Từ hôm nay (1/7/2025), chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên toàn quốc.
Khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, khối lượng công việc cấp xã sẽ rất lớn, Người Đưa Tin đã lắng nghe những ý kiến của các ĐBQH xoay quanh kỳ vọng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã nhằm đáp ứng những nhiệm vụ của chính quyền 2 cấp.
Cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân
ĐBQH Lê Đào An Xuân (đoàn Đắk Lắk) nhấn mạnh, việc tổ chức đưa mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động là quyết tâm chính trị rất lớn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ. Đồng thời, đây cũng là một thử thách rất lớn trong công cuộc xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời gian tới.

ĐBQH Lê Đào An Xuân (Ảnh: Media Quốc hội).
Với mục tiêu xây dựng một nền chính quyền phục vụ nhân dân, thì việc xác lập tiêu chí chất lượng đối với cán bộ cấp xã là rất quan trọng.
"Trong thời gian vừa qua, trong quá trình sắp xếp cán bộ, có thể thấy rằng các địa phương đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đó là: "chọn người theo việc" và ưu tiên cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần phục vụ nhân dân để bố trí vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở chính quyền cấp xã.
Với tinh thần "cán bộ dám nghĩ, dám làm", chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, chính quyền cấp xã sẽ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là kênh trực tiếp để phục vụ quyền lợi của người dân một cách tốt nhất", nữ đại biểu nhấn mạnh.
Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Tp.Hải Phòng), từ ngày 1/7/2025 bắt đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đồng bộ. Để thực hiện đồng bộ, đảm bảo thông suốt đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, các tỉnh thành đều có báo cáo lên Quốc hội, Chính phủ.
"Chúng ta đã sắp xếp tổ chức bộ máy rất khoa học, bài bản. Sự luân chuyển cán bộ từ tỉnh, huyện xuống xã để bổ sung vào nguồn nhân lực cấp xã đảm bảo quá trình vận hành thông suốt và tốt hơn", đại biểu Sơn nói và cho rằng quy mô của xã mới sẽ rộng hơn so với trước đây.
Cùng với đó, theo đại biểu, việc phân cấp phân quyền đối với chính quyền cấp xã hiện nay cũng khác so với trước đây. Do vậy, đại biểu cho rằng việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí con người vào chính quyền địa phương của cấp xã sẽ phát huy được vai trò khi bộ máy được đưa vào vận hành.
"Thời gian qua, nhiều cấp xã cũng đang vận hành thử trước khi có hiệu lực từ 1/7/2025. Và ngay cả bản thân chúng tôi là ĐBQH cũng chưa nhận được phản hồi việc vận hành chính quyền 2 cấp có những vướng mắc, bất cập. Cũng như theo thông tin từ các cơ quan báo chí ghi nhận việc vận hành chính quyền địa phương cấp xã trong thời gian qua ở giai đoạn thử nghiệm là rất tốt", đại biểu Sơn thông tin.
Cơ hội lớn cho cán bộ có năng lực
Để có thể chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện những nhiệm vụ đặt ra, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cán bộ chủ chốt cấp xã cần phải có bản lĩnh vững vàng và trình độ chuyên môn phải được nâng cao.
"Bởi vì, cán bộ cấp xã là người gần dân nhất, xử lý những tình huống, những sự việc dân phản ánh lên một cách nhanh nhất. Và hiện nay trong xu hướng sẽ phân cấp, phân quyền xuống cấp xã để xử lý những cái vụ việc có liên quan tới việc xảy ra ở địa phương đó.
Tôi cho rằng, bản thân các cán bộ cấp xã cũng sẽ phải giữ vững được phẩm chất đạo đức chính trị của mình, đặc biệt là năng lực của mình để xử lý các tình huống một cách hiệu quả nhất", đại biểu Sơn nói và cho rằng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đã có những quy định rõ ràng, nhất là với cán bộ, công chức không hoàn thành đã có quy định xử lý.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Ảnh: Hoàng Bích).
Do đó, theo đại biểu, song song với việc phát huy vai trò của cán bộ cấp xã có hình thức ghi nhận, khen thưởng xứng đáng thì cũng cần áp dụng các hình thức xử lý nếu cán bộ, công chức không đảm bảo được yêu cầu. Điều này giúp cho bộ máy ngày càng tốt hơn.
