Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 12 Chương, với 115 Điều, gồm những quy định chung; chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tổ chức quản trị hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Một trong những điểm mới, nổi bật của Luật Hợp tác xã (sửa đổi) là đã thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20. Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã bổ sung quy định tại Chương II về các chính sách của Nhà nước phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, về thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Chương III), tại khoản 8 Điều 4 quy định liên hiệp hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 3 hợp tác xã là thành viên chính thức tự nguyện thành lập là phù hợp với quy định về vốn góp tối đa của mỗi thành viên liên hiệp hợp tác xã không quá 40% vốn điều lệ;
Trường hợp quy định liên hiệp hợp tác xã chỉ có 2 thành viên thì theo quy định chỉ góp tối đa được 80% vốn điều lệ, không bảo đảm góp đủ 100% vốn điều lệ của liên hiệp hợp tác xã.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và bổ sung các quy định về điều kiện tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trở thành thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, điều kiện đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có thành viên là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài, điều kiện về sáng lập viên, điều kiện về số lượng thành viên, điều kiện về phần vốn góp tối đa tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, do nội dung này có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi Phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, qua tổng hợp Phiếu xin ý kiến, kết quả như sau: 251/344 ý kiến đồng ý với Phương án 1 (72,97%), đề nghị không quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
93/344 ý kiến đồng ý với Phương án 2 (27,03%), đề nghị quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên
Trên cơ sở kết quả phiếu xin ý kiến, dự thảo Luật đã được tiếp thu và hoàn thiện theo Phương án 1 là ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội. Theo đó, bỏ quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại Điều 79 và một số điều khoản liên quan nhằm bảo đảm phản ảnh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là đối nhân, không phải đối vốn như doanh nghiệp, tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa hợp tác xã”, thao túng, chi phối của một số cá nhân, tổ chức đối với hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đặc biệt là đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.
Về thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Điều 81); góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp (Điều 82), tại Điều 81 và Điều 82 quy định về việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và giao Chính phủ quy định điều kiện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập doanh nghiệp, điều kiện góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp theo chủ trương tại Nghị quyết số 20. Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 81 quy định trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập doanh nghiệp thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
Hợp đồng, giao dịch giữa hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và doanh nghiệp được thành lập phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với chủ thể pháp lý độc lập.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 82 quy định trường hợp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, cổ đông của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Tại điểm b khoản 2 Điều 83 quy định nguyên tắc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không được thực hiện việc huy động vốn trong và ngoài thành viên để cho vay nội bộ, bởi hoạt động này tương tự như hoạt động tín dụng do các tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng đòi hỏi yêu cầu cao và chặt chẽ trong quản trị rủi ro.
Tại khoản 3 Điều 83 giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này về điều kiện đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện hoạt động cho vay nội bộ và quy định mức cho vay, giới hạn cho vay, lãi suất, xử lý rủi ro từ hoạt động cho vay nội bộ.