Quá trình đô thị hoá ở Việt Nam có nhiều điểm sáng
Sau 35 năm đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm qua, đô thị hóa và phát triển đô thị ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn.
Chiều ngày 16/6, trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam, Hội thảo chuyên đề 2 đã được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tiến trình phát triển đô thị bền vững”.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị những năm qua, hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ.
Theo đó, hầu hết các đô thị đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Hạ tầng chiếu sáng, xây xanh được cải thiện phục vụ kịp thời nhu cầu của nhân dân.
Chưa kể nhiều nhà máy cấp nước sạch công suất lớn được đầu tư xây dựng, đảm bảo việc cung cấp nước sạch, an toàn cho người dân trên mọi miền tổ quốc. Tỉ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch tăng từ 76% năm 2010 lên khoảng 90% năm 2020.
Hạ tầng xã hội bao gồm giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao du lịch, thương mại và dịch vụ...tại các đô thị được quan tâm đầu tư.
Hạ tầng số của Việt Nam cơ bản đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN, internet băng thông được rộng phủ 100% tại các xã.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông được coi là một điểm sáng khi có nhiều công trình đường cao tốc, quốc lộ, các tuyến vành đai tại các đô thị lớn, cảng hàng không, cảng biển quan trọng, quy mô lớn được xây dựng và nâng cấp đã góp phần làm tăng khả năng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và giao thương quốc tế.
Giao thông công cộng đồng thời cũng nhận được nhiều sự quan tâm phát triển, hệ thống giao thông công cộng vận tải khối lượng lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang dần được hình thành.
Nói về những thành tựu mà Việt Nam đã và đang đạt được trong thời gian qua, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao sự nỗ lực của nhiều địa phương trong quá trình tiến tới đô thị hoá và phát triển đô thị thông minh.
Tồn tại vấn đề ngập úng đô thị gây nhức nhối
Tuy nhiên ông Phong cũng nhấn mạnh, mặc dù đã có sự phát triển tương đối ổn định nhưng đánh giá tổng quan cho thấy đến nay hệ thống hạ tầng đô thị còn tồn đọng lại nhiều hạn chế.
Cụ thể, tỉ lệ đất dành cho giao thông ở mức thấp, các tuyến đường sắt đô thị chậm tiến độ, chưa đưa vào sử dụng; hệ thống vận tải công cộng vận hành hiệu quả thấp, chỉ đạt khoảng 16-20% so với quy định Luật giao thông đường bộ.
Đồng thời hưa đa dạng phương thức kết nối vùng, chưa tận dụng tốt địa hình, địa lý để phát triển giao thông như đường thủy, nội địa, đường sắt, liên kết nội đô thị và liên kết vùng đô thị chủ yếu dựa trên hệ thống giao thông đường bộ; giao thông cá nhân chiếm tỉ trọng gần như tuyệt đối trong giao thông đô thị.
Bên cạnh đó, hệ thống các công trình hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, công viên cây xanh, sân chơi cho người dân còn thiếu, chỉ tiêu thấp hơn so với quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Hạ tầng chiếu sáng đô thị tại các đô thị trung bình và nhỏ chất lượng chưa cao. Tỉ lệ cây xanh đô thị Việt Nam chỉ bằng 1/5 trung bình thế giới, thấp hơn nhiều so với các nước có đô thị phát triển. Hệ thống các công trình hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, công viên cây xanh, sân chơi cho người dân còn thiếu, chỉ tiêu thấp hơn so với quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Gây nhức nhối nhất phải kể đến tình trạng ngập úng đô thị thường xuyên xảy ra, kể cả đối với đô thị miền núi. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị còn nhiều hạn chế, mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thoát nước đô thị, tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý tại đô thị chỉ đạt khoảng 13%.
Đa phần các nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động dưới công suất 50% công suất thiết kế và xây dựng. Xử lý chất thải rắn đa số vẫn bằng phương pháp chôn lấp, có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường.
“Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, cho đến nay hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu. Chưa hình thành được hệ thống hạ tầng khung thống nhất và đồng bộ liên kết giữa các vùng”, Phó Ban Kinh tế Trung ương khẳng định.
