'Chìm xuồng' vụ dân 'an cư' dưới lòng cao thế?

'Chìm xuồng' vụ dân 'an cư' dưới lòng cao thế?

Thứ 2, 07/10/2013 14:06

Vụ việc hàng chục hộ dân tại khu phố 6, phường Bắc Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đang “oằn mình” sống dưới đường điện cao thế hiện đang có dấu hiệu “chìm xuồng”.

Đẩy lỗi cho người dân

Theo tìm hiểu của phóng viên, những hộ dân được định cư dưới đường điện cao thế 35KV là gia đình chính sách, lão thành cách mạng có thâm niên từ 30 năm tuổi Đảng trở lên mới được cấp đất.

Anh Huỳnh Đức Tâm, sống tại khu phố 6, phường Bắc Sơn cho biết: “Các hộ gia đình ở khu vực này đều thuộc diện chính sách, lão thành cách mạng, được Nông trường Hà Trung cấp theo danh sách. Cụ nhà tôi là Huỳnh Được Hoàng, một trong những người khai sinh ra nông trường Hà Trung vào những năm 1961, 1962. Cụ công tác tại nông trường đến năm 1990 thì được chia cho mảnh đất này... Khi cụ nhà tôi nhận đất thì đường điện đã có rồi (có từ năm 1976). Việc cấp giấy phép xây dựng nhà cửa ở khu vực này thì chúng tôi xin phường Bắc Sơn”.

Miền trung - 'Chìm xuồng' vụ dân 'an cư' dưới lòng cao thế?

Em Đỗ Ngọc Anh, 14 tuổi đã trải qua 4 lần khoan sọ, 1 lần cấy ghép da tại Viện bỏng Trung Ương sau khi bị đường điện cao thế 35KV giật (ngày 25/7/2013).

Cũng theo anh Tâm thì “khu vực này có khoảng 9 hộ có sổ đỏ, do nằm dưới đường điện cao thế, nên những hộ có sổ đều phải “đi cửa sau” mới làm được”.

Bà Nguyễn Thị Oanh, trưởng khu phố 6 thừa nhận: “Việc đường điện cao thế 35kv nằm sát khu dân cư là có thật” và cho biết việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện là do người dân. “Việc vẫn có nhà xây dựng kiên cố trong hành lang thì nó đã tồn tại từ những năm trước kia” và “bà con làm các khu công trình phụ lấn chiếm sang khu vực hành lang điện… khi xây nhà không xin phép chính quyền địa phương”.

Ông Phan Công Trường, Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn cũng khẳng định: “Hầu hết các công trình phụ của người dân đã được làm từ trước, khi mà chưa có quy định về việc người dân làm nhà, cơi nới phải xin phép. Thế nên, đã có nhiều hộ dân tự lấn chiếm… ”.

Tuy nhiên, ông Mai Quang Bính, Phó trưởng phòng TN&MT thị xã Bỉm Sơn cho biết: “Những thửa đất này là do nông trường Hà Trung cấp cho các hộ dân, danh sách lúc đầu có 33 hộ, sau này khi phường Bắc Sơn tách về Bỉm Sơn, con số này đã lên đến trên 50 hộ. Việc người dân tự ý xây nhà dưới đường điện cao thế, chúng tôi không hề nhận được báo cáo từ phía phường Bắc Sơn và Điện lực Bỉm Sơn. Về vụ việc này, sai phạm lớn nhất là do nông trường cấp đất cho dân dưới đường điện cao thế, sau đó là đến UBND phường Bắc Sơn. Bởi, đây là cơ quan quản lý địa bàn nhưng không báo cáo vụ việc, tự ý cấp giấy phép để người dân xây dựng trái phép, mặt khác ông Phan Công Trường, Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn còn liên tục đề xuất cấp sổ đỏ, hợp thức hóa những mảnh đất này…”. Ngoài ra, ông Bính cũng thừa nhận việc cấp 5 cuốn sổ đỏ là sai quy định.

Phải xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật

Việc ông Bùi Huy Hùng, Chủ tịch UBND Thị xã Bỉm Sơn phát biểu trên báo chí rằng: “Sẽ cấp đồng loạt sổ đỏ cho người dân khu phố 6, phường Bắc Sơn trong thời gian sớm nhất để người dân ổn định đời sống và sản xuất. Đồng thời, phân định rõ ranh giới hành lang lưới điện để người dân không được xâm phạm đến nữa” mà không hề đả động đến 5 chiếc sổ đỏ cấp sai mà ông Mai Quang Bính đã thừa nhận, có thể coi là một hành động “làm ngơ” trước sai phạm.

Miền trung - 'Chìm xuồng' vụ dân 'an cư' dưới lòng cao thế? (Hình 2).

Ông Mai Quang Bính, Phó trưởng phòng TN&MT thị xã Bỉm Sơn thừa nhận việc cấp sổ đỏ cho người dân “an cư” dưới đường điện cao thế là sai quy định.

Theo luật sư Nguyễn Huy An, Văn phòng luật sư Huy An (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) khẳng định: “Hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người vi phạm theo quy định tại Điều 241 Bộ luật hình sự: Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện (Khoản 1- điểm a).

Đối với Điện lực Bỉm Sơn, việc không biết thông tin về các vụ người dân bị điện giật do chính quyền không báo cáo là điều không thể chấp nhận được. Bởi hàng năm ngành điện đều phải thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra an toàn lưới điện theo quy định. Hơn nữa người dân sử dụng điện hàng ngày, mua điện và nộp tiền điện hàng tháng… Do vậy không thể nói là ngành điện không biết. Dù biết rõ những hộ dân đang sống dưới đường điện cao thế là sai quy định, nhưng vẫn không báo cáo hiện trạng để UBND thị xã Bỉm Sơn có biện pháp xử lý là vi phạm quy định về “Bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp” (Khoản 1, Điều 10 của Nghị Định 106/2005/NĐ-CP (17/8/2005).

'Là cơ quan quản lý trên địa bàn, việc các cán bộ nhà đất thị xã Bỉm Sơn cấp sổ đỏ cho người dân là vi phạm theo quy định tại Điều 241 Bộ luật hình sự: Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện (Khoản 1- điểm a.). Sau khi biết cấp sai nhưng không có động thái khắc phục dẫn đến hậu quả đáng tiếc là thể hiện sự thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái… Những sai phạm của cán bộ UBND thị xã Bỉm Sơn và Điện lực Bỉm Sơn, tùy theo trách nhiệm có thể xem xét, xử lý hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 285, Bộ luật hình sự', luật sư An nêu.

P. Chính

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.