Thông tin mới nhất mà PV báo Người Đưa Tin nhận được từ bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý sử dụng chất nạo vét để san lấp mặt bằng Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Trước đó, tham dự cuộc họp có lãnh đạo các bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Công Thương, bộ Giao thông Vận tải, bộ Khoa học và Công nghệ, bộ Thông tin và Truyền thông, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận và tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tại cuộc họp các bên liên quan đã báo cáo Phó Thủ tướng và cho ý kiến về phương án sử dụng vật, chất nạo vét từ cảng, vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Phương án này đã được bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ từ ngày 31/7.
Trong đó, đề xuất trước mắt cho phép sử dụng vật, chất từ hoạt động nào vét cảng chuyên dùng của công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 để san lấp mặt bằng khu vực lấn biển của Cảng tổng hợp để đảm bảo tiến độ của dự án theo thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư và bảo đảm được vấn đề an ninh năng lượng cho khu vực phía Nam.
Theo đó, bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các bên liên quan chỉ đạo chủ đầu tư Vĩnh Tân 1, tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, chủ đầu tư của Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng, công ty Đại Dương (chủ đầu tư Cảng tổng hợp Vĩnh Tân) thống nhất phương án để tạo điều kiện cho Vĩnh Tân 1 nạo vét sớm nhất có thể.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng Chính phủ giao bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ Công Thương, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục nghiên cứu quy hoạch các vị trí nhận chìm vật, chất ở biển và các khu vực cần sử dụng vật, chất nạo vét để san nền, lấn biển, chống xói lở bờ biển đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các địa phương có biển tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch các vị trí có thể nhận chìm ở biển đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Trước đó, bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 chất bùn thải ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận). Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10. Khu vực biển nhận chìm có diện tích 30ha, cách Hòn Cau khoảng 8km.
Việc cấp phép trên vấp phải sự phản ứng từ dư luận và đặc biệt các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường.
Còn đại diện bộ Tài nguyên và Môi trường lại khẳng định, giấy phép nhận chìm mới là căn cứ để chủ đầu tư tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị giao khu vực biển và các khâu chuẩn bị khác, chưa phải giao biển cho doanh nghiệp.
Sau đó, Thủ tướng đã yêu cầu bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ kiểm tra, đánh giá mức độ tác động môi trường nếu thực hiện phương án nhận chìm.
Dự án Cảng tổng hợp Vĩnh Tân có tổng diện tích hơn 141ha; trong đó, khoảng 51ha diện tích mặt nước biển cần san lấp để xây dựng kho bãi, hạ tầng giao thông nội bộ cảng, dịch vụ cảng và khoảng 90ha diện tích mặt nước được sử dụng để làm diện tích khu mặt nước của cảng; đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã xây kè kiên cố. Vị trí này có thể tiếp nhận ngay khoảng 1,1 triệu m3 vật, chất từ hoạt động nạo vét. Cảng Tổng hợp Vĩnh Tân thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận là khu vực chức năng làm Cảng tổng hợp. Đây là một trong những công trình cảng biển trọng điểm quốc gia, có tổng mức đầu tư hơn 2.292 tỷ đồng. Dự án này do công ty cổ phần Cảng tổng hợp Vĩnh Tân làm chủ đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Bình Thuận cấp, thời hạn hoạt động là 70 năm. |