Theo tờ New York Times, cho đến lúc này rất nhiều người Mỹ đang phải hứng chịu tổn thất do chính phủ liên bang đóng cửa, từ các cựu chiến binh, các du khách bị chặn không được vào đài tưởng niệm Lincoln và Công viên quốc gia Yellowstone, tới những người quan tâm đến gấu trúc không được theo dõi qua các camera trực tuyến do chính phủ tài trợ.
Chính phủ liên bang Mỹ đã đóng cửa từ ngày 1/10 vì thiếu ngân sách
Nhưng sự bế tắc này lại đã đem lại lợi ích cho ít nhất một đối tượng: Trung Quốc.
Với việc khiến Tổng thống Obama phải hủy các chuyến thăm dự tính diễn ra trong tuần sau tới Malaysia và Philippines, các nghị sỹ Mỹ đã khiến ông Obama không thể chứng tỏ sự ủng hộ đối với hai quốc gia Đông Nam Á vốn từ lâu được cho là nằm trong "cái bóng" của Trung Quốc. Và nó cũng làm tổn hại đến những nỗ lực rộng lớn hơn của ông chủ Nhà Trắng trong việc đặt châu Á vào trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
Lịch trình được hoạch định của ông Obama trong tuần tới - bao gồm các cuộc gặp thượng đỉnh và thăm xã giao - đã được chuẩn bị cẩn thận để củng cố thông điệp Washington muốn gửi tới Bắc Kinh rằng, nước Mỹ một lần nữa là nhân vật trung tâm trong khu vực này.
Thế nhưng kế hoạch xoay trục sang châu Á của ông Obama đã liên tục bị kìm chân bởi hai lực cản đang ám ảnh nhiệm kỳ của ông: các cuộc tấn công tại Trung Đông và những màn “so găng” tại đồi Capitol.
Hiện tại, Nhà Trắng vẫn đang cố duy trì hai điểm dừng chân còn lại trong chuyến công du của ông Obama đó là: hội nghị thượng đỉnh kinh tế Vành đai Thái Bình Dương tại Indonesia và hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Brunei. Trong hội nghị đầu tiên ông Obama hy vọng sẽ gặp Tổng thống Nga Putin bên lề cuộc họp, trong khi tại Brunei, ông có lịch trình gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Thế nhưng khi mà dấu hiệu về một sự nhượng bộ tại quốc hội Mỹ để đưa chính phủ trở lại hoạt động trước cuối tuần này vẫn mờ mịt, có thể ông Obama sẽ phải hủy cả 2 chuyến đi còn lại này và chỉ cử Ngoại trưởng John Kerry đi dự. Nếu điều này xảy ra, đó sẽ là lần thứ 3 ông Obama phải hủy công du châu Á vì các vấn đề trong nước. Hai lần trước đó là do tranh cãi về luật cải cách chăm sóc sức khỏe tháng 3/2010, và sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico sau đó 4 tháng.
“Về mặt ngoại giao, việc đó có tác hại rất xấu”, Kenneth G. Lieberthal, cố vấn hàng đầu về vấn đề Trung Quốc dưới thời Tổng thống Clinton nhận định. “Tôi chắc chắn rằng một số người tại Trung Quốc sẽ nói rằng, cho đến nay Trung Quốc vẫn ở tâm điểm trong trục của Mỹ, chính điều này đã khiến họ không thể đánh vào tâm điểm”.
Nhiều người Mỹ giận dữ biểu tình vì bị buộc nghỉ không lương
Jeffrey A. Bader, người từng là cố vấn cao cấp về Trung Quốc cho ông Obama cho tới năm 2011, khẳng định nỗ lực của Nhà Trắng trong việc cứu vãn 2 cuộc họp này, ngay cả khi có rối loạn do tình trạng đóng cửa chính phủ, là một dấu hiệu quan trọng cho thấy Mỹ thực sự quan tâm đến khu vực này.
Nhưng ông cho biết thêm rằng: “Tình hình khó lường trên lại phát đi một thông điệp không mong muốn cho các nước trên đó là nước Mỹ thì ở xa, còn hệ thống chính trị Mỹ vô tác dụng”.
Trong lúc kế hoạch của Obama đang rối ren, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến công du Đông Nam Á tới Indonesia và Malaysia.
Bắc Kinh được cho là rõ ràng đã hưởng lợi từ một nước Mỹ bị xao lãng. Trung Quốc từng có đụng độ với Malaysia và Philippines về chủ quyền với một vài bãi đá người trên Biển Đông. Trong các chuyến thăm trước, ông Obama từng nói Mỹ muốn giải quyết những tranh chấp này và đảm bảo các tuyến hàng hải qua đây được thông thoáng.
Chính quyền của ông Obama muốn cũng cố quan hệ với Philippines và Malaysia vì nhiều lí do. Manila là một đồng minh có ký thỏa ước với Washington và Mỹ thì đang muốn củng cố các đồng minh châu Á, một phần nhằm làm đối trọng với vai trò của Trung Quốc. Còn Malaysia lại là một thành viên của hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP - trụ cột kinh tế trong chiến lược châu Á của ông Obama.
Washington muốn hoàn tất đàm phát TPP vào cuối năm, một mục tiêu được cho là khả khi. Nhưng khả năng này sẽ trở nên khó hơn nếu ông Obama không thể đích thân bày tỏ sự ủng hộ tại diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương, ở Bali, Indonesia.
Một chính phủ Mỹ không thể điều hành không phải điều người Trung Quốc mong muốn do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Nhưng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng về chính trị trong khu vực, rõ ràng một Washington tê liệt đem lại lợi ích ngắn hạn cho Bắc Kinh, nhất là khi Trung Quốc đã ổn định được những dịch chuyển chính trị trong nước.
Theo Dân Trí