Người dân biết, các cơ quan chức năng cũng chẳng lạ gì, nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương vẫn “ngó lơ” để con đê “sống chết mặc bay”!?
“Cát tặc” có... bảo kê?
Để tìm hiểu rõ vấn đề này, PV có buổi trao đổi với ông B.H, giám đốc một công ty xây dựng đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Ông H. cho biết, đây là sự tranh chấp địa bàn giữa các đội tàu với nhau. Lấy ví dụ như ông P., một nhân vật có chức quyền đứng sau D. “gỗ”. “Hầu như tất cả các đội tàu đang có mặt trên khúc sông chảy qua địa phận huyện Tứ Kỳ đều hoạt động “chui”, không giấy phép. Việc hút cát từ lòng sông lên đã sai, chứ chưa nói rằng hút từ những bãi bồi”, ông H. chia sẻ.
Vòi rồng của “cát tặc” đã vươn dài đến tận cửa thoát nước của trạm bơm Đò Neo (Tứ Kỳ, Hải Dương).
Qua điều tra của PV, chúng tôi được biết, các đội tàu có nhân lực là người địa phương, am hiểu rõ về địa hình khúc sông, cũng như việc người dân nào quản lý, sử dụng ruộng ven đê, ruộng ở khu vực bãi bồi. Thế nên việc thỏa thuận “mua bán” bất hợp pháp đất ruộng ven đê của các chủ đội tàu này với người dân có ruộng diễn ra theo kiểu “áo gấm đi đêm”, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng không thể kiểm soát xuể.
“Cát tặc” mua ruộng trái phép của bà con nông dân rồi thực hiện việc hút trộm cát từ những thửa ruộng đó. Cụ thể, như khúc sông dài hơn 1km chảy qua xã Đại Đồng (Tứ Kỳ), việc hút cát đang diễn ra khiến những bãi bồi ven sông dần bị xóa sổ.
Cũng theo lời kể của ông H., có những thời điểm các lực lượng chức năng làm rất gắt gao, nhưng có những thời điểm thì hầu như không có động tĩnh gì. Điều quan trọng và nghiêm trọng hơn nữa là hàng ngày có hàng trăm xe chở cát đi qua đê và vị trí của “Soi Đại Đồng” lại nằm ngay trước mặt Hạt quản lý Đê điều huyện Tứ Kỳ. Chưa đầy 30 phút đứng quan sát đã có đến hơn 20 xe tải chở cát từ các bãi hút do “cát tặc” lập lên.
Ông Nguyễn Xuân Toa, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ.
Để làm rõ thực hư việc khai thác cát trên khúc sông này, PV đã có cuộc làm việc với ông Dương Công Thân, Hạt trưởng Hạt quản lý Đê điều huyện Tứ Kỳ. Ông Thân cho biết, việc quản lý cũng như xử lý những trường hợp hút trộm cát trên sông Thái Bình không thuộc thẩm quyền của Hạt quản lý Đê điều huyện Tứ Kỳ, Hạt chỉ tham gia với tư cách là thành viên. Việc thực hiện xử lý tàu vi phạm hút cát trộm là do Ban chỉ đạo xử lý và đoàn kiểm tra hoạt động của các tàu khai thác cát trái phép. “Anh em chúng tôi chỉ là cơ chế phối hợp với Đoàn liên ngành thôi”, ông Thân nhấn mạnh.
Khi đề cập đến vấn đề về hiện trạng thực tại của “Soi Đại Đồng” cũng như ảnh hưởng của việc khai thác cát trộm trên đoạn sông Thái Bình chảy qua huyện Tứ Kỳ, ông Thân cho hay: “Đối với những địa điểm đê, kè, cống trọng điểm thì chúng tôi có những giải pháp, phương án riêng. Cụ thể là những vị trí đó chúng tôi cho anh em túc trực ngày đêm, thậm chí nằm đó để giữ đê. Sau khi áp dụng những biện pháp đó thì không thấy xuất hiện tàu hút cát trộm nữa”. Thế nhưng, không phải hoàn toàn như lời ông Thân nói, theo sự quan sát của PV thì “cát tặc” còn đặt cả “vòi rồng” vào đến tận cửa trạm bơm Đò Neo, nơi mà ông Thân coi là vị trí đê, kè cống trọng điểm.
