Chính sách dân số không thể giống “bao diêm Thống Nhất”

Chính sách dân số không thể giống “bao diêm Thống Nhất”

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 5, 12/10/2017 09:20

“Với phương án 3 “cho đẻ thoải mái” mà bộ Y tế đưa ra, khả năng sẽ “bùng nổ dân số” trở lại, nhất là ở khu vực nông thôn. Chính sách dân số không thể giống nhau như “bao diêm Thống Nhất” trong thời kỳ tỉnh nào cũng có mức sinh cao”, GS.TS Nguyễn Đình Cử lo ngại.

Bộ Y tế vừa đưa ra 3 phương án đề xuất về chính sách dân số, trong đó có tính đến phương án “nới lỏng” để các cặp vợ chồng được sinh thoải mái. Xung quanh đề xuất này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng viện Dân số và các vấn đề xã hội, trường đại học Kinh tế quốc dân.

PV: Thưa ông, trong 3 phương án bộ Y tế đề xuất có tính đến việc nới lỏng chính sách dân số để các cặp vợ chồng được tự quyết định số con. Với phương án đó, liệu có bùng nổ dân số trở lại?

GS.TS Nguyễn Đình Cử: Cho đến nay, 2/3 dân số nước ta vẫn sống ở nông thôn. Đa số lao động là nông dân, không lương hưu, vẫn cần đến con khi làm ruộng và phải dựa vào con khi tuổi già.

Văn hóa Việt Nam đề cao giá trị gia đình và con cái, nhất là con trai. Vì vậy, theo phương án 3 “cho đẻ thoải mái, không vận động, không cấp phương tiện tránh thai miễn phí (hiện một nửa cấp miễn phí), khả năng “bùng nổ dân số” trở lại, nhất là khu vực nông thôn có nguy cơ xóa những nỗ lực giảm sinh của chúng ta suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Hiện nay, trên thế giới chỉ có 4 nước dân số đông hơn và mật độ dân số cao hơn Việt Nam là: Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines và Bangladesh. Năm 2016, mật độ dân số của Việt Nam đã lên tới 280 người/km2, trong khi đó, thế giới chỉ 57 người/km2, Trung Quốc: 146 người/km2, Nga 9 người/km2, Mỹ: 35 người/km2... Mật độ cao hơn nữa sẽ gây khó cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam.

Xã hội - Chính sách dân số không thể giống “bao diêm Thống Nhất”

GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng viện Dân số và các vấn đề xã hội. (Ảnh VOV).

PV: Vậy theo ông, phương án nào khả thi trong bối cảnh hiện nay?

GS.TS Nguyễn Đình Cử: Phương án 3 rất dễ xảy ra tình trạng bùng nổ dân số trở lại nhưng nếu thực hiện phương án 2: “Tiếp tục chính sách sinh ít hơn 2 con, khẩu hiệu mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con, nhằm tiếp tục giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số” thì kinh nghiệm các nước đã phát triển cho thấy, mức sinh “lao dốc” đến có thể không vực lên được.

Hậu quả của mức sinh thấp kéo dài sẽ là dân số giảm; tỉ lệ người cao tuổi đến 50-60%; hội chứng 4-2-1 (4 ông bà (nội, ngoại), 2 bố mẹ, chỉ có 1 con) rất nặng nề đối với giới trẻ. Khi tuổi thọ trung bình tăng lên tới 80 và hơn nữa, mỗi gia đình có 4 thế hệ thì không chỉ là hội chứng 4-2-1 mà có thể là 8-4-2-1!

Nhiều quốc gia đang phải “vật lộn” giải quyết hậu quả mức sinh thấp, kể cả bỏ ra hàng tỷ đô-la để hỗ trợ gia đình trẻ, nới lỏng nhập cư và nhập khẩu lao động nhưng cũng không có hiệu quả đáng kể.

Phương án 1 được đề xuất là: “Duy trì mức sinh như hiện nay càng lâu càng tốt; thực hiện thông qua vận động mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con mà không quy định thành luật với chính sách linh hoạt. Với những địa phương đang sinh nhiều con (hơn 3 con) tiếp tục vận động sinh ít đi để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn. Những nơi tỉ lệ sinh thấp (khu vực Đông Nam Bộ) phải vận động nâng mức sinh”.

Theo phương án này, “mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con” vẫn là một trong những mục tiêu cốt lõi của chính sách dân số nhưng không cần thiết quy định trong luật pháp mà chỉ cần tuyên truyền, vận động.

Thực tế ở nước ta cho thấy, gia đình 2 con tạo điều kiện nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống. Trẻ em được phát triển nhân cách hài hòa trong các mối quan hệ gia đình đầy đủ. Mục tiêu này cũng đảm bảo, dân số nước ta tăng thêm không đáng kể sau đó sẽ ổn định.

