Đẩy nhanh tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia
Chiều 8/1, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thứ trưởng Bố Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo ông Phương, tại Nghị quyết số 108 của Quốc hội về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Trong đó, đã giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện một số cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Qua đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2021 - 2023, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân vốn sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp do cơ chế giao chi thường xuyên ngân sách Trung ương cho các địa phương chi tiết đến dự án thành phần, lĩnh vực chi nhưng không có cơ chế cho các địa phương được thực hiện điều chỉnh, dự toán kế hoạch (đặc biệt là điều chỉnh vốn được kéo dài).
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này của các địa phương, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bố Kế hoạch và Đầu tư, hiện tại Chính phủ và các bộ, ngành chưa nhận được đề xuất, kiến nghị của các địa phương liên quan đến thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Do vậy, chưa có đầy đủ cơ sở để tổng hợp, đề xuất cơ chế đặc thù, thí điểm xử lý các vấn đề liên quan đến thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước ngay tại Hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 1 năm 2024.
Theo ông Phương, qua rà soát, nội dung kết luận xử lý tài chính đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia của Kiểm toán Nhà nước tập trung vào xử lý các khoản chi đã chi sai đối tượng, hoặc chi sai nội dung của từng chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các khoản chi không rõ nhiệm vụ, hoặc không gắn với nhiệm vụ; các khoản chi chưa thực hiện, bị hủy dự toán, cần nộp trả ngân sách Trung ương theo quy định;
Các khoản chi nộp thuế giá trị gia tăng đã được giảm theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội; các khoản chi của ngân sách địa phương.
Do vậy, Chính phủ chưa có cơ sở để đề xuất cơ chế đặc thù, khác quy định của pháp luật hiện hành để xử lý các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Ông Phương cho rằng, để có đầy đủ cơ sở xây dựng, đề xuất giải pháp khả thi, đảm bảo kỷ luật kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, Chính phủ kiến nghị chưa báo cáo Quốc hội xem xét cơ chế thí điểm xử lý kiến nghị của các địa phương liên quan đến thực hiện các kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại Kỳ họp tháng 1/2024.
Sau khi tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các địa phương, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước về 3 chương trình mục tiêu quốc gia và đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách xử lý các vấn đề vướng mắc trong thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (nếu có) tại Kỳ họp Quốc hội gần nhất.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm cho biết, về các cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia quy định tại Điều 4, tại khoản 1 của Điều này, Hội đồng Dân tộc cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ tại điểm a, b và c, nhưng đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc xác định bảo đảm tổng nguồn là căn cứ quan trọng để các địa phương có sơ sở thực hiện.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung, viết rõ hơn: “Căn cứ vào tình hình thực tiễn địa phương được phép điều chỉnh, phân bổ lại dự toán, kế hoạch vốn từ năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài sang năm 2024, mà không nhất thiết căn cứ vào kế hoạch, danh mục dự án đã được duyệt trước đây”.
Để tránh tùy tiện trong phân bổ lại ở các địa phương, cần bổ sung quy định nguyên tắc tỉ lệ phân bổ nhất định dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, các hoạt động phát triển sản xuất và an sinh xã hội khác (ví dụ tỉ lệ 50%/50%). Quy định này sẽ kiểm soát bảo đảm chương trình mục tiêu quốc gia đi đúng nguyên tắc, công bằng giữa các địa phương.
Liên quan đến giải trình các nội dung liên quan đến kết luận kiểm toán, ông Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết, đây là nội dung tại Nghị quyết số 108, Quốc hội giao Chính phủ đề xuất cơ chế thí điểm xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán nhà nước...
Tại Tờ trình này, Chính phủ báo cáo chưa nhận được đề xuất của các địa phương nên chưa có cơ sở để tổng hợp, đề xuất cơ chế đặc thù về nội dung này.
Hội đồng Dân tộc thống nhất với một số ý kiến tham gia thẩm tra và đề xuất của Chỉnh phủ, cần tiếp tục rà soát, thận trọng khi chưa đầy đủ cơ sở thì chưa đề xuất cơ chế, xử lý nội dung này.