Cùng thời điểm đó, một số khu vực tại Nga, bao gồm Kursk và Belgorod, cũng đang phải hứng chịu một số cuộc tấn công mà các quan chức Nga cho rằng chính phủ Ukraine đứng đằng sau. Tuy nhiên, chính quyền Kyiv phủ nhận các cáo buộc liên quan trực tiếp tới những cuộc tấn công này.
Cuộc tấn công tại Kyiv: Trong thứ Sáu, thị trưởng thành phố Kyiv cho biết “một loạt các UAV (Unmanned Aerial Vehicle - Phương tiện bay không người lái) đã tấn công Kyiv” và “hệ thống phòng không đang hoạt động hiệu quả”. Những bình luận này được đưa ra sau khi Nga tổ chức một cuộc tấn công tên lửa nhằm vào thành phố Kyiv ngày trước đó. Vụ tấn công khiến ba người tử vong khi đang vào hầm trú ẩn, trong đó có một bé gái 9 tuổi.
Các cuộc tấn công tại Nga: Bên cạnh đó, trong ngày qua, một loạt các cuộc tấn công đã xảy ra tại các vùng ven biên giới Nga bao gồm khu vực thành phố Belgorod. Theo các cáo buộc từ phía thống đốc khu vực này, lực lượng Ukraine đứng đằng sau các cuộc tấn công. Đồng thời, thống đốc vùng Kursk hôm thứ Sáu cho biết, nhiều máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn hạ tại khu vực này, và ông đã ra sức trấn an các công dân sinh sống tại đây.
Phong trào bất đồng chính kiến tại Nga: Trong thứ Năm vừa rồi, một nhóm các phiến quân chống ông Putin đã tham gia chiến trận trên lãnh thổ Nga, tuy nhiên quân đội Nga đã bác bỏ những khẳng định này. Một nhóm tương tự cũng cho biết đang “ở cạnh biên giới” Nga. Cả hai nhóm này đều liên quan tới lực lượng quốc phòng Ukraine, tuy nhiên, Phó Bộ trưởng Bộ ngoại giao của Ukraine đã khẳng định với CNN, quốc gia này “không chịu trách nhiệm” về các nhóm đang “tự hoạt động tùy ý”.
Thương vong của Nga: Một phát ngôn viên của Lực lượng Miền Đông thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine khẳng định, khoảng 208 ngàn binh lính Nga đã thiệt mạng kể từ đầu cuộc chiến. Tuy nhiên, CNN chưa thể xác minh khẳng định này, và Bộ Quốc phòng Nga cũng chưa đưa ra cập nhật con số thương vong kể từ tháng 9 năm 2022. Vào thời điểm đó, Bộ này khẳng định, con số thương vong của phía Nga chưa tới 6.000.
Tiến triển tại NATO: Việc Thụy Điển và Ukraine có thể sẽ gia nhập liên minh quân sự này đã là điểm chú ý hàng đầu tại một cuộc họp không chính thức giữa các ngoại trưởng thuộc khối NATO trong thứ Năm vừa rồi. Các quan chức của NATO mong muốn tiếp nhận Thụy Điển làm thành viên của NATO trước ngày 11 tháng 7, tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary liên tục từ chối phê chuẩn yêu cầu này. Chủ tịch NATO chia sẻ với CNN, khối này không thể tiếp nhận Ukraine với tư cách thành viên chính thức trong khi chiến sự vẫn đang diễn ra, nhưng sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tới chính quyền Kyiv và đề ra lộ trình đưa Ukraine gia nhập khối này sau khi cuộc chiến kết thúc.
Nguyễn Quang Minh (Theo CNN)