Về vấn đề phát triển đô thị thông minh, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, các nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị thông minh cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế rõ nét trong các góc độ.
Thứ nhất, thiếu cảnh báo sớm để hạn chế các thiệt hại, thiên tai, bão lũ, cũng như đề xuất các khuyến nghị, giải pháp, các vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Thứ hai, những nỗ lực để kiểm soát và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đô thị như cây xanh, mặt nước tự nhiên, nỗ lực để đô thị xanh hơn, sạch hơn, đáng sống hơn, bền vững hơn chưa nhiều.
Thứ ba, các giải pháp để đa dạng hóa nguồn lực cho thực hiện các ý tưởng, sáng kiến, nỗ lực xây dựng và phát triển đô thị thông minh chưa nhiều, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực từ ngân sách.
Chính phủ đã vào cuộc, đô thị hoá phải gắn với chuyển đổi số
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị thông minh cũng nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW vào đầu năm 2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, trong Nghị quyết 06 Chính phủ cũng đã nêu ra loạt giải pháp cụ thể như đầu tư tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long; Tăng cường khai thác sử dụng hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm đô thị, không gian đa chức năng của đô thị; xây dựng, thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số đồng bộ tại các đô thị tương đương với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; Cấu trúc lại hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; Nâng cấp, cải tạo, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội hiện đại tại đô thị và mạng lưới cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội.
Nghị quyết 06 của chính phủ cũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ "đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh".
Trước đó, ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Trên thực tiễn, đến nay, cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Về triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, có khoảng gần 40 tỉnh, thành phố đã triển khai phát triển một số dịch vụ về đô thị thông minh; 17/63 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Thành Phong cho biết đã có 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số; 59/63 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về chuyển đổi số giai đoạn 05 năm.
Chỉ số cấp tỉnh đánh giá mức độ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đạt mức trung bình là 0,3 trên thang điểm tuyệt đối là 1. Trong 3 trụ cột nêu trên, trụ cột chính quyền số có chỉ số trung bình cao hơn so với trụ cột kinh tế số và xã hội số, do kế thừa những kết quả của tiến trình phát triển Chính phủ điện tử.
"Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, để phát triển và hình thành những đô thị thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Chia sẻ giữa việc chuyển đổi số với xây dựng đô thị thông minh, TS. Hán Minh Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Sgroup đã giới thiệu về hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị liên thông ứng dụng nền tảng GIS.
Với doanh nghiệp, hệ thống này cho phép khai thác, chia sẻ các thông tin pháp lý, thông tin quy hoạch xây dựng, đô thị. Hệ thống có thể cho phép các cá nhân, tổ chức, DN thực hiện thủ tục hành chính theo các cấp độ khác nhau như xin cấp phép xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch...
Đối với người dân, hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là cổng kết nối giữa người dân và chính quyền các cấp; hỗ trợ người dân tra cứu các thông tin về chính sách pháp luật, quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn; phản ánh kịp thời những vi phạm, bất cập, thúc đẩy người dân tham gia công tác quản lý đô thị .
Còn ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Chiến lược mạng lưới và đổi mới công nghệ của Viettel kiến nghị cần xem xét cơ chế chính sách chia sẻ, sử dụng các hạ tầng như điện, chiếu sáng để phát triển hạ tầng kết nối (4G/5G/IoT) cho các trạm siêu nhỏ bảo đảm vùng phủ sóng cho các công nghệ kết nối khác nhau.
Cùng với đó tiến hành quy hoạch nền tảng internet vạn vật (IoT) chung cho các ứng dụng tiện ích công như (điện, nước, bãi đỗ xe, giám sát không khí môi trường) đây là nền tảng để thu thập dữ liệu và điều khiển thiết bị.
Đại diện Viettel chia sẻ tập đoàn luôn sẵn sàng đồng hành cùng nhân dân và Chính phủ trên con đường hướng tới xây dựng đô thị thông minh, tiên tiến và phát triển ổn định.