Chính quyền ông Obama đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tay Nga như thế nào?

Chính quyền ông Obama đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tay Nga như thế nào?

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Thứ 2, 26/12/2016 13:00

Việc quan chức Thổ Nhĩ Kỳ ngồi lại với các nhà lãnh đạo Iran và Nga để giải quyết vấn đề Syria khiến bộ máy chính sách đối ngoại của Washington không hề vui vẻ.

Theo Washington Post, cảnh tượng Nga – Thổ Nhĩ Kỳ - Iran cùng ngồi họp tại Moscow về vấn đề Syria không chỉ là một bước ngoặt đối với cuộc khủng hoảng tại đất nước Trung Đông mà còn cho Mỹ thấy một bức tranh ảm đạm: đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ đã rời xa Washington để đi về phía Moscow.

Tiêu điểm - Chính quyền ông Obama đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tay Nga như thế nào?

 Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xích lại gần nhau hơn và đứng cùng chiến tuyến trong việc giải quyết vấn đề Syria. 

Chuyên gia bình luận Josh Rogin của tờ Washington Post cho rằng vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần trước dường như có mục đích chia rẽ mối quan hệ giữa Ankara và Moscow nhưng kẻ giết người không đạt được mục đích đó. Tuy nhiên, việc Nga – Thổ Nhĩ Kỳ nối lại liên minh không phải điều bất ngờ đối với giới quan sát.

“Việc Thổ Nhĩ Kỳ dần tách khỏi các liên minh khu vực Đại Tây Dương và xích lại gần phía Nga và Iran đã có dấu hiệu từ lâu. Đối với ông Erdogan, Mỹ đã trở nên không thích hợp với những chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi tại khu vực Trung Đông, Washington nói nhiều hơn là hành động”, ông Aykan Erdemir, một cựu thành viên Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Cuộc họp 3 bên giữa Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tại Moscow diễn ra sau một thời gian dài. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cũng có nhiều cuộc đàm phán nhưng không đạt được kết quả tích cực nào. Ông Lavrov tuyên bố rằng thiết chế mới do Nga dẫn đầu mới giúp Syria tiến về phía trước. Trong khi đó, những thiết chế mà Washington lãnh đạo không thực hiện được bất kỳ sáng kiến nào.

Ông Lavrov tuyên bố rằng 3 bên đều đồng ý việc thay đổi chế độ ở Syria không phải là mục tiêu ưu tiên, sau đó ông đọc một tuyên bố chung từ 3 vị ngoại trưởng về tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chủ nghĩa đa nguyên chính trị ở Syria, cùng với đó là việc chống chủ nghĩa khủng bố.

“Tuyên bố này khá gây sốc. Nó hoàn toàn đối lập với những điều mà Thổ Nhĩ Kỳ từng nói về Syria từ năm 2011. Qua đó có thể thấy Ankara đang dần chấp nhận ông Assad”, ông Erdemir nói.

Trong nhiều năm liền, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng hợp tác với chính quyền Tổng thống Obama về vấn đề Syria nhưng đều thất bại. Giới chức Mỹ cố gắng ký kết một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thành lập một mặt thống nhất chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và hỗ trợ phe đối lập Syria, nhưng đều không thành, chủ yếu do Nhà Trắng lưỡng lự với đề xuất thiết lập vùng cấm bay ở phía bắc Syria và gây thêm áp lực cho chính quyền ông Assad.

Căng thẳng tiếp tục giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ khi Lầu Năm Góc quyết định hỗ trợ cho một nhóm gọi là Lực lượng Dân chủ Syria, chủ yếu gồm các chiến binh người Kurd Syria, lực lượng mà Ankara coi là có liên hệ chặt chẽ với khủng bố người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc người Kurd kiểm soát phía bắc Syria khiến Ankara phải can thiệp quân sự do sợ lực lượng này sẽ liên kết với người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ tạo thành một nhà nước người Kurd ở biên giới 2 nước.

Do Washington không thấu hiểu lo ngại trên của Thổ Nhĩ Kỳ nên Ankara đã tìm kiếm sự chấp thuận ngầm từ Nga, đồng thời, tới tháng 10/2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ngừng phản đối những hành động của Nga ở Aleppo. Kể từ đó, sự hợp tác giữa Ankara và Moscow càng tiến triển tích cực hơn.

“Người Thổ Nhĩ Kỳ quan sát tình hình và tự nói với nhau rằng 'Chính quyền này (chính quyền Obama) không muốn giải quyết vấn đề Syria. Chúng ta sẽ chờ đợi chính quyền (Washington) tiếp theo. Trong khi đó, thử tìm cách giải quyết với Nga xem sao'. Tất cả mọi người đều thấy rằng chính quyền ông Obama đã bất lực”, ông Andrew Tabler, chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu chính sách Cận Đông Washington nhận định.

Theo phía Nga, bước tiếp theo là chính phủ Syria và một số thành viên của phe đối lập sẽ gặp nhau tại Kazakhstan và bàn luận về những thỏa thuận ngừng bắn. Mỹ cũng không được mời tham gia vào tiến trình trên.

Dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định ông Kerry cảm thấy “không có vấn đề gì” khi số phận Syria được quyết định mà không có sự tham gia của Mỹ nhưng rõ ràng Washington đang dần mất một đồng minh NATO về tay Nga.

Chính quyền Obama dường như không còn kế hoạch tái khẳng định ảnh hưởng của mình ở Trung Đông và cũng không có bất kỳ ý định nào muốn “cứu vãn” quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều khả năng chính quyền Donald Trump sắp tới sẽ chấp nhận một tiến trình ngoại giao do Nga dẫn đầu ở Syria nhưng có thể khi đó Mỹ sẽ không chấp nhận sự tan vỡ của mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây, Washington Post kết luận.

Xem thêm: Tổng thống Nga Putin kể về giai đoạn cuối giải phóng Aleppo

Danh Tuyên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.