Thời gian gần đây, có vẻ như giám khảo trong các chương trình gameshow luôn là chủ đề bàn tán của khán giả truyền hình. Bên cạnh việc, bật kênh nào cũng chỉ thấy toàn những gương mặt quen thuộc khiến khán giả chán thì việc giám khảo đóng vai trò giống "cần câu" hơn làm công tác chuyên môn cũng khiến nhiều người ngán ngẩm.
Có đến hơn 90% các chương trình gameshow, truyền hình thực tế của Việt Nam hiện nay sử dụng những giám khảo là gương mặt tuổi nổi tiếng trong showbiz để thu hút sự chú ý của truyền thông và công chúng.
Vài năm gần đây, các gameshow trên truyền hình liên tục xuất hiện, tính cạnh tranh của các chương trình ngày càng cao. Từ đó, khán giả còn thấy sự xuất hiện của các chiêu trò trong gameshow, có những chiêu trò mang lại hiệu ứng tích cực nhưng cũng không ít chiêu trò làm khán giả thất vọng. Những chiêu trò kiểu lùm xùm tình ái, nói xấu nhau, cãi nhau ngay trên truyền hình, tát vào mặt thí sinh đã tạo sóng dư luận. Những chiêu trò này đã khiến khán giả chán ngán vì cách hành xử thiếu văn minh của các vị giám khảo.
Cùng với đó, công chúng dễ dàng nhận ra một thực tế, giám khảo càng đắt show thì càng nhiều tai tiếng.
Chiêu trò sẽ tạo ra những hiệu ứng nhất định, nhưng cái khán giả cần vẫn là những điều thực tế. Khán giả muốn những người cầm cân nảy mực phải thật sự công tâm, có chuyên môn, cố vấn phải đúng, trúng với những ưu nhược điểm của thí sinh. Nếu khán giả phải chứng kiến kiểu giám khảo “chém gió” thiếu cơ sở, gây cười nhí nhố cho xong thì có lẽ chẳng bao lâu họ sẽ quay mặt. Khán giả ngày càng yêu cầu cao hơn ở những gameshow, tiếng cười của họ cũng chẳng dễ dãi như xưa nữa.
Với thời điểm truyền hình thực tế bùng nổ như hiện nay, thì các game show muốn đi đường dài cũng cần một “chiến lược dài hơi” trong khâu chọn những gương mặt biết cầm cân nảy mực.
Xem thêm: >>> Gameshow thực tế: Hết 'phiêu lưu tình ái' đến 'chửi'… giám khảo
Trần Phương
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả