Trong 6 giờ vừa qua, bão số 9 có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam, ở huyện đảo Phú Quý đã có gió giật mạnh cấp 7.
Thông tin từ trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 4h ngày 24/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 110km, cách Phan Thiết khoảng 210km, cách Vũng Tàu khoảng 300km, cách Ba Tri 340km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 16h ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên đất liền ven biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km tính từ tâm bão.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
TP.HCM dự kiến di dời, sơ tán nhiều hộ dân
Trong chiều và đêm nay, TP.HCM có mưa rất to (phổ biến 200-250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7. Trước diễn biến bão số 9, ban Chỉ huy PCTT - TKCN TP.HCM có công điện khẩn triển khai các biện pháp ứng phó.
Báo Thanh Niên đưa tin, bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM cùng sở GTVT, Cảng vụ Hàng hải, UBND H.Cần Giờ, Chi cục Thủy sản... bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đang hoạt động trên biển, ven biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn; chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu, thuyền xuất bến hoạt động trên biển, ven biển trước diễn biến của bão số 9. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 13h ngày 23/11 cho đến khi có lệnh mới.
Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ, cho biết huyện đã có phương án cụ thể sơ tán khoảng hơn 4.000 người dân ở vùng thấp trũng, nguy cơ sạt lở cao đến nơi trú ẩn an toàn. Riêng xã đảo Thạnh An có hơn 500 người thuộc diện sơ tán tại chỗ vào các công trình an toàn để tránh trú khi có bão ập đến.
Theo Văn phòng UBND TP.HCM, TP. đã có phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh - rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào TP. Trong trường hợp bão số 9 đổ bộ trực tiếp vào địa bàn TP. với sức gió giật từ cấp 8 - 9 trở lên, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và cơ quan chức năng sẵn sàng tổ chức di dời dân trong các nhà ở không kiên cố, có nguy cơ đổ sập và những khu vực xung yếu. Dự kiến di dời, sơ tán khoảng hơn 100.000 hộ với khoảng hơn 500.000 người.
Trong tình huống phát lệnh sơ tán, thời gian thực hiện hoàn thành trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão sẽ đổ bộ trực tiếp. Lực lượng dự kiến huy động từ các sở ngành, đơn vị cấp TP. đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn tham gia công tác phòng, tránh, ứng phó đảm bảo khoảng 29.000 - 30.000 người.
Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đã yêu cầu trong trường hợp thời tiết diễn biến phức tạp, đề nghị UBND các quận, huyện trao đổi với sở để có thông báo cho học sinh nghỉ học.
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ trưa và chiều nay (24/11), trên đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7 và nguy cơ dông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ trong chiều nay (24/11).
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ nay đến 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).
Cảnh báo lũ: Từ ngày 24-27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
Phong Linh (tổng hợp)