Gia đình bà Hoàng Thị Đa (SN 1963) trú tại thôn Thọ Lão, xã Tiến Thịnh (Mê Linh, Hà Nội) phản ánh, bố bà là ông Hoàng Văn Cận có 3 người con, người anh lớn là liệt sĩ Hoàng Văn Bính (SN 1956) đã hy sinh tại chiến trường Campuchia năm 1982 cùng 2 người em gái là Hoàng Thị Gái (SN 1960) và Hoàng Thị Đa (SN 1963).
Theo lời bà Đa, sau khi anh trai mất, anh Hoàng Văn Khải (con trai ông Hoàng Văn Thìn, em trai ruột ông Cận) có đến ở một thời gian. Sau đó, do không hợp nên anh Khải lại về nhà mình. Thời gian sau đó, anh Khải không ở cũng như không chăm sóc khi vợ chồng ông Cận già yếu. Sau khi vợ chồng ông Cận mất, anh Khải chuyển đồ đạc vào phần đất, nhà của vợ chồng ông Cận sinh sống.
Việc làm này của anh Khải bị gia đình bà Đa phản đối. Bà Đa cho rằng, phần đất trên là của bố mẹ bà sử dụng từ lâu, đã có giấy ủy quyền cho bà đứng tên làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng vì gia đình ông Thìn, anh Khải không đồng ý nên chưa thể làm được.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Thìn (SN 1940) bố anh Khải cho biết, sau khi người con trai duy nhất của gia đình ông Cận mất, ông Cận có ngỏ ý đến xin ông Thìn cho nhận anh Hoàng Văn Khải làm con “lập tự” để sau này khi ông Cận qua đời có người thờ cúng. Được gia đình ông Thìn đồng ý nên anh Khải có sang ở cùng với ông Cận. Từ đó, nhiều công việc trong gia đình ông Cận đều có mặt của anh Khải. Khi được xin về làm con “lập tự” thì mặc nhiên anh Khải cũng phải có quyền lợi và trách nhiệm trong đó.
Tuy nhiên, điều này không được bà Hoàng Thị Đa công nhận. Vì theo bà Đa, ông Khải gọi bố của bà là bác ruột, nhà lại ở sát nhau, vào thời điểm đó anh Khải còn trẻ, chỉ là được các cụ cho sang ở cùng với bố mẹ bà cho vui chứ không hề có chuyện nhận con “lập tự”. Từ thời điểm đó đến nay ông Khải cũng không đến ở cùng bố mẹ bà, không hề có công chăm nuôi dưỡng cũng như thờ cúng khi ông bà mất. Nên không thể gọi là nhận con “lập tự” như ông Thìn nói.Bà Đa đã có nhiều đơn từ gửi tới chính quyền địa phương nhờ can thiệp giải quyết vụ việc.
Theo thông tin PV nắm được, năm 2009, được sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với những gia đình chính sách, có công với cách mạng gia đình ông Cận được xây tặng 1 ngôi nhà tình nghĩa với diện tích 40m2 trên diện tích 249,4m2 mà gia đình ông vẫn ở từ những năm 1986. Vì điều này, gia đình ông Cận dỡ bỏ 1 phần căn nhà 5 gian bằng ngói để làm nhà mới liền kề và làm một bếp cấp 4 khoảng 20m2.
Sau này, gia đình người con út của ông Cận là bà Đa đến ở cùng trên căn nhà 40m2 để tiện chăm sóc ông bà. Còn 1 phần căn nhà mái ngói cũ vẫn giữ nguyên làm nơi thờ cúng tổ tiên.
Trước khi mất ít ngày, ông Hoàng Văn Cận có để lại giấy ủy quyền cho con gái là Hoàng Thị Đa được toàn quyền quyết định đối với thửa đất 294,4m2 ông đang ở. Điều này đã được trưởng thôn Thọ Lão là ông Trần Khánh Dư xác nhận ngày 16/2/2016.
Lấy lí do về để thờ cúng tổ tiên, đến ngày 15/3/2018, anh Hoàng Văn Khải bỗng dưng chuyển đến ở tại căn nhà ngói cũ dù không được các con ông Cận đồng ý. Gia đình bà Đa và bà Gái đã làm đơn gửi đến UBND xã Tiến Thịnh cũng như các cơ quan chức năng mong vụ việc sớm được giải quyết.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch xã Tiến Thịnh cho biết, đã nhiều lần tổ chức hòa giải giữa gia đình ông Thìn và bà Đa nhưng vì nhiều lí do, ông Thìn không tham gia hòa giải, dẫn đến sự việc vẫn lâm vào bế tắc.
Cũng theo ông Dương, trong tuần này UBND xã Tiến Thịnh sẽ tổ chức mời các bên đến trụ sở UBND xã để hòa giải lần cuối. Nếu sự việc vẫn đi vào bế tắc thì sẽ phải nhờ đến sự can thiệp của Toàn án Nhân dân huyện Mê Linh.
Tân Thắng – Quang Sơn