"Người dân sẽ được hưởng lợi từ việc xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Và khi ý kiến của người dân được phản ánh lên chính quyền địa phương cấp xã được xử lý ngay là cũng đã đáp ứng được mục tiêu mà Trung ương đặt ra", ông Sơn cho hay.
Với khối lượng công việc khổng lồ sau sáp nhập, địa phương rộng hơn, công việc được phân cấp, phân quyền nhiều hơn, không thể tránh khỏi những khó khăn, thách thức.
Đại biểu Sơn cho rằng, mỗi cá nhân, mỗi tập thể cũng sẽ phải cố gắng, nỗ lực. Từ Trung ương, từ Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đến các lãnh đạo cấp cao đều phải nỗ lực cố gắng để vận hành bộ máy.
"Do vậy, ở chính quyền các cấp, như cấp tỉnh, cấp xã cũng phải cố gắng, nỗ lực. Đứng trước một mô hình mới không thể không nói không có khó khăn. Nhưng, nếu mỗi địa phương có những phương án sắp xếp một cách bài bản, khoa học và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu ở cấp xã, cấp tỉnh để đảm bảo quá trình vận hành một cách thông suốt thì sẽ rất tốt", đại biểu chia sẻ.
Điều quan trọng nhất đại biểu kỳ vọng và mong muốn sớm tích hợp được cơ sở dữ liệu. Quốc hội vừa thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
"Nếu sớm tích hợp được cơ sở dữ liệu thì quá trình quản lý, điều hành cũng như xử lý các công việc sẽ diễn ra nhanh hơn", ông Sơn bày tỏ.
ĐBQH Trần Khánh Thu (đoàn Hưng Yên) cho biết, việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đây là cơ hội cho cả hệ thống và cũng là cơ hội cho những cán bộ có năng lực.
Theo đại biểu, chắc chắn không thể tránh khỏi những khó khăn ban đầu. Ví dụ như việc kết nối và vận hành thế nào khi từ tỉnh chỉ đạo trực tiếp xuống xã. Điều này chúng ta đã lường trước và Quốc hội có Nghị quyết về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật.

ĐBQH Trần Khánh Thu (Ảnh: Hoàng Bích).
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho việc vận hành, rất nhiều quy định cũng đã được điều chỉnh, bổ sung trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV bao gồm cả các Bộ luật và Nghị quyết đặc thù, nhằm xử lý ngay các vướng mắc dễ thấy trong quá trình vận hành.
Về vấn đề sắp xếp cán bộ, cũng đã có sự chuẩn bị, rà soát, sắp xếp, bổ sung lực lượng ở cấp chính quyền địa phương xã, phường chứ không đơn thuần là việc sáp nhập cơ học như trước đây.
"Cũng đã bổ sung nhân sự, thậm chí có những đồng chí là Tỉnh ủy viên được điều động làm Bí thư, Chủ tịch xã. Điều đó cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một cơ hội và đường đi hết sức rõ ràng", đại biểu Khánh Thu nói.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các hệ thống điều hành cũng đã giúp tháo gỡ được khoảng cách địa lý nếu cán bộ cần phải di chuyển.
"Chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai mới, kỳ vọng thì chắc chắn với một sự thay đổi, bước chuyển mình mang tính lịch sử. Với sự tin tưởng vào đường lối lãnh đạo, chỉ đạo rõ ràng và sự quyết liệt của lãnh đạo, các bộ, ban, ngành và các địa phương thì chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt nhất", bà Khánh Thu nói.
Theo bà, mục tiêu cuối cùng vẫn là phát triển đất nước, đưa đất nước ta đạt được các chỉ tiêu đề ra, làm sao tạo nguồn lực đủ mạnh để chúng ta có thể sánh vai với quốc tế và để đời sống người dân được tốt hơn, chỉ số hạnh phúc của người dân được nâng cao.
"Đây không chỉ là mong muốn của cá nhân tôi mà là niềm hy vọng của tất cả người dân chúng ta", đại biểu chia sẻ.