Ngày 22/4, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Thông tư 04/2022/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2022.
Theo đó, tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, Bộ Giao thông Vận tải có một số thay đổi đáng chú ý về chương trình đào tạo lái xe ô tô.
Cụ thể, đối với hạng B1 (học xe số tự động): Giảm thời gian học thực hành trên sân tập lái từ 45 giờ xuống 41 giờ và tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông từ 20 giờ lên 24 giờ.
Đối với hạng B1 (học xe số cơ khí), hạng B2: Giảm thời gian học thực hành trên sân tập lái từ 45 giờ xuống 41 giờ và tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông từ 36 giờ lên 40 giờ.
Đối với hạng C: Giảm thời gian học thực hành trên sân tập lái từ 46 giờ xuống 43 giờ và tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông từ 45 giờ lên 48 giờ.
Ngoài ra, quy định mới còn cho phép cơ sở đào tạo kéo dài thời gian trang bị và sử dụng ca bin mô phỏng học lái xe để đào tạo lái xe ô tô đến ngày 31/12/2022 thay vì phải trang bị ngay từ 1/7/2022.
Sửa đổi hồ sơ đề nghị đổi giấy phép lái xe
Theo Thông tư 04/2022/TT-BGTVT, từ ngày 15/6/2022, hồ sơ đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp gồm:
Thứ nhất, đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo mẫu.
Thứ hai, giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp đổi giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3.
Theo quy định hiện nay, người có nhu cầu tách giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn không phải nộp giấy khám sức khỏe, nhưng từ ngày 15/6/2022 thì người có nhu cầu tách giấy phép lái xe có thời hạn và không thời hạn phải nộp giấy khám sức khỏe.
Thứ ba, bản sao giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Tuệ Minh