm tới nay, hàng chục xe ô tô sang không có chủ nhận đang nằm tại cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT - xã Tân Phước, huyện Tân Thành, Bà Rịa -Vũng Tàu). Trong đó có 20 ô tô và 5 mô tô nhập khẩu theo đường "Việt kiều hồi hương". Trong số đó có những xe đắt tiền như Toyota Sienna LE (màu vàng), Lexus 2013 LX 570, Range Rover Evoque 2013, Acura MDX 2013, Jaguar XJL 2013 (automobile), Lexus 2013 RA 350...
Nhiều người đặt ra câu hỏi, vì sao những chiếc xe tiền tỷ này lại bị chủ nhân "hờ hững", khiến cơ quan chức năng tốn hàng trăm triệu để quản lý chờ ngày chủ nhân tới nhận. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép đã gửi công văn đến các phương tiện thông tin đại chúng đăng thông báo yêu cầu chủ xe đến nhận hàng.
Đi sâu vào tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi phát hiện có nhiều điểm bất thường. Theo hồ sơ của chi cục Hải quan Bà Rịa -Vũng Tàu, chiếc ô tô Toyota Sienna LE (màu vàng) là của Việt kiều Mỹ tên là Lương Văn Thanh, đăng ký thường trú tại đường Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM. Ông này nhập xe về theo diện tài sản của Việt kiều hồi hương. Cơ quan hải quan đã nhiều lần liên lạc với chủ nhân nhưng không có hồi âm. Hiện, chiếc xe này vẫn đang nằm trong container.
Nằm cùng cảng với chiếc Sienna LE (màu vàng) còn có chiếc xe Lexus 2013 LX 570 do ông Huynh Minh Tinh (Việt kiều Mỹ, trú tại Thống Nhất, Dao Long, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) nhập về. Cả hai chiếc xe này đều gửi cho đơn vị nhận hàng là Công ty TNHH Giao nhận Phương Nam (địa chỉ 159/49/11 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM). Ngoài ra, đơn vị này còn nhận đứng tên nhập nhiều ô tô và mô tô của các Việt kiều các tỉnh, thành khác.
Một “ siêu xe” bị "bỏ quên" tại cảng.
Tình trạng xe ô tô tiền tỷ bị "bỏ quên" ở càng biển còn diễn ra ở nhiều nơi và đang có xu hướng tăng lên trong năm nay. Tại cảng biển Tiên Sa của Đà Nẵng cũng có hàng chục chiếc xe ô tô hạng sang và siêu sang vô chủ. Theo chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng, từ tháng 1 đến nay, đơn vị đã "tuýt còi" hơn 20 chiếc xe ô tô nhập khẩu theo diện xe nhập khẩu của Việt kiều hồi hương để điều tra làm rõ các giấy tờ liên quan.
Trong đó vào tháng 6, cũng chính công ty Phương Nam là đơn vị nhận lô hàng gồm nhiều siêu xe nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương. Tuy nhiên, quá 30 ngày kể từ ngày hàng về cảng, công ty này vẫn không đến làm thủ tục thông quan. Điều bất ngờ là, cơ quan này từ chối nhận lô hàng với lý do gửi nhầm.
Nhiều uẩn khúc phía sau
Trước những bất thường kể trên, đại diện Đội kiểm soát hải quan (cục Hải quan Đà Nẵng) cho biết, sẽ tiến hành điều tra về nguồn gốc của số xe nhập khẩu nói trên và yêu cầu công ty Phương Nam phải cung cấp tên sở hữu thật của chủ xe để xác minh xem họ có phải là Việt kiều hồi hương hay không.
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, hiện nay, Chính phủ ta đang có chính sách khuyến khích, ưu đãi cho những Việt kiều về nước.
