Xử lý trách nhiệm... cả người tham mưu
Một trong những hoạt động đáng chú ý trong tuần qua là Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương. Tại Hội nghị, nhìn lại năm 2016, người đứng đầu Chính phủ đã nêu ra 10 kết quả đạt được, 9 tồn tại và nhấn mạnh vào những mục tiêu năm 2017 với quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả. Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quyết tâm kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả…
Rất nhiều vấn đề “nóng” của xã hội được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị lần này. Trong khi các địa phương đều có những kế hoạch phát triển cụ thể cho năm tới thì người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại cần khắc phục.
Nhiều ý kiến phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị trên được dư luận và người dân rất hoan nghênh, ủng hộ như: Chấm dứt tình trạng ăn uống liên hoan, gặp mặt khi hội họp được đề bạt... lãng phí; xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ; ngăn chặn đẩy lùi “lợi ích nhóm”, “sân sau”... Người đứng đầu Chính phủ cũng ân cần chia sẻ việc Tết này, các địa phương không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, không chỉ địa phương miền Nam không ra miền Bắc, mà các địa phương ở miền Bắc cũng không đến Hà Nội nữa”... để toàn dân có một cái Tết an vui, ấm cúng.
Đáng chú ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc sửa đổi và bổ sung quy định để tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý cán bộ, công chức, viên chức dưới quyền bằng biện pháp tạm đình chỉ công tác khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng cũng cho biết, con số các dự án nghìn tỷ đồng bị thua lỗ có thể không chỉ dừng ở 12 dự án. “Phải công khai xử lý trách nhiệm người đứng đầu, kể cả người tham mưu. Chúng ta cứ nói mãi chuyện người đứng đầu mà người tham mưu sai không xử lý. Bao nhiêu Vụ trưởng, bao nhiêu Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, bao nhiêu dự án tham nhũng, thua lỗ bỏ lại cho Nhà nước là không được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Rõ ràng, đây là một quyết tâm rất cao của Chính phủ, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ như phân công, phân cấp quản lý, quy trình bổ nhiệm, tình trạng kén chọn vị trí, chức danh. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ quản lý và người đứng đầu các cấp.
Công tác cán bộ đi vào chiều sâu
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) rất hoan nghênh sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ. Vị đại biểu từng chất vấn về việc “có cho rằng đã đến lúc cần thiết phải xây dựng một quy trình pháp lý để các viên chức, có thể từ chức khi cảm thấy đó là điều cần thiết hay không” cũng kỳ vọng, quyết tâm của Thủ tướng sẽ mang đến hiệu quả cao trong công tác cán bộ.
ĐB Dương Trung Quốc cũng cho rằng, gần đây, chúng ta bàn nhiều và ủng hộ các biện pháp để không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ càng khẳng định việc chúng ta có thể tránh được những thất thoát lâu dài. Bởi càng ngày chúng ta càng dễ nhìn thấy những thất thoát, lãng phí cho công quỹ Nhà nước từ hậu quả của người đứng đầu thiếu trách nhiệm, năng lực là rất lớn.
“Ai cũng biết, từ lời nói đến việc làm còn có những khoảng cách nhất định. Nhưng chắc chắn với sự ủng hộ của nhân dân, quyết tâm của Thủ tướng nói riêng và các thành viên Chính phủ nói chung thì tôi nghĩ, quyết tâm cải thiện công tác cán bộ hiện nay là rất khả quan”, ĐB Dương Trung Quốc nói.
Cũng theo phân tích của ĐBQH Dương Trung Quốc, người tham mưu cũng là một khâu và cần xem lại quy trình, cơ chế để làm rõ trách nhiệm của ai, đến mức độ nào.
“Tôi vẫn giữ quan điểm về sự cần thiết có văn hóa từ chức. Nếu điều này trở thành hiện thực đời sống thì không chỉ đơn giản là ý chí, mà còn tạo thành nhận thức xã hội, thậm chí thành hệ thống giá trị xã hội để tất cả mọi người thấy rằng, từ chức là phương thức tốt nhất đối với những người không có năng lực.
Không đơn giản muốn là làm, việc xây dựng quy trình về mặt pháp luật, cơ chế là cần thiết nhưng quan trọng là phải tạo ra được giá trị xã hội, tạo ra tập quán, coi đó là việc hết sức bình thường”, ĐBQH Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Cùng đồng tình và kỳ vọng rất lớn vào quyết tâm của Thủ tướng, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) kỳ vọng sự chuyển biến rất mạnh trong công tác cán bộ, nhất là giải quyết với những người thiếu năng lực, thiếu bản lĩnh chính trị, có dấu hiệu tiêu cực. Kể cả khi những người này chưa đủ tuổi nghỉ hưu cũng cần xem xét cho nghỉ. Đặc biệt với các đối tượng để doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát tài sản của Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
“Tất nhiên, có chính sách cho nghỉ, nhưng nếu có biểu hiện làm ăn gian dối, tiêu cực, tham nhũng thì vẫn cần tính đến những biện pháp xử lý, không để một cán bộ nghỉ theo kiểu “hạ cánh an toàn” rồi thôi. Cần làm rõ các tiêu chí không hoàn thành nhiệm vụ để cho về hưu đúng người”, ĐBQH Phạm Văn Hòa lưu ý.
Ông cho rằng, việc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ đạo, người đứng đầu Chính phủ cũng đặt quyết tâm cao thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng công tác cán bộ sẽ đi vào chiều sâu, có những kết quả lớn, khắc phục những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại thời gian qua.
Dương Thu