Lần đầu tiên sau hơn 60 năm, Hạ viện Pháp đã bãi nhiệm một chính phủ đương nhiệm thông qua việc chấp thuận một động thái bất tín nhiệm do phe cánh tả cứng rắn đề xuất nhưng quan trọng là được phe cực hữu do chính trị gia kỳ cựu Marine Le Pen đứng đầu ủng hộ.
Hạ viện Quốc hội Pháp đã bãi nhiệm chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier vào tối thứ Tư (ngày 4/12 – giờ địa phương).
Trong số 577 nhà lập pháp tại Hạ viện Pháp, tổng cộng 331 đại biểu quốc hội – từ liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới (NFP) và Đảng Tập hợp Quốc gia (NR) cực hữu – đã bỏ phiếu ủng hộ động thái bất tín nhiệm.
Động thái này đã đẩy cường quốc Tây Âu vào giai đoạn bất ổn chính trị và kinh tế, chỉ 6 tháng sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giải tán quốc hội sau thất bại nặng nề của đảng ông trong cuộc bầu cử Nghị viện EU.
Khi ông Barnier chính thức đệ đơn từ chức, ông sẽ trở thành Thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử hiện đại của Pháp.
Tổng thống Macron hiện phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là chọn một ứng cử viên khả thi để kế nhiệm ông Barnier khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông chủ Điện Elysee còn hơn 2 năm nữa mới kết thúc.

Chính trị gia cực hữu Marine Le Pen và Đảng RN của bà ủng hộ động thái bất tín nhiệm chính phủ Pháp, ngày 4/12/2024. Ảnh: France24
Phản ứng đối với sóng gió mới nhất trên chính trường Pháp vẫn còn trái chiều. Bà Valérie Pécresse, Chủ tịch Hội đồng khu vực Île-de-France, gọi đó là "một ngày buồn cho nước Pháp".
Trong một bài đăng trên X/Twitter, bà Pécresse đã bảo vệ ông Barnier, nói rằng ông đã cố gắng đưa đất nước trở lại đúng hướng.
Bộ trưởng Tài chính sắp mãn nhiệm Antoine Armand cáo buộc phe cánh tả và cực hữu "liên kết với nhau để gây bất ổn cho đất nước".
Trong khi đó, bà Mathilde Panot, lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (LFI), một phần của liên minh NFP, hoan nghênh kết quả cuộc bỏ phiếu và nói với các phóng viên: "Hôm nay là một ngày lịch sử… Hôm nay chúng ta đã bảo vệ được nền dân chủ".
"Sự hỗn loạn không phải do chúng ta, mà là do ông Macron trong 7 năm qua", bà Panot nói thêm trước khi yêu cầu Tổng thống Pháp từ chức.
Nhiều đảng đối lập cũng đã kêu gọi ông Macron từ chức. Tuy nhiên, ông Macron không có nghĩa vụ phải làm như vậy vì nhiệm kỳ Tổng thống của ông sẽ kết thúc vào mùa xuân năm 2027.
Tuy nhiên, ông Olivier Faure, lãnh đạo Đảng Xã hội (PS) và là thành viên của liên minh NFP, cho biết ông không nghĩ rằng việc ông Macron từ chức là "giải pháp tốt" cho cuộc khủng hoảng chính trị của Pháp.
Về phía cực hữu, bà Marine Le Pen, lãnh đạo trên thực tế của Đảng NR, khẳng định bà không coi kết quả bỏ phiếu là "một chiến thắng".
"Không có giải pháp nào khác", bà Marine Le Pen nói với giọng điệu nghiêm nghị trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Pháp TF1 hôm 4/12 sau khi có kết quả bỏ phiếu.
Khi được hỏi liệu bà có cho rằng ông Macron có nên từ chức hay không, bà Marine Le Pen cho biết bà không kêu gọi bầu cử Tổng thống sớm. "Chỉ có ông ấy mới đưa ra quyết định đó", nữ chính trị gia cực hữu nói thêm.
Cho đến nay, bà Marine Le Pen vẫn chưa chính thức kêu gọi Tổng thống từ chức, nhưng vẫn chưa bác bỏ ý tưởng này.
"Hiến pháp của chúng ta rất rõ ràng", bà nói hôm 2/12. "Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, Tổng thống nước cộng hòa có 3 lựa chọn. Cải tổ chính phủ, giải tán chính phủ, hoặc tự mình từ chức".
Khi 2 lựa chọn đầu tiên đã được viện đến và có vẻ không khả dụng, đã rõ ràng kết quả cuối cùng mà bà Marine Le Pen muốn là gì.
Nhưng ông Macron hôm 3/12 cũng đã tuyên bố rõ ràng. "Tôi đã được người dân Pháp bầu lên hai lần", ông nói. "Tôi vô cùng tự hào về điều này và tôi sẽ tôn trọng sự tin tưởng của họ bằng tất cả năng lượng của mình cho đến giây phút cuối cùng của nhiệm kỳ để phục vụ đất nước".
Minh Đức (Theo Euronews, Politico EU, France24)