Ông Phong khẳng định, những xe ô tô tiền tỷ đang vô thừa nhận ở các cảng biển đều thuộc diện xe Việt kiều hồi hương. "Tôi đã từng tìm hiểu và được biết rằng, nhiều người muốn trốn thuế nên mua suất Việt kiều ấy với giá vài chục nghìn đô. Họ trả với số tiền cao như vậy nhưng tính ra vẫn được lãi lớn. Ví như một chiếc xe nhập về Việt Nam có mức tiền là 200.000 USD nhưng nhập theo diện Việt kiều hồi hương chỉ khoảng mất khoảng 160.000 USD. Có lẽ, khi cơ quan chức năng phát hiện ra sự việc gian dối thì họ đành bỏ của chạy lấy người", chuyên gia chia sẻ.
Ông cũng cho biết đây là việc làm lách kẽ hở thuế. Họ dùng cách này để giảm tiền thuế. Một chuyên gia thuế xin được giấu tên cho hay, theo quy định hiện hành, ô tô nhập khẩu của Việt kiều hồi hương sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và chỉ phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Ngoài ra, giá tính thuế theo trị giá ban đầu của xe chưa có thuế nhập khẩu. Vị chuyên gia này lấy ví dụ, một chiếc xe ở Mỹ đã qua sử dụng chỉ có giá khoảng tầm 1,8 tỷ đồng. Chiếc xe này nhập theo dạng bình thường về Việt Nam sẽ có giá gần 5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu nhập khẩu theo diện Việt kiều hồi hương sẽ chỉ đóng 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, cộng với tiền mua suất Việt kiều thì nó chỉ có giá là hơn 3,5 tỷ đồng. Chỉ tính sơ qua, mỗi chiếc xe nhập theo diện Việt kiều hồi hương đã làm cho chủ hàng bỏ túi tiền tỷ. Và, xe càng sang thì lãi càng lớn. Chính việc lãi lớn đến vậy nên số lượng xe ô tô được nhập dưới dạng di chuyển của Việt kiều hồi hương thời gian qua gia tăng đột biến. Cụ thể, năm 2011 là 164 xe ô tô, năm 2012 là 1142 xe ô tô. Trong đó có nhiều loại xe có năm sản xuất mới (năm 2011, 2012), giá trị cao như các loại xe Porsche, Bentley, BMW... nhiều lên.
“Bắt bài” chiêu lách luật
Để giải quyết tình trạng này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, chúng ta cần siết chặt chính sách thuế đối với diện xe nhập khẩu hồi hương. Ông cho hay: "Nếu chúng ta co lại sự chênh lệch về thuế giữa hai loại xe thì sẽ giảm bớt được động lực để các "con buôn" tìm cách "lách". Thứ hai, cần tăng khai báo thông tin về Việt kiều. Ví dụ như, trong hồ sơ phải nói rõ Việt kiều đó ở đâu, có cư trú tại Việt Nam hay không, về hẳn nước hay chỉ về một tháng.
Nếu trong thời gian xe về mà Việt kiều vẫn ở nước ngoài thì chứng tỏ là đang có tình trạng mua suất Việt kiều. Nếu không phải xe thuộc diện Việt kiều hồi hương thật thì có thể phải chịu mức thuế gấp đôi hoặc tịch thu xe". Đặc biệt, vị chuyên gia này nhấn mạnh, bên cạnh mức thuế điều chỉnh theo hướng giảm chênh lệch giữa hai loại xe thì cần có chế tài bổ sung cho hành vi lạm dụng và gian dối.
Theo quy định, nếu những xe này để một thời gian không có người đến nhận sẽ lưu kho và thời gian sau sẽ thanh lý. Tuy nhiên ông Phong lo ngại, có thể đặt ra nghi vấn là chủ xe móc ngoặc với cán bộ hải quan để mua lại xe. Vì thế, ông cho rằng với những xe nhập theo diện Việt kiều hồi hương cần phải kiểm soát chặt và "mạnh tay" xử lý những người cố tình lách luật.
Thành Huế