Ngày 30/8, Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban, nhằm đánh giá công tác người cao tuổi 8 tháng đầu năm 2024 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm.
Theo dữ liệu dân cư quốc gia, cả nước hiện có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi chiếm trên 16% dân số. Trong đó, có khoảng 2,6 triệu người trên 80 tuổi, hơn 9 triệu người cao tuổi là nữ, 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn.
Nhiều chính sách dành cho người cao tuổi
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành 9 luật có liên quan đến người cao tuổi. Đặc biệt, Luật Bảo hiểm xã hội được ban hành đã quy định người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Chính phủ ban hành hơn 10 nghị định, trong đó có Nghị định 76 ngày 1/7/2024 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội là 500.000 đồng/tháng (khoảng 1,5 triệu người cao tuổi được tăng mức trợ cấp), Nghị định 75 ngày 30/6/2024 về điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng (khoảng 2,7 triệu người cao tuổi được tăng lương lưu)…
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 2,7 triệu người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, hơn 14,6 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Hiện toàn quốc còn 275.000 người cao tuổi đang tiếp tục tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu trong thời gian tới.
Năm 2014, có 17 tỉnh, thành phố hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho đối tượng người cao tuổi trên dịa bàn từ nguồn ngân sách địa phương với mức hỗ trợ từ 30-100%.
Theo đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, một trong những điều cần thiết nhất với người cao tuổi là "bụng được no", tức là được hưởng trợ cấp xã hội và có bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe. Đại biểu đề xuất cần có chính sách để có thêm các đối tượng người cao tuổi được hưởng các chế độ này.
Ông Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV cho biết, 6 tháng đầu năm, các cấp Hội tại địa phương đã thăm hỏi, tặng quà cho trên 1 triệu người cao tuổi với tổng số tiền trên 287 tỷ đồng.
Hội đã phối hợp với ngành y tế, vận động các đơn vị, nhà hảo tâm tổ chức các đợt khám chữa bệnh, thực hiện Chương trình mắt sáng, tặng máy huyết áp cho người cao tuổi; hướng dẫn thực hiện quy trình theo dõi, thăm khám sức khỏe, lập hồ sơ chăm sóc ban đầu cho người cao tuổi; đề xuất hỗ trợ để tăng tỉ lệ người cao tuổi có thẻ Bảo hiểm y tế.
Đến nay có 9.950 xã, phường, thị trấn thành lập Quỹ toàn dân chăm sóc người cao tuổi và Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò người cao tuổi cơ sở.
Ông Trương Xuân Cừ đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam hướng dẫn các địa phương thành lập hội người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện thống nhất trên toàn quốc theo Kết luận số 58 của Ban Bí thư.
Hội người cao tuổi đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương và phê duyệt Đề án "người cao tuổi tham gia khởi nghiệp, tạo việc làm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh" do Trung ương Hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trình.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp, chính sách hỗ trợ người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số, biện pháp tạo việc làm khi mà nhu cầu việc làm đối với người cao tuổi rất lớn.
Chính sách đón đầu xu hướng già hóa dân số còn chưa kịp thời
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao kết quả mà các bộ, ngành, cơ quan, Hội người cao tuổi Việt Nam đã đạt được thời gian qua trong thực hiện các chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước chăm lo cho người cao tuổi.
Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta ngày càng có điều kiện thực hiện tốt hơn chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi. Chính sách của chúng ta ngày càng rõ, tương đối đầy đủ dành cho người cao tuổi.
Có khá nhiều chương trình, đề án mà các cơ quan, theo nhiệm vụ được phân công, hay từ sáng kiến của mình, đã thực hiện. Lượng hóa các chính sách hỗ trợ, Phó Thủ tướng lấy ví dụ, vừa qua mức chuẩn trợ giúp xã hội đã được tăng lên 500.000 đồng/tháng, tăng gần 40% so với mức cũ.
Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong công tác người cao tuổi. Đời sống của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn. Các chính sách đón đầu xu hướng già hóa dân số còn chưa kịp thời. Nguồn lực còn hạn chế.
Phó Thủ tướng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các bộ, cơ quan, Hội người cao tuổi liên quan đến các nhiệm vụ phải tập trung thực hiện từ nay đến hết năm 2024, làm sao có kết quả lượng hóa được, đồng thời, nghiền ngẫm, nghiên cứu các chính sách lâu dài đối với người cao tuổi.
Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược quốc gia về người cao tuổi, phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2024.
Trong đó, cần lưu ý các giải pháp, chính sách đối với tình trạng già hóa dân số; chính sách việc làm cho người cao tuổi. Đề án do Hội người cao tuổi đề xuất (về khởi nghiệp, tạo việc làm) chỉ là một việc cụ thể, còn về lâu dài, cần tính toán đưa vào Chiến lược.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần nỗ lực bảo đảm đời sống cho người cao tuổi, như đại diện BHXH phát biểu, để làm sao "bụng thì phải no, ốm đau có người chăm sóc".
Bộ Nội vụ quan tâm xử lý các kiến nghị của Hội người cao tuổi về thành lập Hội người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện trên toàn quốc theo Kết luận số 58 của Ban Bí thư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Hội người cao tuổi trong xây dựng Đề án "người cao tuổi tham gia khởi nghiệp, tạo việc làm, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh".
Bộ Y tế tăng cường triển khai các đề án dành cho người cao tuổi, trong đó, phối hợp với Hội người cao tuổi, cơ quan liên quan, ngân hàng, nhà tài trợ triển khai Chương trình nhân đạo "Mắt sáng cho người cao tuổi".
Các bộ, ngành, tích cực chủ động thực hiện chương trình chăm lo cho người cao tuổi. Các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường tuyên truyền về truyền thống chăm lo, bảo vệ người cao tuổi; phát hiện, lên án các hành vi đối xử không phải với người cao tuổi.
Các tỉnh, thành phố kiện toàn tổ chức Hội người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện trên cơ sở Kết luận 58 của Ban Bí thư, quan tâm dành kinh phí chăm lo đời sống của người cao tuổi. Trung ương luôn khuyến khích các đồng chí làm càng nhiều càng tốt các chương trình cụ thể dành cho người cao tuổi như chúc thọ, mừng thọ, thăm hỏi hay các hoạt động, sáng kiến khác, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng đề nghị xây dựng cơ chế hoạt động mới của Ủy ban quốc gia về người cao tuổi Việt Nam.