Như báo Người Đưa Tin đã đăng tải trước đó, xóm Hồng Sơn, xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An có hơn 150 hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thổ. Đặc biệt, các ngôi nhà chủ yếu dựa lưng vào chân núi, trong đó có hàng chục gia đình ở ngay sát mỏ đá Thung Mây.
Theo quan sát, ngôi nhà dân cách mỏ đá gần nhất khoảng 150m, phía trên là hàng vạn tấn đá, còn phía dưới là nương vườn và khu canh tác hoa màu của người dân.
Được biết, công ty TNHH Hoàng Danh được bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) cấp giấy phép khai thác đá tại mỏ Thung Mây từ ngày 20/2/2009, với diện tích khai thác khoảng 18ha.
Sau khi được cấp phép, đơn vị này tiến hành các thủ tục xây dựng cơ bản mỏ, sau đó bắt tay vào tiến hành khai thác cho đến nay. Như vậy, đã gần 10 năm trôi qua, người dân xóm Hồng Sơn phải chịu đựng những hệ lụy từ việc khai thác đá của doanh nghiệp này.
Mặc dù công ty khai thác đã làm bờ kè bằng đá hộc lắp ghép, thế nhưng nếu chẳng may hàng chục khối đá đổ xuống thì bức tường chắn này không thể nào giữ nổi.
Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, việc khai thác này đã tác động đến kinh tế của người dân. Nguyên nhân là do công ty TNHH Hoàng Danh còn tiến hành đổ đất, đá thải xuống vực phía bên trái của mỏ này. Hàng vạn khối đất, đá được đổ nham nhở bao quanh cả một vùng đất rộng lớn khiến cho khu vực Thung Mây trông chẳng khác nào một bãi chiến trường.
Đến mùa mưa, nước từ phía trên chảy xuống cuốn trôi theo số đất, đá thải, gây ách tắc dòng chảy cũng như lấp một số diện tích đất tại khu vực này. Bột đá khiến đập nước sinh hoạt của người dân gần đó có màu trắng đục, một số đoạn đã bị vùi lấp, cạn trơ đáy.
“Phía công ty có đền bù phần đất phía dưới mỏ cho dân để làm bãi thải, còn phần tiếp nối với ruộng vườn thì dùng đá đắp thành một cái kè. Tuy nhiên vẫn không thể ngăn được dòng chảy của nước mưa. Dẫn đến việc con khe chảy từ núi xuống đã bị “vôi hóa” vì đá bột”, bà Lang Thị Thanh, người dân địa phương cho hay.
Theo đó, đập xóm Hồng Sơn chứa nguồn nước tưới cho diện tích đất nông nghiệp của vùng và là nguồn nước sinh hoạt cho bà con ở đây. Thế nhưng nhiều năm nay, hồ chứa nước của làng chỉ còn là bãi cỏ chăn thả trâu bò.
Ngoài ra, dàn xe chở đá của đơn vị này cũng bị người dân lên tiếng phản đối vì có nhiều xe chở quá tải, khi lưu thông trên các tuyến đường đã gây bụi bặm và có nguy cơ gây tai nạn cao. Cả một vùng rộng lớn bao trùm bụi đá, tình trạng ô nhiễm môi trường đang đe dọa khu vực này.
Được biết, năm 2012, công ty TNHH Hoàng Danh đã phải đền bù cho người dân 120 triệu đồng do nổ mìn gây nứt nhà cửa. Ngoài ra, sau một số lần nổ mìn khiến đá rơi vỡ ngói cũng được công ty thống nhất sửa chữa cho người dân.
Tuy nhiên, cũng dựa vào đó mà công ty này càng đẩy mạnh hoạt động khai thác đá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của bà con.
Trao đổi về sự việc, ông Nguyễn Bá Mão, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ, xác nhận việc nổ mìn đã khiến một số nhà cửa bị nứt nẻ và nhiều lần đá văng gây vỡ ngói nhà dân.
“Vấn đề nổ mìn gây chấn động trước đây là có, ngay sau đó phía công ty cũng đã đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Thế nhưng, từ đó đến nay không thấy người dân có phản ánh mới nữa”, ông Mão nói.
Còn việc gây ô nhiễm môi trường sống, bột đá khiến dòng suối bị cạn nước thì ông Mão cho biết chính quyền địa phương chưa thể kết luận về việc này, mà phải do phòng TN&MT và sở TN&MT thẩm định.
Thậm chí, UBND xã Tân Hợp cũng chưa kiểm tra độc lập mỏ đá này lần nào, mà chỉ phối hợp cùng các phòng chức năng của UBND huyện Tân Kỳ.
Ông Mão cho hay, cái khó của chính quyền địa phương là không thể xử lý mỏ đá do “cấp trên” cấp phép. Tuy nhiên, UBND xã cũng đã làm báo cáo và sắp tới, đoàn liên ngành sẽ vào cuộc để kiểm tra toàn diện mỏ đá.