Trên kênh Channel 12 News của Israel trong tối thứ Năm, ông phát biểu: “Những người khẳng định đã tấn công mạnh mẽ và ảnh hưởng mạnh tới khả năng gây chiến của Hamas tại miền Bắc Gaza đã nói ra sự thật. Nhưng những người đưa ra khẳng định về tiêu diệt hoàn toàn hay tiêu diệt ý chí và khả năng gây chiến hoàn toàn đều đang không nói ra sự thật. Không có lý do gì để nhắc tới những thứ chỉ có trong truyện cổ tích đó cả”.
Ông Eisenkot đưa ra những phát biểu này không lâu sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một lần nữa khẳng định, chiến dịch quân sự của Israel sẽ tiếp tục cho tới khi đạt được “chiến thắng toàn diện” trước Hamas. Bình luận của ông cũng đã được đưa ra sau khi Israel rút một phần quân đội khỏi miền Bắc Gaza và đưa ra dấu hiệu cuộc chiến sẽ bước sang giai đoạn mới.
Tuy nhiên, ông Eisenkot khẳng định: “Chúng tôi chưa đạt được thành quả chiến lược nào cả… Chúng tôi chưa hề tiêu diệt tổ chức Hamas”.
Những phát biểu này là dấu hiệu mới nhất về những rạn nứt bên trong nội bộ chính phủ liên hiệp của Israel, cũng như những bức xúc ngày càng lớn về kế hoạch chiến tranh của ông Netanyahu.
Được thành lập không lâu sau vụ tấn công ngày 7 tháng 10 do Hamas gây ra, Ủy ban chiến tranh của Israel có sự xuất hiện của nhiều bộ trưởng vốn từ lâu đã có bất đồng quan điểm.
Kêu gọi tái bầu cử
Trong bài phỏng vấn của mình, ông Eisenkot khẳng định, Israel cần một cuộc bầu cử mới vì công chúng không còn có niềm tin vào sự lãnh đạo của ông Netanyahu.
Ông cũng gạt bỏ những lo ngại về việc tổ chức bầu cử trong nước trong khi quốc gia này đang trong thời chiến.
“Việc công chúng thiếu lòng tin vào chính phủ cũng nghiêm trọng không kém việc thiếu thống nhất trong thời chiến”.
“Chúng ta cần phải bỏ phiếu và bầu cử trong những tháng tới để tái kiến thiết lại lòng tin của nhân dân, vì hiện tại chúng ta không hề có yếu tố đó. Nhà nước Israel là một nền dân chủ và cần phải tự hỏi, sau một sự kiện nghiêm trọng như vậy, làm sao chúng ta có thể tiếp tục chấp nhận một bộ máy lãnh đạo chịu trách nhiệm cho một thất bại nặng nề như vậy?”.
Yohanan Plesner, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dân chủ Israel (IDI) tại Jerusalem cho biết, mặc dù Ủy ban chiến tranh được thành lập nhằm thể hiện sự đoàn kết nhưng Ủy ban này “không hề giấu đi thực tế rằng còn có nhiều bất đồng về chính sách và phương pháp”. Ông cũng cho rằng những rạn nứt này đã bắt đầu xuất hiện.
Reuven Hazan, nhà khoa học chính trị tại Đại học Do thái ở Jerusalem cho biết, khi cuộc chiến cán mốc 100 ngày, việc những chia rẽ xuất hiện là không thể tránh khỏi. “Và những chia rẽ này đã xuất hiện”. Ông cho rằng “những ranh giới giữa hai phe đang ngày càng trở nên tồi tệ”.
Sau hơn ba tháng chiến sự tại Gaza, cuộc xung đột vẫn chưa có tín hiệu về hồi kết. Israel đã đề ra chiến dịch sau khi Hamas thực hiện một cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ, khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ hơn 240 người làm con tin. Chính quyền Israel cho rằng hơn 100 người vẫn đang bị bắt giữ sau khi 105 con tin được trả tự do trong đợt đình chiến tạm thời vào tháng 12 năm 2023. Hàng chục con tin đã bị sát hại và thi thể của những con tin này vẫn còn bị bỏ lại tại Gaza.
Bên cạnh đó, hơn 24.000 người Palestine đã thiệt mạng tại Gaza, theo dữ liệu từ Bộ Y tế tại Gaza cung cấp và khu vực rộng lớn tại Gaza cũng đã bị san bằng.
Ông Hazan cho biết, chính phủ Israel đã xác định hai mục tiêu trong cuộc chiến và hai mục tiêu này có thể sẽ không thành công. “Mục tiêu thứ nhất là tiêu diệt Hamas và mục tiêu còn lại là đưa toàn bộ con tin về nhà. Và như chúng ta đã thấy sau một trăm ngày qua, chúng ta không thể thành công trong cả hai mục tiêu”.
Ông Eisenkot cho rằng chính phủ đã thất bại khi hướng tới mục tiêu mà ông cho rằng cần phải là ưu tiên hàng đầu: giải phóng thêm con tin.
“Tôi cho rằng không còn cần phải đắn đo đâu mới là mục tiêu cần ưu tiên hàng đầu. Đối với tôi, nhiệm vụ cần phải đạt được trước hết là giải cứu thường dân (con tin) trước khi tiêu diệt kẻ thù”.
Một cuộc thăm dò ý kiến của Viện Nghiên cứu Dân chủ Israel thực hiện vào tháng 11 năm 2023 cho thấy, mặc dù người Israel ủng hộ tiêu diệt Hamas và giải cứu con tin, phần lớn vẫn cho rằng việc giải cứu con tin là quan trọng hơn.
