"Lên thần" từ đội ngũ chân rết "cò mồi"
Theo người dân xã An Bình, những ngày đầu về lại quê hương "lập nghiệp", Nguyễn Thành Bút cũng khốn khó, tay trắng, trắng tay như bất cứ ai. Ngày ấy, khi ông ta mới bắt đầu manh nha nghề "mua thần, bán thánh", người dân nơi đây đều cảm thấy rất ngạc nhiên.
Nhiều người còn cho rằng, Nguyễn Thành Bút bị "ma nhập" nên làm cái việc mà ông ta tưởng tượng ra. Lúc đó, người đến cúng bái, theo chân “thầy” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, các đệ tử theo chân "thánh" Bút thời điểm đó cũng thuộc dạng "nghèo rách mồng tơi".
Những luống rau tiền triệu của nhà "thánh" Bút.
Hai năm sau, bỗng nhiên tên tuổi của "thánh" Bút nổi như... cồn. Đi đâu cũng có người tán dương, khen ngợi "thầy" nhiều "phép thuật". Hàng trăm câu chuyện kỳ bí, huyễn hoặc được kể về mức độ "siêu phàm" của "thánh" Bút.
Thậm chí, có những con người ngồi trên xe ô tô đắt tiền, ăn mặc sang trọng, trên người treo lủng lẳng cả mớ "xích" to bằng vàng cũng kể về Nguyễn Thành Bút như một thầy phù thủy. Họ tự nhận mình là nhân chứng sống được thầy sai "lính khố xanh khố đỏ" đi tiếp sức trong việc làm ăn nên bây giờ mới thành đạt đến vậy.
Thậm chí, những người này còn tình nguyện chở bất cứ ai đến nhà "thánh" mà không lấy tiền. Sau này, người dân mới biết đó chính là đám "cò mồi" đi theo "thánh" Bút để bán nước bọt kiếm sống.
Hôm chúng tôi ở thị trấn Hồ, hỏi về nhà "thánh" Bút, một người đàn ông từ trong quán nước chạy ra tự giới thiệu tên Tuấn, làm quen bắt chuyện. Có lẽ, đối với bất cứ ai, đứng trước người đàn ông này cũng đều bị "hút" bởi sợi dây chuyền to như "xích" đeo trên cổ. Những chiếc nhẫn, đồng hồ vàng đeo hai bên tay của anh ta phản chiếu trong ánh nắng mặt trời giữa trưa khiến tôi lóa mắt. Gã cầm tay tôi kéo vào quán cà phê tâm sự.
Sau vài ba câu hỏi xã giao, cuối cùng người này cũng hiện rõ "nguyên hình". "Em tìm nhà "thầy" Bút à. Đến đây cầu lộc là "chuẩn" nhất rồi đấy. Bây giờ "thầy" xem tướng, cúng bái ở đâu mà chẳng có. Tuy nhiên, họ toàn là dân lừa đảo, chuyên đi vòi vĩnh tiền. Còn "thánh" Bút thì khác. "Thầy" có thiên lương nên người dân nơi đây rất quý mến. Chưa bao giờ, "thánh" bắt ép người ta phải cúng tiền hay bất cứ thứ gì. Ai thành tâm, ai có lòng hảo tâm thì "thầy" nhận coi như "cầm giúp" thánh thần", người này giới thiệu.
Khi tôi hỏi quan hệ của anh ta với "thánh" Bút thì Tuấn nói nhỏ: "Anh cũng là một người được "ăn ké" lộc "thầy". Ngày trước, anh ham mê cờ bạc, đỏ đen lắm. Trong một lần "chiến đấu" ở Từ Sơn (Bắc Ninh), vì vay nặng lãi quá nhiều, bị dân "xã hội" dọa giết, anh phải bán nhà đi để trả nợ.
Để có tiền mưu sinh, anh phải đi làm thuê ở một xưởng sắt trên thành phố. Sau này thấy nhiều người phát tài nhờ theo chân "thầy" nên anh cũng đến cầu cúng xem sao. Rồi sau một tuần, bỗng nhiên ông chủ nơi anh làm thuê, giao toàn bộ xưởng hàn xì cho mình cai quản để đi sang nước ngoài làm ăn. Ở nhà, anh vơ vét 4 tháng được gần 150 triệu đồng rồi bỏ xưởng này đi lập công ty của riêng mình.
Giờ đây, trong nhà anh chẳng thiếu thứ gì. Anh đi chơi cả ngày nhưng mỗi tháng vẫn đút túi mấy trăm triệu". Chưa để tôi nói bất cứ câu nào, Tuấn tiếp lời: "Sau khi thưa với "thầy" Bút về việc ông chủ xưởng hàn xì tự nhiên giao quyền cho mình, "thánh" cười lớn và bảo rằng đã biết chuyện đó từ lâu. Thì ra, biết tôi gặp khó khăn, "thầy" đã sai "lính khố xanh" đi theo "đệ tử" để phò hộ. Sau này, những bản hợp đồng làm ăn mà anh có được cũng là do "âm binh" của "sư phụ" mang về".
Thấy PV vẫn chưa tin, Tuấn chỉ tôi ra gặp một người đàn bà đang buôn chuyện ở quán cà phê đối diện. Nhìn Tuấn chỉ về hướng mình, người đàn bà kia hăm hở chạy sang. Vừa đến nơi, bà ta lôi trong túi ra cả xấp tiền đô la, vàng trang sức vàng chóe rồi chỉ tay về phía chiếc xe ô tô đắt tiền và bảo: "Tất cả những thứ này chị có được là do "thánh" Bút giúp đấy. Em đến đây thành tâm rồi sẽ được "thầy" cho hưởng vinh hoa phú quý".
