Thông tin tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh có gần 1.600 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 16.200 tỷ đồng.
Trong 9 tháng, tỉnh Khánh Hòa thu ngân sách ước đạt 9.600 tỷ đồng, bằng 96,6% dự toán pháp lệnh Bộ Tài chính giao, vượt 10,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, khu vực Nhà nước ước thực hiện 2.718,7 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 28,3%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 722,5 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 7,5%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước thực hiện 2.200 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 22,9%.
“Từ số liệu trên cho thấy, các doanh nghiệp đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế xã hội và nguồn thu ngân sách của tỉnh; giữ vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển chung. Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp đang giải quyết việc làm cho gần 147.000 lao động”, bà Hà cho biết.
Bà Hà cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được 7 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 478,9 tỷ đồng.
Hiện, có một số dự án lớn ngoài ngân sách đã, đang và sẽ thực hiện tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu mới như Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong và Bắc Vân Phong, Khu công nghiệp Ninh Thủy; các cụm công nghiệp như Sông Cầu, Diên Thọ, Trảng É 2, Ninh Xuân...
Khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân, ông Vương Vĩnh Hiệp, Phó chủ tịch hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa; Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Long Sinh cho rằng khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước, đóng góp trên 40% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước với mức lương bình quân lên 8,3 triệu đồng/tháng vào năm 2020.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài từ đầu năm 2020 đến tháng 12/2021, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục phát huy sức mạnh nội tại và trở thành “lực kéo” quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Theo ông Vương Vĩnh Hiệp, trên thực tế, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng tại tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân chưa xứng tầm với vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế.
Dựa vào thực trạng đó, bên cạnh các chính sách vĩ mô từ UBND tỉnh Khánh Hòa cũng như các sở, ban, ngành liên quan... thì mỗi doanh nghiệp cần chủ động nắm rõ vai trò “mỗi doanh nghiệp chính là một phần động lực quan trọng tạo nên sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã đánh giá cao vai trò, sự chung sức, đồng lòng, tham gia tích cực và những nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân bằng những đóng góp thiết thực, hiệu quả về nhiều mặt trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Hoàng cho biết, trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Khánh Hòa luôn đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân. Mỗi bước phát triển của tỉnh đều có dấu ấn của doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
Đội ngũ doanh nhân hôm nay đã và đang ngày một trưởng thành, tiến bước theo kịp với quá trình hội nhập phát triển kinh tế quốc tế. Những thành tích đó đã được ghi nhận bằng nhiều hình thức thi đua khen thưởng, điển hình là các anh hùng lao động, tập thể anh hùng, nhiều doanh nghiệp được tặng thưởng các huân - huy chương của Nhà nước.
Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa cũng mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục phấn đấu hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của tỉnh trong thời gian tới.
Dịp này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tặng bằng khen cho 4 tập thể và 5 cá nhân là doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Khánh Hòa năm 2022.
Châu Tường