Theo lịch làm việc, hôm nay các ĐB Quốc hội sẽ thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13 mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định tại phiên khai mạc kỳ họp này.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, thực hiện ý kiến của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành rất nghiêm túc việc tổng kết Hiến pháp 1992 và góp ý vào việc sửa đổi Hiến pháp. Chính phủ đã góp ý toàn diện tất cả các nội dung, đương nhiên trong đó nội dung liên quan đến tổ chức Chính phủ được Chính phủ thảo luận kỹ hơn. Đối với những vấn đề mới, Chính phủ tiến hành tổ chức lấy ý kiến từ dưới và thảo luận nhiều lần. Những ý kiến của Chính phủ đều là những ý kiến đã gửi Quốc hội.
“Chính phủ đã bỏ phiếu biểu quyết từng điều một về bản ý kiến của mình. Bản ý kiến của Chính phủ tổng hợp các ý kiến từ dưới trình lên, cộng với kết quả bỏ phiếu trong Chính phủ về từng vấn đề. Đương nhiên, quan điểm của Chính phủ khi đã được bàn bạc, Chính phủ sẽ thống nhất, biểu quyết tập thể theo đúng nguyên tắc. Nếu Chính phủ có thay đổi quan điểm nào cũng phải lấy ý kiến lại. Cho đến giờ phút này, Chính phủ chưa có cuộc thảo luận nào để xem xét ý kiến của mình có thay đổi không”, Bộ trưởng Đam nói.
Hôm nay Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Trước đó, vào đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp chuyên đề bàn về góp ý vào dự thảo sửa đổi hiến pháp, có kiến nghị nhiều nội dung quan trọng:
Về các nội dung liên quan đến quyền lập hiến của nhân dân, Chỉnh phủ cho rằng cần xác định quyền lập hiến là thể hiện cao nhất chủ quyền nhân dân, gồm quyền sáng kiến lập hiến, quyền tham gia góp ý trong quá trình dự thảo HP và cuối cùng là quyền biểu quyết thông qua trưng cầu dân ý.
Chính phủ cũng có những kiến nghị về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, cho rằngcần ghi nhận nguyên tắc các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được bảo đảm thực hiện bằng luật và cũng chỉ có thể bị hạn chế bằng luật. Như vậy, khoản 2 điều 15 dự thảo sửa đổi HP cần giới hạn hẹp hơn nữa căn cứ giới hạn quyền, thành: “Quyền con người, quyền cơ bản của công dân có thể bị giới hạn bằng luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia và sức khỏe của cộng đồng”. Khác với dự thảo, có thêm hai trường hợp “trật tự, an toàn xã hội”, “đạo đức xã hội” và không có “bằng luật”.
Chính phủ cũng đề nghị thay thế cụm từ “theo quy định của pháp luật" thành “theo quy định của luật” ở nhiều quyền cơ bản quan trọng: Quyền bí mật thư tín (điều 23); quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước (điều 24); quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình (điều 26); quyền bảo hộ về sở hữu tư nhân, quyền thừa kế (Điều 33).
Chính phủ cũng có kiến nghị liên quan đến thu hồi đất và quyền sử dụng đất. Cụ thể, khoản 3 điều 56 dự thảo sửa đổi HP quy định Nhà nước trưng mua, trưng dụng có bồi thường “theo giá thị trường” với tài sản của công dân. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản, thì khoản 3 điều 58 dự thảo lại quy định Nhà nước thu hồi “có bồi thường theo quy định của pháp luật”. Chỉnh phủ cho rằng quy định như vậy là không rõ ràng và mâu thuẫn với nhau. Vì vậy, cần sửa đổi theo hướng Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản, hay thu hồi đất thì đều phải bồi thường theo giá thị trường.
Trước đó, vào ngày 21/5, ông Phan Trung Lý, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội đã trình bày trước Quốc hội bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sau khi đã ghi nhận ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các tổ chức, nhân dân… trong đó có những nội dung hết sức quan trọng được nhân dân đặc biệt quan tâm:
Về thẩm quyền của Chủ tịch nước với hoạt động hành pháp, UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về đối nội, đối ngoại. Trong một số trường hợp cần thiết, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm nhằm giúp Chủ tịch nước thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Do đó, UB soạn thảo sửa đổi hiến pháp chỉnh lý và trình Quốc hội cho ý kiến về nội dung này theo hướng: “Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.
Về thẩm quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang, UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, căn cứ vào mô hình tổ chức bộ máy của nhà nước ta và thực tiễn công tác cán bộ hiện nay, việc Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam là phù hợp. Do đó, UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp dự kiến chỉnh lý để trình Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung các trường hợp về phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân trong các lực lượng vũ trang nhân dân và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam cho đầy đủ và phù hợp".
Về các ý kiến xoay quanh vấn đề giữ nguyên hoặc lấy lại tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, UB soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, tên nước là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hoặc “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” đều thể hiện rõ chính thể của nước ta là “cộng hòa”, bản chất của nhà nước ta là “nhà nước dân chủ. Tuy nhiên việc giữ nguyên tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng định con đường phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên các văn bản giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Về điều 4, UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp báo cáo Quốc hội, việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết, kế thừa Điều 4 của Hiến pháp năm 1992, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan vai trò lãnh đạo của Đảng với quá trình cách mạng, với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đối với những ý kiến cho rằng cần có Luật về sự lãnh đạo của Đảng, UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp, cho rằng: Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo thông qua cương lĩnh, chiến lược, các định hướng và chính sách; cách thức, nội dung lãnh đạo được thể hiện đã đáp ứng được yêu cầu của từng giai đoạn, từng thời kỳ. Bên cạnh đó, quy định mọi tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật hiện đã là một bảo đảm quan trọng để nhân dân có điều kiện giám sát, giúp cho đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Vì vậy, UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội không đưa nội dung Luật lãnh đạo của Đảng vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Theo Giáo dục Việt Nam