Hai người này đề nghị đưa tôi đến nhà "người Trời" nhưng tôi giả vờ không đồng ý vì muốn tạt vào nhà người bà con chơi rồi mới đến cúng "thầy". Khi tôi vừa bước ra từ quán cà phê, mấy ông xe ôm gần đó cười mỉa mai: "Mày đừng có nghe lời hai đứa đó, toàn "cò" cả đấy. Công việc của chúng nó ở đây chỉ là "buôn" nước bọt với khách từ xa đến rồi cuối tháng nhận "lương". Người địa phương đã "đọc vị" chúng từ lâu rồi".
Người đàn bà này đang bán "rau lộc" cho những người đến cầu cúng.
Dịch vụ kinh doanh hoàn hảo
Tôi còn nhớ, trước khi cho khách diện kiến "thánh" Bút, ông Bình, trợ lý của "người trời" có nói rằng, khi đốt tờ lệnh trời ai cũng phải tuân theo một quy tắc. Khi "thánh" cho "lệnh", mọi người phải nắm được địa điểm đốt và giờ đốt.
Điều đầu tiên mọi người phải lưu ý, chỗ đốt phải lộ thiên và phải tiếp mặt đất. Làm như thế để Trời và Đất cùng chứng giám hành động của mình. Như vậy thì, "lệnh Trời" mới có tác dụng. Nhà ai ở chung cư thì nên xuống sân tầng trệt đốt, tuyệt đối không được đứng trên sân thượng. Bên cạnh đó, giờ đốt phải chuẩn từng ly từng tí. Nghĩa là, chúng ta phải đốt theo đúng giờ quốc gia (lấy theo giờ trên chương trình Thời sự)å.
Đến giờ "thánh" Bút đã dặn, người có "lệnh" phải đốt trong vòng một phút. Nếu không đốt được đúng như thế thì còn hai ngày tiếp theo để đốt. Hai ngày đó vẫn không thực hiện được phải đến đây xin tờ "lệnh" khác. Bởi, càng để lâu thì "lệnh" càng mất thiêng. Khi ông Bình nói đến đây, mọi người đều cảm thấy hết sức lo lắng. Tôi nghĩ thầm, khi đưa ra "luật" này, không ít người sẽ phải quay về biệt phủ xin lại "lệnh". Và, đến đây, họ tiếp tục thực hiện các công đoạn đặt lễ rồi mới được cho lại "lệnh trời".
Khi mọi người đang xếp hàng xin "lệnh trời" thì phía ngoài cổng, một người phụ nữ giúp việc trong nhà "thánh" Bút bày đống hoa quả, rau cỏ ra ngồi bán. Bên cạnh đó là một rổ hoa quả được gói thành từng phần mà ông Bình gọi là "lộc thánh". Bất cứ ai đi qua đây cũng nhận được một phần lộc ấy mang về.
Lúc tôi cầm tờ "lệnh" ra đến nơi đã thấy mấy người phụ nữ đang cầm trên tay "lộc thánh" ăn nhồm nhoàm. Họ bảo rằng, đã là "lộc" thì phải "thụ" ngay tại trận. Bởi vì để càng lâu, "lộc" sẽ "bốc hơi". Bên cạnh, mấy người phụ nữ thành thị, xúng xính váy áo đang đùn đẩy nhau để mua những bó rau, gói muối được bày bán sẵn.
Thấy tôi bất ngờ, một người đàn bà đang kẹp chiếc ví da ở nách trên tay cầm hai bó rau muống ghé tai thì thầm: "Đây là rau được trồng trên đất "thánh". Hàng ngày được chính tay "thánh" Bút tưới tắm, vun trồng. Chính vì thế, công dụng của nó như "thần dược" vậy. Người ta bảo ăn vào người không những bệnh tật tiêu tan mà lộc lá sẽ kéo đến ùn ùn. Bao nhiêu lần đến đây lễ tôi đều mua cả yến rau về dùng dần".
Bán rau cũng thu hàng chục triệu đồng mỗi ngày Tôi hỏi người này số tiền phải bỏ ra để có được số rau ấy, bà ta nói rằng, "thánh" không quy định giá, tất cả đều do lòng thành tâm của mỗi người. Tuy nhiên, khách đến đây tự đặt cái "giá khởi điểm" cho mình. Một bó rau không bao giờ có giá dưới 50 ngàn đồng. Được biết, hai năm trước, khi còn đông khách, lối ra cổng nhà "thánh" Bút phải đến cả chục người bày bán những mặt hàng này. Hàng tấn rau quả được chở đến chỉ bán hết veo trong một buổi chiều. Căn cứ theo đó, tôi nhẩm tính, mỗi ngày ngoài tiền đặt lễ, "thánh" Bút kiếm cả chục triệu tiền bán rau trồng trên "đất thánh". Đến lúc này, tôi bị "sốc" bởi cách kiếm tiền "vô tiền khoáng hậu" của "thánh" Bút. Điều này giải thích vì sao ông ta dám đổ cả trăm tỷ bạc ra để xây "siêu biệt phủ" cho riêng mình. Ra về, nhìn vào những luống rau muống trên "đất thánh", tôi trộm nghĩ, đây không phải những ruộng rau bình thường mà là những luống tiền của siêu “người Trời". |
Văn Chương