Chim trời "kêu cứu” giữa đồng bằng

Chim trời "kêu cứu” giữa đồng bằng

Thứ 6, 17/01/2025 10:34

Tình trạng buôn bán động vật hoang dã và chim trời ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở mức báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

"Chợ đen" ẩn mình

ĐBSCL với hệ sinh thái đa dạng và phong phú, từng là thiên đường của nhiều loài động vật hoang dã và chim trời. Tuy nhiên, bức tranh tươi đẹp ấy đang dần bị huỷ hoại bởi nạn săn bắt và buôn bán trái phép, đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của khu vực.

Chim trời

Cảnh bán động vật hoang dã tại “chợ chim” ở Thạnh Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh: Song Ngọc).

Không khó để tìm thấy những dấu hiệu của hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở ĐBSCL. Từ các khu chợ vùng biên giới đến những quán ăn đặc sản núp bóng, thậm chí trên mạng xã hội, các giao dịch ngầm vẫn diễn ra. Rùa, rắn, chim trời, kỳ đà, tắc kè… trở thành món hàng bị trao đổi, mua bán một cách công khai hoặc lén lút.

Theo khảo sát của phóng viên Người Đưa Tin, nhiều khu chợ ở ĐBSCL vẫn tấp nập cảnh buôn bán các loài rùa, chim trời và các động vật hoang dã khác, bao gồm cả những loài quý hiếm. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở các khu chợ lớn mà còn lan rộng ra các khu chợ nhỏ, lẻ ở vùng nông thôn.

Tại chợ nông sản Thạnh Hóa (nằm cạnh tuyến Quốc lộ 62, thuộc huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) - khu vực được biết đến chuyên bày bán động vật hoang dã, chim trời. "Chợ chim" nằm không xa khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (tỉnh Long An) và vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) - nơi có nhiều loài động vật hoang dã, nhiều cá thể quý hiếm có trong Sách đỏ.

Chỉ trong buổi sáng, "chợ chim" này đã tiếp đón hàng chục "thượng đế" đến mua. Hàng chục ki ốt bày nằm san sát nhau, bày bán đa dạng các loại chim trời, từ các loài đặc sản đến chim phóng sinh, chim cảnh và các loại rắn, rùa…

Chim trời

Các loại rắn cũng được bày bán tại “chợ chim” ở Thạnh Hóa. (Ảnh: Song Ngọc).

Trong vai một chủ quán nhậu đến "chợ chim" tìm nguồn hàng động vật hoang dã, chúng tôi được những tiểu thương nơi đây săn đón, giới thiệu mời chào với giá cạnh tranh.

Sau vài phút trò chuyện, bà H. (một tiểu thương tại chợ) dường như không còn cảnh giác, vui vẻ giới thiệu chim trĩ giá bán 300.000 đồng/con có trọng lượng dưới 1kg, tùy thời điểm, giá bán có thể cao hơn. Còn cúm núm giá bán mỗi ký lên đến 400.000-500.000 đồng do mùa này hút hàng.

Chim trời

Cúm núm, cò được bày bán tại “chợ chim” ở Thạnh Hóa. (Ảnh: Song Ngọc).

Ngoài "chợ chim" ở Thạnh Hóa, dọc theo Quốc lộ 1 (đoạn qua địa phận huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), vùng Đồng Tháp Mười (địa phận tiếp giáp các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang)… hoạt động buôn bán động vật hoạng dã cũng diễn ra công khai mà không ai kiểm tra, xử lý.

Những "tấm lưới tử thần"

Chim trời, một phần không thể thiếu của hệ sinh thái ĐBSCL, cũng đang đối mặt với nguy cơ bị tận diệt. Những cánh đồng lúa, vườn cây ăn trái trở thành bãi săn của những kẻ săn bắt. Lưới bẫy giăng khắp nơi, từ trên cây xuống mặt đất, tạo thành những "tấm lưới tử thần" giăng bẫy hàng loạt chim trời.

Chim trời

Mỗi ngày, “chợ chim” ở Thạnh Hóa thu hút rất đông “thượng đế” đến mua. (Ảnh: Song Ngọc).

Ông Nguyễn Văn Hoàng (quê tận Cà Mau) - người từng có kinh nghiệm trong việc bẫy chim trời, nay đã bỏ nghề, chia sẻ, không chỉ sử dụng lưới, nhiều đối tượng còn dùng các phương thức săn bắt tinh vi hơn như dùng loa phát tiếng chim kêu để dụ chim đến bẫy, hoặc săn bắt cả chim non trong tổ. 

Điều này không chỉ gây tổn hại đến số lượng cá thể mà còn ảnh hưởng đến sự sinh sản và phát triển của các loài chim.

Việc buôn bán động vật hoang dã và chim trời không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng làm suy giảm đa dạng sinh học. Nhiều loài động vật hoang dã và chim trời đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắt quá mức.

Đồng thời, việc săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã còn làm mất cân bằng sinh thái. Điều này đã khiến cho một số loài suy giảm về số lượng hoặc biến mất, gây ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ hệ sinh thái. Đặc biệt, việc tiếp xúc với động vật hoang dã có thể làm lây lan các dịch bệnh nguy hiểm.

Chim trời

Nhiều loại động vật hoang dã được bày bán công khai tại “chợ chim” ở Thạnh Hóa. (Ảnh: Song Ngọc).

Trao đổi với PV, đại diện Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), cho biết, để ngăn chặn tình trạng này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã và chim trời, khuyến khích người dân tham gia vào công tác bảo tồn.

Thống kê sơ bộ trong năm 2024, đơn vị đã lập biên bản chuyển giao Hạt Kiểm lâm liên huyện Tam Nông - Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) xử phạt vi phạm hành chính về quản lý bảo vệ phát triển rừng và quản lý lâm sản 49 vụ, 49 đương sự vi phạm chăn thả gia súc, với số tiền trên 60 triệu đồng. 

Chim trời

Chim trĩ được bày bán tại "chợ chim". (Ảnh: Song Ngọc).

Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới, Vườn quốc gia Tràm Chim kiến nghị UBND huyện Tam Nông chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục hỗ trợ lực lượng nghiệp vụ trong kiểm tra và xử lý các đối tượng xâm nhập trái phép ngay từ bên ngoài về đánh bắt thủy sản trái phép. 

Đồng thời, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể huyện, chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Liên quan "chợ chim", ngày 16/1, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Tùng Chinh, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An), cho biết, huyện đã chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra gồm Kiểm lâm và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thường xuyên các tiểu thương kinh doanh tại chợ. 

Đồng thời, yêu cầu những tiểu thương này ký cam kết không mua bán động vật hoang dã, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

Theo ông Chinh, thời gian qua, địa phương cũng rất nỗ lực trong việc bảo vệ các loài động vật hoang dã, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, công việc này cũng gặp không ít khó khăn vì việc săn bắt này thường diễn ra một cách lén lút, manh mún, trong khi lực lượng chức năng còn mỏng, không thể bao quát ngày đêm.

Chim trời

Và vịt trời bày bán nhiều tại “chợ chim” ở Thạnh Hóa. (Ảnh: Song Ngọc).

Theo quy định tại các Điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP), mọi hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng (đối với cá nhân). Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự.

Song Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.