Chiêu trò 'độc' thời trai trẻ của Lâm 'chín ngón'(2)

Chiêu trò 'độc' thời trai trẻ của Lâm 'chín ngón'(2)

Thứ 5, 11/07/2013 15:46

Theo nhận định của giới "săn đầu" tội phạm thì, ở thời điểm đó, Lâm "chín ngón" là tên giang hồ "có chữ" nhất.

>>Đường đời gấp khúc của Lâm 'chín ngón' (1)

Lâm được học chữ trong cô nhi viện, cũng đã từng đi thi tú tài nhưng bị trượt. Tiếng là "có duyên" với Đại Cathay nhưng Lâm cũng là đệ tử bị đại ca "bỏ rơi" nhiều nhất. Nó có một sự trùng hợp ngẫu nhiên trong 2 chữ "bỏ rơi" ấy. Đó là bị gia đình bỏ rơi; bị xã hội xếp ở bên lề; bị người cưu mang - tức đại ca  "bỏ rơi" trong trốn lao tù. Song, vì là giang hồ "có chữ" nên Lâm đều tìm được lý do giải thích cho những lần bị "bỏ rơi" đó để sau đó là hưởng thụ, sống gấp với... thuốc phiện.

“Có chữ” nên... nhiều chiêu trò “độc”

Đại Cathay "khoái" Lâm "chín ngón" ở chỗ, sau mỗi lần bị "lộ tẩy" chuyện gì đó, Lâm đều nghĩ ra chiêu kiếm tiền mới, "độc" hơn trước. Những chiêu trò kiếm tiền mới của Lâm đều "độc nhất, vô nhị" vào thời điểm đó. Lâm không cướp và cưỡng đoạt tài sản của người lao động bình thường, người quét rác, công nhân - nghèo đến cùng cực của xã hội, như đám giang hồ du thủ, du thực khác. Lâm lên danh sách, kế hoạch cướp của những nhà giàu tại gia. "Chiến lợi phẩm" thu được là một món tiền khá, đủ cho anh em trong băng nhóm tiêu xài cả tháng. Với chiêu này, trong giới giang hồ, Lâm được mệnh danh là "anh hùng, lấy của nhà giàu phân phát cho người nghèo". Song, thực chất người nghèo không được hưởng như nghĩa đen của từ này, mà dân giang hồ tự ví họ là những người nghèo.

Pháp luật - Chiêu trò 'độc' thời trai trẻ của Lâm 'chín ngón'(2)

Khám Chí Hoà là nơi Lâm "chín ngón" từng giết người và bị bỏ rơi.

Chán tổ chức đi cướp tại gia, Lâm "chín ngón" quay sang đi "ăn bay" - tức cướp giật trên đường phố bằng xe máy. Trò này, thời điểm đó là "độc nhất vô nhị", ở Sài thành chưa giang hồ nào nghĩ ra để thực hiện, nếu là sáng kiến khoa học, chắc chắn sẽ được cấp bản quyền mà "chủ sở hữu" là Lâm. Lâm chuyển sang tổ chức "ăn bay" là có nguyên do. Băng của Lâm ngày ấy có số lượng xe máy nhiều nhất Sài thành mà toàn những xe máy "xịn". Honda 67 là dòng xe máy đầu bảng thời đó, đàn em của Đại Cathay đã sở hữu đến cả chục chiếc.

Theo tài liệu, Lâm không "ăn bay" vớ vẩn, không  giật túi xách, túi đồ của phụ nữ, dân thường mà theo dõi những kẻ lắm tiền, nhiều của vào ngân hàng rút tiền, vào tiệm vàng mua - bán ra thì tổ chức cướp. Vì theo Lâm và đồng bọn, có tiền gửi ngân hàng, đi mua vàng là người giàu. Có lần, Lâm tổ chức cho đàn em cướp tiền của một tổ chức lớn, nắm giữ tài chính của chính quyền Sài Gòn (cũ). Lâm cùng đàn em thu được "chiến lợi phẩm" lớn, đủ để cả nhóm tiêu xài trong vài tháng nhưng một đàn em đã thiệt mạng. Chính vì những vụ "ăn bay" liều lĩnh, táo tợn giữa ban ngày và có lần "ăn bay" ngay trước mặt cảnh sát nên Lâm và Đại Cathay đã bị cảnh sát nguỵ săn đuổi, truy lùng ráo riết.

Trong quá trình phân phối thuốc phiện đen, Lâm cũng thể hiện quái chiêu hơn rất nhiều băng nhóm khác. Để lấy lòng và nhằm "moi" được nhiều tiền của những quý ông, quý bà giàu có; từ cậu ấm, cô chiêu mới lớn, Lâm sẵn sàng cho đệ tử giao "hàng đen" tận nhà. Ngoài ra, với khách ruột giàu có, Lâm đều hướng dẫn miễn phí cách sử dụng "hàng đen" nhanh "phê", "phê" lâu.

Chiêu này được các quý ông, quý bà, cậu ấm, cô chiêu truyền tai nhau, có thời gian, Lâm làm "thống soái" phân phối thuốc phiện tại nhiều khu vực rộng lớn, lấn sang địa bàn của nhóm khác. Biết Đại Cathay "chống lưng" nên các nhóm khác, dù hậm hực với Lâm cũng phải chấp nhận, nếu gây hấn thì cái chết cầm chắc trong tay.

Theo kể lại và theo sự phân tích của những người am hiểu về thuốc phiện đen thì Lâm "chín ngón" rất cáo già trong "trò chơi" này. Bởi, nếu là thuốc phiện đen nguyên chất thì người sử dụng cần rất nhiều thời gian mới "phê" được, khi đã "phê" rồi thì thời gian "phê" rất lâu. Nó "phê" âm ỉ chứ không sốc. Nếu "phê" nhanh, đích thị là thuốc phiện pha với tạp chất khác. Chỉ với "kỹ nghệ" này, Lâm kiếm bộn tiền từ việc pha thuốc phiện nguyên chất với tạp chất là thuốc ngủ, thuốc cảm cúm. 

Pháp luật - Chiêu trò 'độc' thời trai trẻ của Lâm 'chín ngón'(2) (Hình 2).

Hình ảnh Lâm “chín ngón” khi đã qua thời trai trẻ bụi bặm.

Hai lần bị Đại Cathay "bỏ rơi" trong tù

Ông Huỳnh Trung Khánh, người biết và chuyên sưu tầm những chuyện về du đãng trước năm 1975 cho biết: "Cuối năm 1965, đầu năm 1966 (của thế kỷ trước), đám du đãng như Đại Cathay, Lâm "chín ngón" mặc quần áo rằn ri, hoặc mặc áo chim cò, quần uống tuýp đi xe máy Gobel đánh võng khắp phố, phường Sài thành, bị chính quyền thời ấy, ví như là "đội quân xâm lăng".

Rồi những cuộc thanh trừng nhau đẫm máu, những cuộc "ăn bay" giữa phố làm mất trật tự an ninh, những lần đột nhập vào nhà tướng, tá Mỹ - Nguỵ trộm tài sản tiêu xài, những cuộc tranh giành gái đẹp ở quán bar, vũ trường với tướng Nguỵ... đã làm chính quyền Nguỵ không thể bỏ qua. Năm 1966, Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn đã lên kế hoạch, thực hiện cuộc truy quét toàn diện đám du đãng, anh chị đường phố. Đại Cathay, Lâm "chín ngón" đều bị đày ở đảo Phú Quốc. Khi mới bị đày ra đảo, Đại Cathay đã tìm mọi cách để trong ngoài kết hợp, nhằm trốn khỏi đảo càng nhanh càng tốt.

Chuyện Đại Cathay vượt ngục, mất tích khỏi đảo Phú Quốc, Lâm được biết khi cuộc vượt ngục của đại ca đã thành công. Lâm từng tâm sự chuyện bị "bỏ rơi" ở đảo Phú Quốc với Đại tá H.N, rằng: "Biết ý định của Đại Cathy là thế nhưng Lâm không xin... Vì xin cũng không được, một khi đại ca đã quyết định ra đi trong im lặng.

Hơn nữa, chắc chắn đại ca có những tính toán riêng nên mới không để Lâm tham gia. Đại Cathay vượt ngục và mất tích được 8 tháng thì Lâm cũng được thả tự do về đất liền. Và, mọi việc với Đại Cathay lại bắt đầu từ "hàng đen". Bởi "hàng đen" là thứ mà tướng tá, quan chức Nguỵ quyền và nhà giàu thời đó rất ưa chuộng trong cuộc sống thường ngày. Lâm còn kể một chi tiết rất đáng lưu tâm rằng, nhà hàng nổi tiếng, được nhiều tướng tá Nguỵ đến ăn uống, chơi bời, các món ăn đều được đầu bếp cho thuốc phiện vào trong quá trình chế biến. Đó là chiêu hút khách tự nhiên mà đơn giản nhất".

