Để chuẩn bị cho Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 20-21/2/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số tờ trình, báo cáo.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị tờ trình về danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho từng dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chuẩn bị dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức xử phạt tối đa cho các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đối ngoại.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chuẩn bị báo cáo về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2005/QH14.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chuẩn bị báo cáo về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật thủy lợi.
Cũng trong chỉ đạo điều hành ngày 2/2, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước kiện toàn bộ máy quản lý, đặc biệt phải kiện toàn ngay đối với bộ máy quản lý, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ, không có hiệu quả; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp; bố trí cán bộ đủ phẩm chất, năng lực để đáp ứng được yêu cầu. Tăng cường năng lực, quyền hạn, trách nhiệm của kiểm soát viên và kiểm toán nội bộ.
Xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ; xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện các phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp nhà nước xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới, doanh nghiệp nhà nước theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Định kỳ hàng quý, năm, báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (báo cáo quý trước ngày 10 của tháng đầu quý sau, báo cáo năm trước tháng 2 của năm sau) và báo cáo các cơ quan chức năng về những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện. Báo cáo cần nêu rõ tình hình triển khai, kết quả thực hiện, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị nếu có. Bộ Tài chính tổng hợp chung, định kỳ hàng quý, năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp theo dõi, chỉ đạo; định kỳ hàng quý, năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chỉ thị này; phối hợp với các cơ quan liên quan, phát hiện những vấn đề đột xuất, cấp bách phát sinh để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Dương Thu