Những đặc điểm bảo an mới bao gồm một dải ruy băng ba chiều màu xanh, một quả chuông và lôgô hình lọ mực mà nhà chức trách nói là rất khó làm giả.
Bên cạnh các tính năng mới, những đặc điểm bảo an truyền thống như bóng chìm chân dung và đường chỉ bảo an có thể chuyển hồng dưới tia cực tím vẫn được duy trì.
Bản thiết kế năm 2010 bị tạm hoãn vì "trở ngại nằm ngoài dự đoán trong quá trình in ấn."
Phiên bản mới của tờ bạc 100 đôla được cho là sẽ khó bị làm giả hơn phiên bản cũ rất nhiều
Đường ruy băng ba chiều màu xanh, vốn được dệt lên tờ bạc, chứa trong nó những số 100 được in chìm và có thể di chuyển lên xuống hoặc qua lại, tùy hướng người dùng nghiêng tờ bạc.
Bình luận về đặc điểm bảo an mới này, ông Chadwick Wasilenkoff, giám đốc điều hành hãng in tiền hàng đầu thế giới, Fortress Paper, nói với BBC: "Đây không chỉ là một sự tiến bộ nhỏ về vấn đề an ninh, đây là một bước tiến khổng lồ."
Nghiêng tờ bạc qua một bên cũng sẽ làm hiện lên một quả chuông màu xanh bên trong lôgô hình lọ mực màu đồng, nằm bên phải dải ruy băng màu xanh.
Bên cạnh đó, con số 100 ở góc phải cũng có thể chuyển từ màu đồng sang màu xanh.
Bản thiết kế mới, mang chân dung nhà lập quốc Benjamin Franklin, còn có những đường in chạm và những chữ được in nhỏ phải dùng kính phóng đại mới đọc được.
Tiền giả
Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ và Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã phải hợp tác hơn một thập niên trong quá trình hợp tác nghiên cứu và phát triển để có thể có được phiên bản mới của tờ bạc này, Cục Dự trữ Liên bang cho biết.
Sự phát triển của phần mềm in ấn và công nghệ sao chép, in ấn với độ phân giải cao đã giúp việc làm tiền giả trở nên dễ dàng hơn. Điều này cũng khiến các cửa hàng bán lẻ khó lòng phát hiện ra tiền giả hơn.
Nhà chức trách Mỹ nói tờ 100 đôla là tờ bạc bị làm giả nhiều nhất, tuy nhiên hiện vẫn chưa có con số chính xác về tổng giá trị số tiền giả đang lưu hành.
Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ ước tính tổng giá trị tiền giả trên thị trường chiếm khoảng 0,01% tổng số tiền mặt trị giá 1,1 nghìn tỷ đôla đang được lưu hành.
Cơ quan này cũng cho biết có khoảng 80,7 triệu đôla tiền giả lưu hành tại Mỹ trong năm 2012, và khoảng 14,5 triệu đôla khác được lưu hành ở nước ngoài.
Nhà chức trách nước này đã thu giữ khoảng 9,7 triệu đôla tiền giả trước khi chúng được lưu hành trong nội địa, và thu giữ khoảng 56,8 triệu đôla tiền giả khác ở nước ngoài trong năm 2012.
Ông Bruce Schneier, chuyên gia an ninh tại BT, nói với BBC: "Chính phủ phải đảm bảo tiền được in với số lượng cao, chi phí thấp, nhưng lại khó bị làm giả với số lượng nhỏ."
"Việc phải làm một thứ chỉ tốn hơn một đôla để sản xuất và tốn hơn 100 đôla để làm giả, là một vấn đề rất khó."
Theo BBC