Nghiêm trọng hơn nữa là việc “cát tặc” công khai đặt ống hút vào ruộng ven đê. Khi PV đưa ra tình trạng này thì ông Hạt trưởng Hạt Quản lý Đê điều huyện Tứ Kỳ vẫn cam đoan là không có việc đó. Hơn nữa, ông Thân còn cho hay: Những trường hợp mà PV đưa ra nằm ngoài phạm vi bảo vệ đê điều!?
Ông Nguyễn Công Thân, Hạt trưởng Hạt quản lý Đê điều huyện Tứ Kỳ.
Như chưa hề có “cuộc ra quân
Làm việc với ông Nguyễn Xuân Toa, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng chúng tôi hiểu, “cát tặc” đã lộng hành như thế nào ở địa phương này và chính quyền cơ sở có vẻ như “bất lực” với thế lực ngầm của “cát tặc”. Ông Toa rất bức xúc và gọi đám “cát tặc” là lũ “giặc” cướp đất, cướp ruộng. Theo lời vị Chủ tịch này, việc khai thác cát trộm trên địa bàn khu Soi xảy ra từ rất lâu rồi. Trước đây, “cát tặc” chỉ hút ở giữa dòng sông, nhưng từ năm 2010 trở lại đây thì thường xuyên có từ 30-50 tàu túc trực ngày đêm, neo đỗ theo dọc hai bên bờ sông. Xã đã nhiều lần bí mật tổ chức bắt các tàu hút trộm cát nhưng đều như “đá ném ao bèo”.
Cũng theo lời vị chủ tịch UBND xã Đại Đồng, đích thân ông đã “đem quân đi dẹp” nhưng đều gặp hiện tượng chống đối. Không ít lần ông gửi kiến nghị vượt cấp lên UBND tỉnh Hải Dương, nhưng đều không nhận được phản hồi, giúp đỡ hợp lý. “Điều làm chúng tôi lo ngại là sự tinh vi của “cát tặc” trong việc mua bán trái phép đất nông nghiệp với các hộ dân trong xã. Chính quyền xã có “đoán” được sự việc bởi đã xuất hiện những dấu hiệu việc “mua bán đất ruộng” của nông dân với “cát tặc”. Thế nhưng tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” là thường xuyên, bởi lực lượng dân quân xã quá mỏng. Điển hình như trong một cuộc tổ chức bí mật bắt tàu hút cát trộm thì cả Chủ tịch lẫn dân quân đều bất lực nhìn các tàu nhổ neo ra giữa dòng. Chính quyền xã cũng đã nhiều lần báo cáo với các cơ quan chức năng huyện, tỉnh nhờ giúp đỡ, nhưng vẫn không thể giải quyết nổi tình trạng chảy máu tài nguyên một cách ồ ạt”, ông Toa chia sẻ. Ông Toa còn bật mí rằng: “Chẳng hiểu sao, cứ phối hợp với huyện là “cát tặc” lại nghỉ làm, còn xã “ra quân” một mình thì chứng kiến nhiều tàu hút cát chạy...”.
Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi có những thông tin nóng khác.
Chủ tịch huyện bị khởi tố vì... “cát tặc” Trung tuần tháng 10/2013, cơ quan CSĐT công an tỉnh Đồng Tháp đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Quốc Hưng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án “cát tặc” xảy ra trên địa bàn, theo Điều 285 BLHS. Cũng liên quan đến vụ án khai thác cát trái phép, trước đó, cơ quan CSĐT đã có kết luận và đề nghị viện Kiểm sát tỉnh truy tố 10 đối tượng, trong đó có nguyên Bí thư và Phó Bí thư huyện Hồng Ngự; nguyên Trưởng phòng TN&MT huyện Hồng Ngự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo hồ sơ điều tra, quá trình khai thác cát trái phép, một công ty đã chi cho Ban thường vụ huyện uỷ Hồng Ngự tổng số tiền 112 triệu đồng và nhiều cá nhân hàng trăm triệu đồng. |
Nhóm PV điều tra