Trong điều kiện mức sinh khác biệt giữa các vùng, các tỉnh, để duy trì lâu dài kết quả “mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con”, chính sách cần linh hoạt. Điều này có nghĩa là mục tiêu, giải pháp có sự khác nhau giữ các nhóm tỉnh chưa đạt “mức sinh thay thế” và nhóm tỉnh đã đạt “mức sinh thay thế”.

Chính sách dân số không thể giống nhau như “bao diêm Thống Nhất” trong thời kỳ tỉnh nào cũng có mức sinh cao. Như vậy có thể nói, cả mục tiêu và giải pháp của phương án 1 đều chứa đựng những nhân tố hợp lý. Tuy nhiên, chính sách linh hoạt đến mức nào, giải pháp cho các tỉnh có mức sinh khác nhau cần được cụ thể, chi tiết hơn.

Như đã trình bày ở trên, các phương án 2 và 3 đều dẫn đến những hậu quả tiêu cực, nặng nề cho sự phát triển bền vững ở nước ta. Phương án 1 có nhiều điểm hợp lý và đáng được lựa chọn.

PV: Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Đình Cử: Mỗi đặc điểm của tình hình dân số gắn với những nguyên nhân khác nhau. Trước hết, mức sinh phụ thuộc vào chính sách dân số và trình độ phát triển của quốc gia. Trên thế giới và ngay ở Việt Nam, người ta nhận thấy, càng phát triển, mức sinh càng thấp.

Ở nước ta chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thống nhất trong cả nước nhưng trình độ phát triển (kinh tế, xã hội, môi trường) của các vùng, các tỉnh lại rất khác nhau. Do vậy, mức sinh cũng rất khác nhau.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh lại có nhiều nguyên nhân. Ở nhiều nơi, nếp nghĩ, quan điểm “trọng nam, khinh nữ” rất rõ ràng và cực đoan, vì thế đã hình thành tâm lý “ưa thích con trai” và khát vọng phải có con trai trong nhiều gia đình.

Hơn nữa, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp được coi là yếu tố cơ bản tác động đến “lựa chọn con trai”. Năng suất lao động khu vực nông nghiệp thấp nên cha mẹ thường không có tích luỹ để dành cho tuổi già, đại đa số không có lương hưu, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển nên khi hết khả năng lao động, cuộc sống chủ yếu phải dựa vào con, nhất là con trai.

Mức sinh thấp, “mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con” cũng dẫn đến việc lựa chọn giới tính thai nhi, kết quả dẫn đến mất cân bằng. Trước đây sinh đẻ tự nhiên, nhiều con nên vừa đáp ứng được nhu cầu có con trai, vừa cân bằng một cách tự nhiên tỷ số giới khi sinh. Nay chỉ sinh “một đến hai con” nên khả năng có được con trai giảm đi.

Đối với già hóa dân số, có hai nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp. Một là tuổi thọ được nâng cao, từ 44,4 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2009, do đó làm tăng số lượng người già trong xã hội, mức sinh giảm mạnh từ 7 con vào những năm 60, xuống khoảng 2 con, ngay những năm đầu của thế kỷ 21. Điều này làm số lượng và tỉ lệ trẻ em trong tổng dân số giảm, làm cho tỉ lệ người cao tuổi tăng lên. Đây sẽ là các nhân tố thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa quá trình già hoá dân số nước ta trong khoảng 10 – 20 năm tới.

PV: Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì trước những thách thức già hóa dân số?

GS.TS Nguyễn Đình Cử: Tác động của già hóa dân số đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững không phải là một trở ngại không thể vượt qua, nếu thực hiện được “3 dịch chuyển” đó là:

Giảm chi phí tiêu dùng của người cao tuổi nhờ vào việc bảo vệ sức khỏe, giảm bớt bệnh tật, do đó hạ thấp chi phí y tế của người cao tuổi.

Nâng cao tuổi thọ, nâng cao tuổi thọ khỏe mạnh và “tuổi hoạt động kinh tế” cũng được tăng lên. Như vậy, Nhà nước, xã hội, gia đình cần tạo điều kiện, mở rộng cơ hội (không nhất thiết phải tăng tuổi hưu) để người cao tuổi có thể tiếp tục làm việc theo sức của mình.

Đẩy nhanh quá trình dịch chuyển lao động theo hướng hiện đại, tăng cường đào tạo, nâng cao năng suất lao động; xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và hỗ trợ già hóa tích cực.

Người cao tuổi là một bộ phận dân cư ngày càng đông đảo. Đây là lực lượng lao động, một kho tàng kinh nghiệm đồng thời cũng có nhiều vấn đề về đời sống, sức khoẻ, tâm lý, xã hội ảnh hưởng mạnh mẽ tới tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.