Chiều nay (3/2), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh sẽ cùng chủ trì họp với các bộ, ngành, 6 tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, các hiệp hội, ngành hàng doanh nghiệp để bàn các giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản Việt - Trung ứng phó với dịch virus corona, theo báo Tuổi trẻ.
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nhằm thắt chặt việc phòng chống dịch virus corona, từ ngày 27/1, Trung Quốc đã quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết đến hết ngày 2/2 (mùng 9 tháng giêng). Nhưng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, các trung tâm giao dịch nông sản Giang Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) lại nghỉ hoạt động, giao dịch đến hết 8/2 (rằm tháng giêng).
Bên cạnh đó, tác động của dịch virus corona cũng như các biện pháp ngăn chặn dịch đã khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hoạt động thương mại nông sản tại Trung Quốc bị đình trệ và tụt giảm nghiêm trọng thời gian qua. Dẫn tới giao thương hai nước Việt Nam và Trung Quốc bị ảnh hưởng, trong đó có mặt hàng nông sản.
Trước đó, chiều 31/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ban hành chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh.
Chỉ thị nhấn mạnh, hiện nay dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV diễn biến rất phức tạp tại Trung Quốc và trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới WHO đã tuyên bố dịch bệnh do virus Corona lây lan từ Trung Quốc là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, trong bối cảnh số người lây nhiễm tăng mạnh.
Để chủ động tăng cường các biện pháp ứng phó và hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị gồm: Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ: Thị trường châu Á-châu Phi, Thị trường Âu Mỹ, Đa biên, Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ: Thị trường Châu Á-Châu Phi, Thị trường Âu Mỹ, Đa biên đánh giá chính xác và toàn diện về tác động của bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra đối với quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc từ đó có biện pháp hiệu quả nhằm giảm tối đa thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng giải pháp nhằm tìm kiếm thị trường thay thế cho các sản phẩm xuất nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm ổn định thị trường trong nước; đánh giá tác động tổng quan chung của dịch bệnh đối với hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam với các nước trên thế giới.
Phối hợp với ngành y tế tìm kiếm các nguồn nguyên liệu từ các thị trường nước ngoài để phục vụ sản xuất các sản phẩm phòng chống dịch.
Theo báo Lao động, kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán tại Trung Quốc được Chính phủ Trung Quốc cho phép kéo dài đến hết ngày hôm nay (2/2/2020, tức mùng 9 Tết).
Bên cạnh đó, nhiều trung tâm giao dịch, chợ đầu mối phân phối nông sản tại Quảng Tây nghỉ giao dịch đến hết ngày 8/2/2020 và quay trở lại giao dịch từ 9/22020; việc xuất khẩu một số sản phẩm nông sản qua hình thức giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn Quảng Tây, Vân Nam sẽ hạn chế giao dịch đến hết 8/2/2020 (trừ cửa khẩu Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa làm việc bình thường từ 3/2/2020) với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch nCoV.
Trong khi đó, tính đến chiều 2/2, tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh có 160 container thanh long nằm chờ xuất khẩu.
Trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Lê Văn Chất - Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong 2 ngày mùng 1-2/2, mỗi ngày có thêm khoảng 20 container nông sản nằm chờ tại bãi xe cửa khẩu, hầu hết các xe này di chuyển từ miền Nam ra cửa khẩu từ trước thời điểm đóng biên nên buộc phải nằm chờ.
Tương tự, tại cửa khẩu Cốc Nam, ông Vũ Đức Trung, Trạm trưởng Trạm biên phòng Cốc Nam, cho hay hiện có khoảng 15 container nông sản nằm chờ tại bãi xe cửa khẩu từ trước tết. Những ngày qua không có thêm chủ xe nào đưa hàng ra cửa khẩu.
Lực lượng biên phòng cửa khẩu đã chủ động thông báo cho các chủ xe, tiểu thương về tình trạng ngừng giao thương hàng hóa giữa hai nước để hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.
Lê Lan (Tổng hợp)