Căng thẳng với Mỹ về câu hỏi nhà nước Palestine
Quan hệ của Israel với đồng minh lớn nhất của mình là Mỹ cũng đã lao dốc. Trong ngày thứ Năm vừa rồi, Thủ tướng Israel đã đưa ra phát biểu phản đối mạnh mẽ về kịch bản hậu chiến tranh với viễn cảnh đề ra nhà nước Palestine, một kịch bản mà Mỹ và một số quốc gia khác đã lên tiếng tán thành.
Ông Netanyahu cho rằng ý tưởng đề ra một nhà nước Palestine đi ngược lại với mục tiêu đảm bảo an ninh cho Israel. Ông Netanyahu đã nhiều lần nêu rõ sự phản đối giải pháp nhà nước Palestine trước khi đưa ra phát biểu trong ngày thứ Năm.
Trong một cuộc họp báo tại Tel Aviv, khi được hỏi các báo cáo về việc ông đã phản đối ý tưởng khẳng chủ quyền của người Palestine tại Bờ Tây và Gaza trước các quan chức Mỹ, ông cho biết: “Trong tương lai trước mắt, có thỏa thuận nào hay không, Nhà nước Israel đều cần phải kiểm soát an ninh trên toàn lãnh thổ phía Tây sông Jordan”.
Ông Netanyahu cũng khẳng định, những chính trị gia yêu cầu ông từ chức đều đang yêu cầu đề ra nhà nước Palestine.
Ông Hazan cho rằng quan hệ Israel và Mỹ rất có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là khi ông Netanyahu muốn giữ quyền lực.
Nhiều chính trị gia đã kêu gọi ông Netanyahu từ chức.
Khi được hỏi về việc ông có nghĩ rằng ông Netanyahu đã cố tình kéo dài cuộc xung đột để kéo dài nhiệm kỳ của mình hay không, ông Eisenkot cho rằng đây không phải là sự thật.
Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak cũng đã kêu gọi tái bầu cử. Trong một bài viết trên tờ Haaretz trong ngày thứ Năm, ông đã cảnh báo chiến lược hiện tại của ông Netanyahu có thể làm Mỹ xa lánh và khiến Israel “kẹt lại trong bãi lầy Gaza”.
Sự sống còn chính trị của ông Netanyahu
Một số nhà phân tích cho rằng khi cuộc chiến kết thúc, công chúng Israel sẽ tập trung vào những thiếu sót trong cuộc chiến của ông Netanyahu. Ông Plesner cho rằng sẽ có nhiều sự chú ý hướng tới trách nhiệm đằng sau vụ tấn công ngày 7 tháng 10 năm 2023 hơn, cũng như những chính sách lãnh đạo mới.
“Với những quan điểm của công chúng về ông Netanyahu hiện tại, tôi không nghĩ rằng ông muốn chứng kiến giai đoạn này cho lắm”.
Trước khi cuộc chiến nổ ra, ông Netanyahu đã phải đối mặt với hàng loạt các cuộc biểu tình chống lại kế hoạch cải tổ hệ thống tư pháp của ông, và cho tới nay đã từ chối chịu trách nhiệm về sự kiện ngày 7 tháng 10. Ông cũng đã từ chối đề ra các cuộc thảo luận cấp cao về kế hoạch cho tương lai của Gaza sau cuộc chiến, để cho một số thành viên cực hữu của chính phủ liên hiệp tự do đưa ra một số quan điểm mà nhiều người cho là quá cực đoan.
Ông Hazan cho biết: “(Ông Netanyahu) hiểu rằng để tiếp tục nắm quyền lực, cuộc chiến cần phải tiếp tục. Vì khi cuộc chiến kết thúc, đó là lúc người dân Israel quay lưng lại với ông”.
Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến được đăng tải trong đầu tháng này từ IDI cho thấy chỉ có 15% công dân Israel muốn ông Netanyahu tiếp tục giữ chức vụ thủ tướng sau khi cuộc chiến kết thúc. 23% cho biết, họ muốn cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Benny Gantz trở thành thủ tướng sau cuộc chiến.
Ông Gantz được coi là người kế nhiệm sáng giá cho ông Netanyahu mỗi khi có một cuộc bầu cử tại Israel.
Ông Hazan cho biết: “Vì vậy, mặc dù nghe có vẻ tồi tệ nhưng ông Netanyahu có lợi ích về chính trị và sống còn khi giữ cho cuộc chiến tiếp diễn. Hành động này sẽ khiến ông đối đầu với chính quyền tổng thống Biden”.
Ông cho rằng ngay cả khi Israel tổ chức bầu cử, ông Netanyahu cũng vẫn rất có thể sẽ kêu gọi chống lại giải pháp nhà nước Palestine, và khẳng định trước những người ủng hộ ông rằng “chỉ có ông ta mới có thể nói không với Mỹ và nói không với giải pháp nhà nước Palestine”. Ông cũng cho biết, ông Netanyahu có thể tin rằng những hành động này sẽ kéo quan điểm công chúng theo hướng có lợi cho mình.
Tuy nhiên, ông Plesner không tin rằng ông Netanyahu đang kéo dài cuộc chiến để tiếp tục nắm quyền lực. Ông cho biết, quyết định về cuộc chiến không nằm gọn trong tay ông Netanyahu, và mặc dù người Israel muốn đưa con tin về nhà nhưng hiện tại họ không ủng hộ cho những thỏa thuận ngừng bắn vô thời hạn vì có thể khiến Hamas trở nên mạnh mẽ hơn.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)