"Người ta ghét nhau, tìm cách trả thù nhau bằng cách ném thuốc trừ sâu xuống ao cá để triệt hạ kinh tế của nhau... Ấy vậy mà, chủ doanh nghiệp này đang tâm chôn thuốc trừ sâu xuống lòng đất để đầu độc đồng bào, giống nòi mình" ,TS. Vật lý Nguyễn Văn Khải nói.
Giết người không dao
- Là người vô cùng tâm huyết với "miếng cơm, cốc nước" của người dân, TS. nhận định thế nào về sự việc một công ty tại Thanh Hóa đang tâm chôn hàng tấn thuốc trừ sâu vào lòng đất?
- Để trả lời câu hỏi này, tôi xin kể một câu chuyện. Vào khoảng tháng 5/2013, khi GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cùng các nhà khoa học của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam về xã Hải Tây (Hải Hậu, Nam Định). Bà con nông dân nhắc đi nhắc lại chuyện sau khi không dùng thuốc trừ sâu, chỉ trong vòng hơn một tháng, tay chân mọi người khác hẳn, không còn nứt nẻ như trước.
Tại nhiều địa phương khác, từ Hải Dương đến Vĩnh Phúc người dân đều nói rằng, không dùng thuốc trừ sâu, sức khỏe của họ tốt lên hẳn. Từ câu chuyện này cho thấy, bất kể người dân Việt Nam nào đều không lạ gì tác hại của thuốc trừ sâu. Việc sử dụng loại thuốc này chỉ là bất đắc dĩ. Ấy vậy mà công ty trên đang tâm chôn hàng tấn thuốc trừ sâu vào lòng đất. Họ nói rằng, chôn như vậy để tiết kiệm, để tiêu hủy dễ dàng hơn... tất cả đều là ngụy biện. Không lời lẽ nào có thể bao biện cho việc làm vô trách nhiệm của họ. Họ đã coi đồng tiền lớn hơn sinh mạng của con người, rất nhiều người, nhiều thế hệ.
TS. Nguyễn Văn Khải.
- Vậy theo TS. việc chôn thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của con người cũng như môi trường sinh thái?
- Đầu tiên, vùng đất đó sẽ bị hỏng. Đã có những địa phương, cách đây 12-13 năm, tôi đã khuyên không nên dùng thuốc diệt cỏ, thế nhưng họ không nghe. Đến bây giờ, những khu vườn đó cây ăn quả không thể mọc được bởi vùng đất đã bị nhiễm độc. Ngoài ra, trong quá trình chôn lấp không đúng quy trình, hơi thuốc trừ sâu bay lên sẽ làm cho khí độc lan tỏa, ảnh hưởng đến sức khỏe. Cũng giống như tại các vùng than, khí S02 rất nhiều, cộng với bùn làm tỷ lệ người bị hỏng mắt rất lớn. Bên cạnh đó, việc chôn không đúng quy trình sẽ làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. Khi nguồn nước bị nhiễm độc sẽ rất khó xử lý.
Nghi ngờ có sự "bảo kê"!?
- Cũng theo phản ánh, dù rất nhiều đoàn thanh tra về kiểm tra nhưng không lần nào phát hiện ra việc chôn lấp này. Chỉ đến khi người dân địa phương nổi giận tự xông vào quật các thùng phi từ lòng đất lên, họ mới chịu nhập cuộc. Vậy, trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đâu, thưa TS?
- Việc chôn lấp đã diễn ra cả chục năm nay, biết bao nhiêu đoàn đã về kiểm tra, tại sao không phát hiện việc chôn thuốc trừ sâu? Rất nhiều người dân trong vùng bị bệnh ung thư sao chính quyền địa phương không đặt nghi vấn? Họ từng nhiều lần kêu cứu nhưng tại sao chính quyền không xem xét đến nguyện vọng? Đoàn kiểm tra bảo rằng không biết, hoàn toàn là ngụy biện. Dư luận có quyền nghi ngờ về sự "bảo kê" chứ không dừng lại ở việc "làm ngơ" cho doanh nghiệp này hoạt động. Theo tôi, cần điều tra tận gốc để quy trách nhiệm cho những đơn vị liên quan, không để cho những kẻ gây tội ác được lọt lưới.
- Tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn tồn tại hiện tượng chôn thuốc trừ sâu hết đát. Vậy, hướng xử lý đối với những hóa chất, thuốc trừ sâu trong trường hợp này như thế nào, thưa TS?
- Những kho thuốc BVTV do lịch sử để lại vẫn còn khá nhiều, ở hầu hết các địa phương. Việc xử lý theo kiểu chôn xuống đất rồi giấu nhẹm đi sẽ rất nguy hiểm. Theo tôi, nếu là doanh nghiệp sản xuất thuốc cần phải có quy trình xử lý phế thải nghiêm ngặt. Tuyệt đối không được tùy tiện tiêu hủy thuốc hết hạn sử dụng, kể cả các bao gói đã qua sử dụng. Thậm chí, có thể nghiên cứu để sử dụng phế thải đó dùng làm nguyên liệu đầu vào cho một quy trình sản xuất khác. Bên cạnh đó, cần phải kiểm kê lại toàn bộ các kho thuốc đang tồn tại và tìm cách tiêu hủy đúng phương pháp.
- Trân trọng cảm ơn TS!
Anh Đức (thực hiện)