Một video được lan truyền trên mạng cho thấy sĩ quan mặc thường phục đang tháo gỡ thiết bị camera trong một phòng khách sạn, mà nguồn tin từ Al Jazeera cho biết nằm tại phía Đông Jerusalem.
Văn phòng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đóng cửa kênh truyền hình này trong thời gian cuộc chiến tại Gaza tiếp diễn với lý do an ninh quốc gia.
Al Jazeera khẳng định, quyết định này là “hành động tội phạm” và cáo buộc cho rằng kênh truyền hình này đe dọa nền an ninh của Israel là “một lời nói dối nguy hiểm và lố bịch” khiến các nhà báo gặp nguy hiểm.
Cơ quan này đã tuyên bố có quyền “thực hiện mọi biện pháp pháp lý phù hợp”.
Kênh truyền hình này đã chỉ trích chiến dịch của Israel tại Gaza, nơi kênh truyền hình này đã có mặt và báo cáo về các tin tức chiến tranh.
Sau khi chính phủ nhất trí bỏ phiếu thuận, trên mạng xã hội, ông Netanyahu đã viết: “Kênh truyền hình mang tính xúi giục Al Jazeera sẽ ngừng hoạt động tại Israel”.
Một tuyên bố của chính phủ được đưa ra cho biết, Bộ trưởng Bộ truyền thông đã ký sắc lệnh “hành động ngay lập tức”, nhưng ít nhất một nhà lập pháp ủng hộ lệnh yêu cầu ngừng hoạt động này cho biết Al Jazeera vẫn có thể phản đối yêu cầu này tại tòa án.
Tuyên bố của chính phủ cho biết, bên cạnh việc đóng cửa văn phòng của Al Jazeera tại Israel, sắc lệnh này sẽ cho phép tịch thu thiết bị phát sóng, loại bỏ kênh này khỏi các công ty truyền hình cáp và vệ tinh và chặn website của cơ quan này. Tuyên bố không nhắc tới chi nhánh Gaza của Al Jazeera.
Các nhà cung cấp truyền hình cáp và vệ tinh của Israel đã ngừng các chương trình phát sóng của Al Jazeera sau khi chính phủ nước này ban sắc lệnh.
Hiện chưa có tuyên bố chính thức từ chính phủ Qatar về vụ việc này.
Kênh truyền hình Al Jazeera trong tháng vừa rồi đã phàn nàn về “một loạt các vụ tấn công có tổ chức từ phía Israel nhằm bịt miệng Al Jazeera”.
Cơ quan này khẳng định Israel cố tình tấn công và sát hại nhiều nhà báo của họ, bao gồm Samer Abu Daqqa và Hamza al-Dahdooh, hai phóng viên thiệt mạng tại Gaza trong cuộc xung đột. Israel đã khẳng định không tấn công nhằm vào phóng viên.
Qatar đã thành lập Al Jazeera vào năm 1996 và coi cơ quan này là một phương pháp cải thiện sự hiện diện quốc tế của mình.
Trong một tuyên bố, Al Jazeera cho biết: “Cơ quan Truyền thông Al Jazeera kịch liệt lên án và tố cáo hành vi vi phạm nhân quyền và quyền tiếp cận thông tin cơ bản này. Al Jazeera tiếp tục khẳng định quyền cung cấp thông tin tới khán giả toàn cầu”.
Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng đã chỉ trích quyết định buộc ngừng hoạt động này.
Trên X, văn phòng này viết: “Chúng tôi cảm thấy thất vọng về quyết định yêu cầu đóng cửa chi nhánh Al Jazeera tại Israel. Một cơ quan truyền thông độc lập và tự do có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo minh bạch và trách nhiệm. Nhất là trong thời điểm này khi có nhiều giới hạn gắt gao về hoạt động báo cáo thông tin từ Gaza. Quyền tự do ngôn luận là một phần vô cùng quan trọng của nhân quyền. Chúng tôi hối thúc chính phủ Israel rút lại lệnh cấm này”.
Quốc hội Israel trong tháng vừa rồi đã phê chuẩn một bộ luật cho phép tạm đóng cửa các cơ quan truyền thông nước ngoài bị coi là mối đe dọa cho nền an ninh quốc gia tại Israel.
Bộ luật này cho phép ông Netanyahu và văn phòng an ninh của ông đóng cửa văn phòng của các hãng truyền thông trong vòng 45 ngày, một khung thời gian có thể được kéo dài, cho phép kéo dài tới cuối tháng 7 hoặc tới khi chấm dứt hoạt động quân sự tại Gaza.
Qatar, nơi nhiều quan chức của Hamas đặt trụ sở, đang cố gắng làm trung gian cho thương lượng về thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin để có thể tạm ngừng cuộc chiến tại Gaza.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)