Chết người mới lộ quản lý kém
Tối 2/8, ca nô mang số hiệu H29 chở 30 người của Công ty sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam đi từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu. Khi qua sông Soài Rạp thuộc Cồn Ngựa, Cồn Thu (Cần Giờ) thì gặp sóng lớn nên bị chìm. 21 người được cứu thoát, 9 người mất tích. Tới sáng ngày 4/8, ba thi thể đã được tìm thấy, 6 người khác vẫn chưa có dấu vết.
Canô H29-BP được kéo về tại cảng gần nhà máy đóng tàu của Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc (Vũng Tàu) lúc 20h ngày 3/8. (Ảnh: TTO) |
Chiều 3/8, Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo việc khắc phục sự cố chìm canô.
Cũng thời gian này, UBND TP HCM đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để làm rõ trách nhiệm vụ chìm tàu ở Cần Giờ đồng thời triển khai nhiều biện pháp tìm kiếm, cứu nạn.
Tại cuộc họp này nhiều câu hỏi đã được đặt ra. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu cần làm rõ chiếc canô có đủ điều kiện lưu hành hay không.
Ông cũng yêu cầu làm rõ người lái canô (hiện vẫn đang mất tích) có đủ bằng cấp hay không, trách nhiệm của cảng vụ nơi cho canô xuất bến có làm đúng quy trình hay không... Bước đầu cũng đã xác định trên canô bị nạn không đủ áo phao cho số người có mặt.
Lẽ ra việc rút kinh nghiệm, kiểm tra điều kiện an toàn, tiêu chuẩn vận hành phải được làm từ lâu, nhưng thành lệ cứ xảy ra tai nạn mới thấy các lãnh đạo vội vàng họp khẩn, lại là nghe báo cáo, rút kinh nghiệm, và rốt ráo điều tra...
“Tàu thiết kế chỉ chở được 18 người mà chở đến 30 người là bài học xương máu để chúng ta quan tâm hơn nữa, tăng cường chỉ đạo kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải đường thủy, nhất là các đơn vị ý thức kém”, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân nói.
Chẳng nhẽ từ thảm họa chìm tàu Dìn Ký, các nhà lãnh đạo, quản lý giao thông vẫn chưa đủ cơ sở để rút ra được bài học kinh nghiệm nào.
Chả phải sau mỗi vụ tai nạn các ngành chức địa phương lại rầm rộ lên kế hoạch chấn chỉnh toàn bộ hoạt động bến bãi vận tải, bến khách sang sông trên địa bàn, nhưng tại sao lại vẫn còn xảy ra những vụ việc đau lòng không đáng có?
Tai nạn tăng, Bộ trưởng bỏ việc học làm chính khách
Phản ứng tích cực đầu tiên các nạn nhân cũng như người thân trong vụ chìm ca nô nhận được là sự có mặt kịp thời cùng lời động viên chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.
Rút kinh nghiệm từ người đồng cấp là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Đinh La Thăng đã nhanh chóng đến hiện trường vụ lật ca nô ở Cần Giờ, TP.HCM để tham gia cứu nạn.
Trưa 3/8 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng và ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam đã đến hiện trường chỉ huy công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Thông tin cho biết, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng hoãn các chương trình công tác ở phía nam, lập tức có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu nạn. Ông Thăng có quyền giao cho cấp dưới và các cơ quan của Bộ Giao thông Vận tải đến hiện trường, nhưng ông đã không làm như vậy.
Bộ trưởng Thăng khéo léo xuất hiện đúng lúc |
Không chỉ tham gia chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đến Trung tâm y tế xã Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các nạn nhân vụ chìm tàu mỗi người 2 triệu đồng. Bên cạnh đó bộ trưởng Đinh La Thăng cũng trao tặng các bác sĩ, Trung tâm y tế xã Cần Thạnh 20 triệu đồng, tặng cán bộ chiến sĩ Biên phòng Long Hòa 20 triệu để lo công tác cứu nạn.
Sự có mặt của Bộ trưởng Thăng thật đáng quý, điều đó không chỉ thể hiện trọng trách, trách nhiệm của một người đứng đầu ngành GTVT mà còn toát lên khí phách của một "chính khách" hết lòng vì dân. Một nhà lãnh đạo đã nói là làm.
Nhìn từ những quyết sách ông đã đưa ra, đã chỉ đạo và thực hiện quyết liệt nhằm giảm tai nạn giao thông, tránh những cái chết thương tâm cho người dân vô tội sẽ thấy rõ điều đó.
Theo số liệu từ Văn phòng Chính phủ, trong 7 tháng đầu năm số vụ tai nạn và số người chết vẫn tăng, cả nước đã xả ra 6.410 vụ tai nạn (tăng 4,8%), làm chết 5.635 người.
Nhức nhối trước tình trạng tai nạn giao thông ngày càng tăng, mặc dù quỹ bảo trì đường bộ đã thu được 1,66 tỉ và cũng giải ngân tới 1,26 tỉ cho lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ giao thông đã thực hiện nhiều chỉ đạo quyết liệt.
Sau những chỉ đạo "trảm tướng" tức khắc tại Đà Nẵng, tới những lời đe dọa "trảm tướng" vì không hoàn thành trách nhiệm, quản lý kém là một trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông.
Mới đây nhất là công văn chỉ đạo của Bộ trưởng yêu cầu 7 thứ trưởng dẫn đầu 7 đoàn đi thị sát 21 tỉnh thành trong cả nước, nhằm kiểm tra, chấn chỉnh tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Trong khi tình trạng tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp chưa có giải pháp khắc phục, việc Bộ trưởng Thăng xuất hiện lúc này được cho là thời điểm vàng để xây dựng lại hình ảnh. Dư luận có quyền hoài nghi, nhưng cũng hoàn toàn có quyền tin vào một quyết định nghiêm khắc, một giải pháp xử lý triệt để tương tự như ông đã từng làm.
Dù sao, việc làm của Bộ trưởng Thăng là rất đáng ghi nhận.
Phát biểu quan điểm liên quan đến vụ việc Bộ trưởng Bộ Y tế vì quá bận việc mà không đến thăm hỏi gia đình 3 cháu bé tử vong sau khi tiêm vắc-xin. Mặc dù bà đang công tác ngay tại tỉnh Quảng Trị, nới xảy ra vụ việc này, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: "Tôi xin khẳng định Bộ trưởng nên đến thăm và chia sẻ với các gia đình có các cháu bé bị tử vong. Đây là việc một việc chính khách bắt buộc phải làm. Ngoài ra, đây không chỉ là khó khăn, thách thức, đây còn là cơ hội truyền thông có một không hai cho Bộ trưởng.." |