Sau nhiều ngày nghị án, ngày 3/7, TAND tỉnh Nghệ An đã ra mức án dành cho Tạ Thị Vân (SN 1962), trú tại phường Hưng Bình, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An; Hồ Thanh Tùng (SN 1958), trú tại xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ Anvà Nguyễn Phúc Hồng (SN 1954), trú tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An về tội Lừa đảo chiếm đoạn tài sản.
Theo cáo trạng, Tạ Thị Vân có chồng công tác tại Ban chỉ huy quân sự 1 huyện thuộc tỉnh Nghệ An. Sau đó, ông này được chuyển đến công tác tại Tỉnh đội Nghệ An. Tạ Thị Vân “nổ” mình quen biết nhiều người làm chế độ chính sách từ Trung ương đến địa phương, có thể “chạy” nâng hạng thương binh, chế độ thương binh, chất độc da cam… nhưng thực chất chỉ là khám bình thường. Trong đường dây này, Hồ Thanh Tùng, Nguyễn Phúc Hồng được xác định là hai cánh tay đắc lực cho Tạ Thị Vân. Ngoài việc đứng ra thu nhận hồ sơ, giấy tờ của các cựu chiến binh đưa cho Vân, Tùng và Hồng còn nâng giá để hưởng chênh lệch.
Để các cựu chiến binh tin tưởng, Vân và Tùng hẹn họ đến bệnh viện Quân khu 4 khám thực thể để làm chế độ thương binh, qua bệnh viện Ba Lan khám để làm chế độ chất độc màu da cam.
Với thủ đoạn này, từ năm 2012-2014, Tạ Thị Vân và Hồ Thanh Tùng, Nguyễn Phúc Hồng đã câu kết với nhau để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cựu chiến binh.
Vì tin tưởng Vân có chồng công tác trong quân đội, nhiều cựu chiến binh đã đưa tiền cho Vân.
Trong đó có 5 cá nhân đứng ra gom hồ sơ, tiền của những người có nhu cầu nộp lại cho Tạ Thị Vân, Hồ Thanh Tùng hoặc Nguyễn Phúc Hồng. Mỗi trường hợp các đối tượng này thu từ 12 - 30 triệu đồng.
Có 321 cựu chiến binh làm đơn tố cáo hành vi của nhóm đối tượng này ra cơ quan cảnh sát điều tra. Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2012 - 2014, nhóm bị cáo này đã lừa đảo chiếm đoạt gần 13 tỷ đồng của các cựu chiến binh, cựu TNXP.
Trong đó, Tạ Thị Vân phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền chiếm đoạt gần 10,5 tỷ đồng; Hồ Thanh Tùng phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền gần 13 tỷ đồng; Nguyễn Phúc Hồng phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng.
Sau khi nhận tiền, hồ sơ của các cựu chiến binh, các bị cáo trên đều không thực hiện được như cam kết. Biết không thể thoát tội, Vân, Hồng và Tùng nhanh chân bỏ trốn.
Đến ngày 20/10/2016, Tạ Thị Vân bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội. Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã tách hành vi của Tạ Thị Vân thành một vụ án và đưa ra xét xử vào ngày 5/2/2018. Với tội lừa đảo, chiếm đoạt của 95 nạn nhân với số tiền 3,7 tỷ đồng, Vân bị tuyên phạt 14 năm tù.
Sau đó, Hồ Thanh Tùng đã bị bắt giữ theo lệnh truy nã. Tháng 10/2018, Nguyễn Phúc Hồng bị bắt. Từ lời khai của Tùng và Hồng cũng như các chứng cứ thu thập được, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục khởi tố Tạ Thị Vân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại phiên tòa, các bị cáo cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Tùng và Phúc cho rằng, vì tin tưởng Vân nên đã thu nhận hồ sơ để hưởng tiền chênh lệch.
Được biết, sau khi Tùng bị bắt, con gái của bị cáo đã bỏ số tiền 50 triệu đồng để đề bù cho 5 bị hại. Hầu hết các bị hại trong vụ án này đều yêu cầu các bị cáo trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt và yêu cầu HĐXX xét xử nghiêm minh các bị cáo đúng người, đúng tội đúng pháp luật.
Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Tạ Thị Vân 13 năm tù giam, cộng với bản án trước 14 năm tù, tổng mức hình phạt 27 năm; Hồ Thanh Tùng 19 năm tù, Nguyễn Phúc Hồng 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về phần dân sự buộc các bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho các bị hại.
Minh Tâm