Lần thứ hai, Lâm bị Đại Cathay "bỏ rơi" là ở khám Chí Hoà, năm 1970. Đại Cathay đã chỉ đạo đàn em đem vài chục cây vàng vào mua chuộc cai ngục. Trước khi mua chuộc cai ngục, Đại Cathay làm đảo lộn cả khu vực dành cho tội phạm hình sự bằng việc lộng hành, bán thuốc phiện. Theo tính toán, một ngày bán "hàng đen", băng của Đại Cathay có thể thu lời từ 20 đến 30 cây vàng. Vì thế, chuyện tranh giành bên trong và bên ngoài nhà tù khốc liệt như nhau, không có gì là lạ.

Hai tay sử dụng thạo 3 dao

Ngoài biệt danh "chín ngón" thì Lâm còn được giới giang hồ mệnh danh là "2 tay 3 dao". Chiêu "găm" dao này của Lâm "chín ngón", nhiều đối thủ không biết. Vì thế, Lâm đã từng đâm trầy mặt và hạ bệ "tướng cướp cô đơn" Điền Khắc Kim để giành địa vị "ông trùm", một cao thủ độc quyền bán thuốc phiện cho bọn nhà giàu. Ngoài Điền Khắc Kim thì Chương "khùng", Cương "võ sỹ"... cũng đã từng bị đâm bằng dao dự phòng của Lâm. Bởi đám anh chị này cho rằng, đánh úp thì Lâm "tay không" không chống cự được với những đòn hiểm.

Thực chất, Lâm di chuyển rất nhanh nhẹn và luôn thủ thế, vì biết rằng xung quanh mình có nhiều kẻ thù. Chiêu "2 tay 3 dao" chỉ có Lâm là rõ, đám đệ tử cũng chỉ biết sơ sơ nhưng không hiểu tường tận cái "kỹ thuật găm" dao và mục đích là gì. Nhiều đối thủ bị "ăn dao" nhưng không hiểu Lâm kiếm dao ở đâu mà nhanh và dao lại sắc thế. Chúng hỏi nhau, rồi đồn đại rằng, Lâm thoát chết nhờ may mắn... Tóm lại, xung quanh những ngày giang hồ thời Sài Gòn chưa giải phóng, có rất nhiều chuyện không rõ ràng, nhiều giai thoại về Lâm.     

Ngón nghề bí mật

Ông Nguyễn Chí Thiện, người cùng với ông Khánh, thích sưu tầm về du đãng trước năm 1975, cho biết: "Theo tư liệu còn lưu lại thì những cuộc hỗn chiến của đám giang hồ Sài thành thời điểm đó, hung khí chủ yếu là dao, kiếm, lê. Súng thì chỉ những đại ca mới có. Để tự bảo vệ mình, trong người Lâm lúc nào cũng "găm" ít nhất 2 con dao. Đó là con dao lưỡi mỏng, sắc, sáng, bằng inox. Lưỡi dao này nằm gọn trong chuôi dao bằng kim loại. Bình thường, nó là đồ chơi nhưng khi cần, nó là hung khí nguy hiểm, chỉ cần ấn nhẹ vào chuôi là lưỡi dao dài ra, gây sát thương lớn cho đối thủ. Nó được chủ nhân "găm" ở những chỗ thuận tiện cho việc "tác chiến" hoặc bất ngờ khi bị đối thủ ra tay trước. Con dao thứ 3, thường được Lâm giắt ngang bụng, phòng khi dao trên tay bị rơi hoặc bị đối phương tước. Lâm sẽ có "hàng dự phòng" để "tự vệ và chiến đấu" theo đúng bản năng sinh tồn".

Đi tù nhưng Đại Cathay và Lâm vẫn kiếm bộn tiền từ việc phân phối "hàng đen" cho tù nhân trong trại. Có thể, vì Lâm ở lại, vẫn kiếm tiền cho cả nhóm, vẫn ung dung là "đại bàng" nên trong kế hoạch trốn khỏi nhà tù của Đại Cathay  không có Lâm? Dù ở tù nhưng Lâm đã được đại ca tạo điều kiện như ông trùm, thậm chí hơn cả một số trùm khác ở ngoài. Có nhiều lý do để giải thích nhưng lần bị "bỏ rơi" này, Lâm ăn quả đắng. Bởi, vì là đàn em của đại ca nên bị kẻ khác lập mưu soái ngôi khi đại ca đã thoát ra ngoài. Lâm phải thanh toán chúng trước để tránh hậu hoạ. Lâm đã giết đối thủ để tránh bị "xử lý" trước, thế nên "đường về" thật sự là "xa vạn dặm".  

Nhóm phóng viên

Kỳ 3: Cuộc "thư hùng" bất tận của những biệt danh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.